Chỉ trong vòng một tuần, VN-Index đã mất đến 35,24 điểm, tương ứng gần 6% giá trị, thanh khoản cũng sụt giảm xuống dưới 2.000 tỉ đồng ở phiên cuối tuần (18-4). Suốt tuần, chỉ có một phiên tăng điểm (17-4) trong khi có đến bốn phiên giảm điểm mạnh. Diễn tiến giảm này là tương đối bất ngờ nếu xét về cường độ nhưng không khó lý giải về bản chất. Như những phân tích gần đây, việc thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh trong suốt quý I-2014 là không phù hợp với sự tăng trưởng của kinh tế vốn chưa có chuyển biến tích cực, nên khi tăng “hết đà”, thị trường đã giảm điểm. Khi mà các yếu tố kỳ vọng của nhà đầu tư và những thông tin hỗ trợ như lãi suất có xu hướng giảm, khả năng mở room cho khối ngoại và kết quả tích cực của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong quý I đã được phản ánh hết, thậm chí vượt mức vào VN-Index, thì thị trường không thể tăng thêm được nữa. Không những thế, trong khi giá của nhiều mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt không tăng thì nhiều mã có tính đầu cơ cao, liên quan đến những tin đồn lại tăng giá mạnh. Sau vài đợt tăng giá, các cổ phiếu đầu cơ đã ở mức giá quá cao, do đó những phiên giảm điểm tuần qua là hợp lý. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cá nhân thích sử dụng đòn bẩy và vì vậy, cùng với sự giảm điểm của VN-Index, áp lực giải chấp margin cũng tăng lên, đến một thời điểm nào đó nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy không chịu nổi áp lực buộc phải bán cổ phiếu ra.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index sau nhiều lần không vượt được ngưỡng kháng cự quanh mốc 600 điểm, nên đã chuyển sang giai đoạn giảm điểm. Quan trọng hơn, dòng tiền tham gia thị trường của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu là đầu cơ, nên sự lên xuống của thị trường thường không có nguyên nhân rõ ràng mà do tâm lý bầy đàn. Yếu tố tâm lý chi phối khiến cho những thông tin liên quan đến vụ xử bầu Kiên ngày 16-4 (sau đó bị hoãn) có tác động mạnh đến thị trường. Nhiều nhà đầu tư vội vã rút ra khỏi thị trường để nghe ngóng, chờ khi tình hình ổn định. Giai đoạn này được xem là nhịp điều chỉnh cần thiết giúp xác lập mặt bằng giá mới cho các cổ phiếu, nhưng hệ quả là một lượng vốn nhất định bị rút ra khỏi thị trường, gây nên tình trạng giảm thanh khoản. Tuy nhiên, nguồn vốn này sẽ sớm quay lại cùng với tín hiệu khởi sắc của thị trường sau quá trình điều chỉnh, bởi các kênh đầu tư khác vẫn chưa hấp dẫn. Một khi các cổ phiếu tốt có giá thấp đủ để lôi kéo các nhà đầu tư trở lại, VN-Index sẽ hồi phục phong độ.
Có vẻ như trong hoạt động mua bán theo diễn tiến của VN-Index, các nhà đầu tư nước ngoài luôn giữ được sự chủ động. Tuần từ 7-11 tháng 4, khi thị trường tăng giảm điểm xen kẽ quanh mức 600, khối ngoại bán ròng tới hơn 503 tỉ đồng. Đến khi thị trường sụt giảm mạnh trong tuần rồi, khối ngoại lại mua ròng hơn 206 tỉ đồng, tập trung vào các cổ phiếu blue-chip như GAS, VCB, HPG…
Nhận định thị trường trong những ngày tới, nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động bán giải chấp (margin call) cùng với tâm lý lo lắng trên thị trường có thể đẩy VN-Index giảm sâu. Diễn biến “đỏ sàn” những phiên vừa qua cùng với sự thận trọng của dòng tiền khiến cho trong ngắn hạn triển vọng phục hồi của thị trường là khá khó khăn. Từ chỗ kỳ vọng VN-Index tiếp tục tăng như trong quý I, các phiên giảm mạnh của thị trường đi kèm thanh khoản yếu đã khiến một số đầu tư hoang mang, thậm chí bán tháo. Áp lực cắt lỗ từ một số nhà đầu tư có thể tác động tiêu cực tới VN-Index. Tuy nhiên, khi mà nhiều cổ phiếu đã quay trở lại vùng giá tích lũy hấp dẫn, sẽ có hoạt động “bắt đáy”, vì vậy khả năng thị trường giảm điểm sâu là không cao, thay vào đó là dao động nhẹ trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cá nhân được khuyến nghị nên nắm giữ tiền mặt, bởi đây là giai đoạn không thích hợp cho đầu cơ. Các danh mục đầu tư cũng cần được đánh giá lại, để có thể đưa ra đối sách hợp lý với những biến động tiếp theo của thị trường. Trong trung hạn, thị trường sẽ theo chiều hướng tích cực hơn, bởi nhiều chuyên gia kinh tế có cùng nhận định rằng nền kinh tế đã có dấu hiệu thoát đáy và đi lên, làn sóng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, kể cả trực tiếp và gián tiếp đều có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho thị trường tăng trưởng.
Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại, tâm lý của các nhà đầu tư vẫn đang bất ổn. Phiên giao dịch đầu tuần (21-4), thị trường tiếp tục lao dốc, khi VN-Index đóng cửa phiên ở 558,14 điểm và thanh khoản vẫn không được cải thiện. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE chỉ đạt 95.569.640 đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 1.503,93 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng vào thị trường, thể hiện ở chỗ VN-Index vừa có dấu hiệu đi lên là đã tranh nhau bán ra. Điều này báo hiệu đây sẽ là một tuần đầy khó khăn cho những người nắm giữ cổ phiếu.
Thành Huân