Vào khoảng tháng 7 – 8 năm 1981, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 ngày nào cũng nhận hàng chục trẻ sơ sinh nhập viện vì xuất huyết não màng não. Tử vong rất cao, cứ 10 bé thì chết 7. Các ca sống sót cũng để lại di chứng như liệt, mù, câm, điếc…
Chỉ trong vòng vài tháng mà riêng Nhi Đồng 1 – nơi tôi làm việc – đã có trên 300 ca nhập viện, gây một sự hoang mang trong giới thầy thuốc và cả dân chúng. Rõ ràng là có một trận “dịch”, nhưng chưa tìm được nguyên nhân để có biện pháp khống chế.
Điều trị cổ điển bằng cách truyền máu tươi, chích vitamin K1 không mang lại hiệu quả. Có trường hợp bớt rồi bị lại! Giả thuyết ngộ độc được nghĩ đến nhiều nhất vì trẻ hoàn toàn không có dấu hiệu nhiễm trùng, nhưng vẫn không rõ là ngộ độc thứ gì: thực phẩm, dược phẩm hay các thứ dùng ngoài da… Ngày nào cũng thấy hàng chục ca nhập viện và tử vong như vậy mà không tìm ra nguyên nhân để chữa trị khiến các thầy thuốc chúng tôi mất ăn mất ngủ.
Sau cùng, nhờ sự hợp tác của một chuyên gia về độc chất học có nhiều kinh nghiệm là Giáo sư Martin Broyer bay từ Paris sang cùng với nhóm nghiên cứu liên khoa tại Thành phố nên đã nhanh chóng tìm ra chính là chất warfarine chứa trong phấn rôm giả đang bán rộng rãi trên thị trường lúc đó.
Warfarine là một độc chất gây xuất huyết, dùng để diệt chuột, được dùng để bảo vệ các kho hàng. Người ta thường rắc bột warfarine quanh kho, chuột chạy qua bị dính và bị xuất huyết mà chết. Các mẫu phấn rôm này được phân tích cả ở Pháp và Viện Pasteur Thành phố đều cho thấy có tỷ lệ warfarine cao.
Tiến hành thực nghiệm trên bảy khỉ con tại Viện Pasteur: cạo lông bụng, rắc phấn rôm, băng lại như người ta băng rốn cho trẻ con. Kết quả, sáu con chết vì xuất huyết, một con sống vì là con “chứng”, chỉ được rắc bột talc. Tức khắc, một chiến dịch truyền thông đã nhanh chóng được phát động.
Tất cả báo chí, phát thanh, truyền hình đồng loạt đưa tin, đưa hình. Công an thu hồi toàn bộ phấn rôm có mặt trên thị trường, tiến hành điều tra tìm thủ phạm. Chỉ một tuần lễ, số lượng bệnh nhi giảm rõ rệt và sau 3 tuần đã chấm dứt trận dịch. Người sản xuất phấn rôm bị đưa ra tòa. Bà khai vì thấy warfarine có mùi thơm, bột mịn, giá lại rẻ (thời điểm đó) nên bà muốn có lời nhiều, đã pha thêm vào bột mì, làm phấn giả dưới nhiều tên hiệu khác nhau để bán cho người tiêu dùng!
Nửa thế kỷ trước, năm 1953 tại Minamata, thành phố nằm bên bờ biển phía Tây hòn đảo Kyushu Nhật bản, cũng đã xảy ra một trận dịch, sau này có tên trong y văn thế giới là “Hội chứng Minamata”: Người bệnh bị ngộ độc – do ăn các loại hải sản nuốt phải thủy ngân từ nhà máy Chisso thải ra – bị bại liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm thính lực và thị lực…
Phụ nữ mang thai thì chất độc đi xuyên qua nhau thai làm thai nhi cũng bị ngộ độc, trẻ sinh ra bị chết hoặc bị bại não. Mãi đến năm 1968, nguyên nhân gây ngộ độc mới được làm sáng tỏ. Nhà máy Chisso bị đóng cửa và phải bồi thường thiệt hại rất nặng nề. Chính quyền sở tại cũng phải chịu trách nhiệm.
Trong giai đoạn phát triển kinh tế “ào ạt” như hiện nay, người ta dễ nghĩ đến quyền lợi của mình mà quên người tiêu dùng: dư lượng thuốc trừ sâu trên rau trái, cá nóc xẻ khô, làm mắm… bán lên miền cao là những thí dụ. Do vậy, việc quản lý chất lượng sản phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng là rất quan trọng.
Gần đây ở một số tỉnh miền Trung đã liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc cá nóc gây chết người rất đáng thương tâm. Một nhà báo đã phỏng vấn một chị làm khô cá nóc: “Chị không biết cá nóc gây ngộ độc chết người sao?” Chị trả lời: “Nhưng tôi chỉ làm để bán!”.
Hẹn thư sau. Thân mến.