Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ đầu tháng 1-2018 đã chỉ ra mối liên hệ giữa sữa công thức và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ.
Trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ có người thân mắc bệnh đái tháo đường, nếu uống sữa công thức gốc sữa bò sẽ không bị nguy cơ cao về mắc bệnh tiểu đường type 1. Đó là kết quả công trình nghiên cứu kéo dài 15 năm của nhóm nhà khoa học do GS Dorothy Becker tại Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh dẫn đầu.
Từ năm 2002, nhóm nhà khoa học đã theo dõi sự phát triển của hơn 2.000 em nhỏ tại 15 quốc gia. Các em này đều có người thân mắc bệnh đái tháo đường type 1 hoặc mang gien có nguy cơ mắc bệnh này. Các trẻ được chia thành hai nhóm, nhóm đầu uống sữa công thức truyền thống gốc sữa bò với nguyên hàm lượng protein và nhóm sau uống loại sữa theo công thức đặc biệt là sữa đạm casein thủy phân. Trong loại sữa đặc biệt này, cấu trúc của protein bị phá vỡ thành từng phần nhỏ được gọi là peptide – loại chất hữu cơ chứa từ hai đến 50 gốc a-cmino axit liên kết với nhau.
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt nhiều về nguy cơ mắc bệnh ở hai nhóm trẻ này. Trong nhóm 1 có 82 trẻ (khoảng 7,6%) bị mắc bệnh tiểu đường trong vòng hơn 11 năm tiếp theo, trong khi ở nhóm 2 thì 91 trẻ (khoảng 8,4%) có xu hướng tương tự.
GS Becker nhận định nghiên cứu này đã phần nào làm xoa dịu những quan ngại về nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ uống sữa công thức. Bà nhấn mạnh rằng việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 1 không hề dễ dàng, do vậy chưa có cơ sở nào để đưa ra những điều chỉnh chế độ dinh dưỡng đối với những trẻ sơ sinh nhằm tránh căn bệnh này.
Trước đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc sớm với các protein khác ngoài protein trong sữa mẹ, chẳng hạn protein sữa bò, làm gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 1 ở những trẻ mang gien bệnh này.