Theo thống kê của Hiệp hội BSC Hoa Kỳ, hiện nay 65% trong số 1000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (qua bầu chọn của tạp chí Fortune) đã ứng dụng BSC (The Balanced Scorecard – Thẻ Điểm Cân Bằng) vào quản trị chiến lược.
Trong một cuộc nghiên cứu gần đây của Bain & Co (một trong những công ty tư vấn hàng đầu của Mỹ), kết quả cho thấy BSC là công cụ đứng thứ 5 trong top 10 công cụ quản trị được ứng dụng rộng rãi nhất trên thế giới; BSC cũng được tờ báo uy tín Harvard Business Review bình chọn là một trong những công cụ quản trị có tầm ảnh hưởng nhất trong vòng 75 năm qua; sau 21 năm phát triển kể từ năm 1990, BSC đã xuất hiện tại gần 100 quốc gia.
Vậy, lý do gì khiến BSC “lên ngôi” trong thế kỷ 21? Và, chính xác BSC là gì?
BSC được giới thiệu chính thức lần đầu tiên năm 1992 từ hai Tiến Sĩ người Mỹ Robert Kaplan và David Norton như là một công cụ có thể bổ sung các chỉ số đo lường phi tài chính vào chiến lược hoạt động của tổ chức, bên cạnh các chỉ số đo lường tài chính truyền thống, giúp cho hoạt động của tổ chức trở nên “cân bằng” hơn.
Định nghĩa về BSC không phức tạp và xa lạ nhưng thực sự các doanh nghiệp Việt Nam đều không hiểu thấu đáo về BSC, chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp không ứng dụng hoặc ứng dụng nhưng không khai thác được giá trị thực sự của BSC.
Dưới đây là một góc nhìn phổ biến các doanh nghiệp Việt Nam về BSC, góc nhìn này chỉ phản ánh được phần ngọn của BSC một cách cơ bản và mang tính quản trị nhiều hơn là mang tính tầm nhìn dài hạn. Góc nhìn này vô tình biến BSC thành một công cụ KPI hơn là một công cụ quản trị và thực thi chiến lược hiệu quả nhất hiện nay. Góc nhìn này chỉ phản ảnh được phần cơ bản nhất của BSC và được diễn giải như sau: Doanh nghiệp được đánh giá tốt khi kết quả kinh doanh cuối cùng thể hiện các chỉ số tài chính tốt. Tuy nhiên, các chỉ số tài chính chỉ mang tính ngắn hạn, hệ quả, không miêu tả được diễn biến của quá trình, không dự báo được tương lai dài hạn, không phản ánh được các bước chiến lược. Lúc này, rủi ro tiềm ẩn nằm ở sự chưa hài lòng của khách hàng. Nếu doanh nghiệp có chỉ số tài chính tốt nhưng khách hàng không hài lòng thì chắc chắn ở năm kế tiếp, các chỉ số tài chính này sẽ sụt giảm. Trong trường hợp các chỉ số tài chính tốt và khách hàng hài lòng, doanh nghiệp theo thông thường sẽ có khuynh hướng mở rộng quy mô để phát triển. Điều này dẫn đến xuất hiện một nguy cơ khác là nếu quy trình và hệ thống không theo kịp tốc độ phát triển, doanh nghiệp lập tức đứng trước khả năng bị gãy quy trình – hệ thống và không kiểm soát được rủi ro. Hậu quả là khách hàng không hài lòng và tài chính đi xuống. Một viễn cảnh lý tưởng hơn, doanh nghiệp đã có tài chính tốt, khách hàng hài lòng và có được quy trình cùng hệ thống đáp ứng nhu cầu phát triển – điều kiện mơ ước đối mới mọi công ty thì doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với cái chết dài hạn khác nữa bởi vẫn còn một yếu tố quan trọng cần đáp ứng. Đó là yếu tố nhân sự sẵn sàng thay thế. Nếu không đào tạo, tái lập được người lãnh đạo cùng đội ngũ kế thừa có đủ năng lực, đủ khả năng thay thế đển theo kịp chiến lược phát triển thì doanh nghiệp sẽ lại gặp khủng hoảng trong dài hạn.
Nếu BSC được hiểu như vậy thì không dễ gì mà khiến phát minh này có mặt tại 65% trong số 1000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Ngoài những yếu tố cơ bản được nêu trên thì thực chất BSC là một công cụ thể hiện vai trò chiến lược rõ nét mà các công cụ khác không có:
1 BSC là một công cụ giúp xây dựng các mục tiêu và giải pháp chiến lược mang tính trọng tâm và tập trung gắn với lợi thế cạnh tranh của Doanh Nghiệp. Nói cách khác, BSC là các công cụ làm sắt bén chiến lược, giúp doanh nghiệp loại bỏ những mục tiêu và hành động thừa (“lean”).
2 BSC là một hệ thống đo lường và quản trị chiến lược. Đây là một công cụ gắn kết giữa các kế hoạch thực thi với tầm nhìn của tổ chức.
3 BSC là một hệ thống các đồng hồ được đặt đúng các vị trí để giám sát, đo lường các nhân tố – hoạt động quyết định doanh nghiệp có đạt được tầm nhìn hay không. Nói cách khác, nếu các yếu tố được các đồng hồ này đo lường không hoàn thành được thì tầm nhìn cũng sẽ không hoàn thành. Như vậy, việc xây dựng BSC có thành công hay không tùy thuộc vào đặt đồng hồ có đúng vị trí hay không. Từ việc đặt đồng hồ đúng sẽ có được giải pháp trọng tâm ngay tức thời để điều chỉnh các kế hoạch chiến lược trong tổ chức nhằm đạt được tầm nhìn trong tổ chức.
4 BSC là một công cụ nhằm định hướng chiến lược của doanh nghiệp theo chiều hướng cân bằng và bền vững qua bốn yếu tố tài chính, khách hàng, quy trình, con người. Không những thế, BSC có thể được điều chỉnh và mở rộng nhiều hơn bốn yếu tố trên, nhằm đạt được độ bền vững và cân bằng hơn. Hiện nay, các tổ chức đã điều chỉnh BSC và đo lường BSC nhiều hơn bốn khía cạnh nhằm cân bằng hơn, bền vững hơn và thích hợp hơn với từng tổ chức. 5 BSC là một công cụ phân khai chỉ tiêu và kết nối các phòng ban rất hiệu quả bởi vì thông qua việc phân khai trong BSC, tất cả các phòng ban và đơn vị của công ty đều thấy được mục tiêu chung, mục tiêu riêng và mức độ ảnh hưởng của mục tiêu phòng ban này đến mục tiêu phòng ban khác rất rõ ràng thông qua sơ đồ chiến lược. Ngoài ra, BSC là một công cụ truyền thông chiến lược biến chuyện chiến lược, tầm nhìn thành công việc của tất cả mọi người chứ không chỉ của cấp điều hành. Từ đó, tất cả nhân viên trong tổ chức tăng sự cam kết và thấy được vai trò, nhiệm vụ của mình quan trọng như thế nào đối với tổ chức trong việc thực thi mục tiêu. 6 BSC là một công cụ truyền thông chiến lược , giúp cho mọi người trong tổ chức từ các cấp quản lý đến nhân viên biết được tầm nhìn, chiến lược của tổ chức; qua đó biết được hướng hoạt động cũng như là những mục tiêu của tổ chức đó. Người nhân viên biết rằng họ có thể đóng góp cho sự thành công của tổ chức, từ đó các nhân viên sẽ đề ra những mục tiêu cụ thể và hành động theo cùng một hướng mục tiêu của tổ chức, tầm nhìn và chiến lược của tổ chức.
Anh Loan Văn Sơn – Chuyên Gia Tư Vấn BSC (DNSGCT)