Trong những dự đoán về khả năng tiếp tục xấu đi của thị trường nửa cuối tháng 9, luôn kèm theo ý “nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng”, bởi quãng thời gian từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 chính là giai đoạn bán ròng mạnh nhất của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay, riêng trên HSX đã là hơn 5.000 tỉ đồng. Chính đợt bán ròng này của khối ngoại khiến cho VN-Index trồi lên sụt xuống trong vùng 650-660 điểm. Không nghi ngờ gì nữa, khối ngoại vẫn là một nhân tố mang tính quyết định đến đà tăng giảm của VN-Index. Dù chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15 – 20% giao dịch toàn thị trường nhưng giao dịch của khối ngoại luôn được các nhà đầu tư trong nước theo dõi và có thể tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng chung của thị trường. Tuần từ 19 đến 23-9, sau kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tiếp tục mua bán sôi động mà còn chuyển sang trạng thái mua ròng. Không những thế, họ còn thực hiện nhiều giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn các bluechip như FPT, VNM…, giúp nâng cao thanh khoản cho thị trường. Chỉ riêng phiên 23-9, FPT đã có giao dịch thỏa thuận lên tới 22,66 triệu đơn vị, tổng trị giá hơn 1.120 tỉ đồng. Thực tế cho thấy, chỉ cần khối ngoại mua ròng, hoặc ngưng đà bán ròng mạnh (nếu loại bỏ lượng mua ròng đột biến cổ phiếu MSN, khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ trong tuần từ 19 đến 23-9), VN-Index hoàn toàn có thể trở lại xu hướng tăng.
Việc khối ngoại ngưng bán ròng tất nhiên có phần tác động từ việc lãi suất USD vẫn giữ nguyên sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày (20 và 21-9) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Các quan chức FED lo ngại rằng một quyết định tăng lãi suất sẽ khiến USD tăng giá và hàng nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh, làm trầm trọng thêm cán cân thương mại vốn đang bị thâm hụt ở mức cao. Cuộc họp tiếp theo của FED được tiến hành vào tháng 11 tới, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, còn quyết định tăng lãi suất USD chỉ được xem xét tại cuộc họp vào giữa tháng 12, tất nhiên là dựa vào diễn biến tình hình kinh tế của nước này. Dù gì thì việc lãi suất USD giữ nguyên ít nhất trong ba tháng tới cũng khiến cho dòng vốn ngoại chưa bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi và điều này có ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán nước ta.
Dù kinh tế trong nước không có nhiều chuyển biến mang tính đột biến, nhưng rõ ràng là cũng ngày càng được cải thiện. Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 mà World Bank công bố gần đây, với điểm số 62,1/100, nước ta xếp hạng 90 trong tổng số 189 nước và được đánh giá là có nhiều tiến bộ về chỉ tiêu xin giấy phép xây dựng, khởi nghiệp, vay vốn… Còn xét về tương quan định giá của thị trường chứng khoán nước ta so với các quốc gia trong khu vực (trừ Singapore), chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ xấp xỉ 15 lần, trong khi thông số này của các nước ASEAN là khoảng 22 lần. Với chỉ số P/E còn khá thấp như vậy, cộng với tiềm năng tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp niêm yết đang ở mức khá cao, có thể nói thị trường chứng khoán nước ta vẫn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Thị trường đang hứng khởi nhờ lực cầu từ khối nội và sự quay lại của dòng tiền ngoại, điều này có thể giúp VN-Index hướng đến những cột mốc điểm số mới, hay ít ra cũng giúp nhà đầu tư chấp nhận vùng giá hiện tại. Tuy nhiên, VN-Index càng lên cao thì thị trường sẽ đối mặt với lực bán mạnh, vì thế những nhà đầu tư thận trọng thường ít mua vào cổ phiếu trong vùng giá này. Trong trung hạn, nhà đầu tư có thể giải ngân vào những mã cổ phiếu cơ bản được dự báo tăng trưởng ổn định.
Ngọc Khang (DNSGCT)