Vận chuyển hàng hóa qua Bắc cực không phải là phương thức mới được nghĩ tới ngày nay. Năm 1845, nhà thám hiểm Anh John Franklin đã cùng với một thủy thủ đoàn 129 người bỏ mạng khi hai chiếc tàu của họ bị kẹt trong băng. Ngày nay, vấn đề này đang được thảo luận sôi nổi hơn bao giờ hết, vì khí hậu Trái đất đang nóng dần lên, nhiều tảng băng Bắc cực tan chảy vào mùa hè, mang lại triển vọng cho các công ty vận chuyển đường biển với một lộ trình rút ngắn hơn rất nhiều so với những lộ trình đang sử dụng.
Năm 2013, chiếc tàu Nordic Orion của công ty Đan Mạch Nordic Bulk Carriers, với sự hộ tống của một tàu phá băng Canada, lần đầu tiên đi qua “Hành lang Tây Bắc” (Northwest Passage), từ phía bắc Canada nối với châu Mỹ – châu Âu và châu Á. Một năm sau, tàu Nunavik của Canada lần đầu tiên đi qua hành lang này mà không có tàu hộ tống, mở ra những triển vọng cho ngành hàng hải thế giới. Năm 2015, có 16 tàu tham gia lộ trình mới mẻ này; năm 2016 là 18 chiếc, và năm 2017 vừa qua là 32 chiếc, bao gồm du thuyền thám hiểm, tàu phá băng, tàu chở dầu, tàu tuần tra.
Theo Tim Keane, người điều hành lộ trình qua Bắc cực của tàu Nunavik thuộc Hãng vận tải đường biển Fednav (Canada), trong tương lai, khi Hành lang Tây Bắc được khai thông, nhiều trở ngại được giải quyết, đường liên lạc giữa các châu lục sẽ được thu ngắn rất nhiều. Chẳng hạn con đường đi từ Quebec (Canada) đến Trung Quốc chỉ tốn 26 ngày thay vì phải gần 41 ngày theo lộ trình qua kênh đào Panama. Chủ tịch hãng Fednav, ông Niels Gram, cho biết hãng ông đang tính đến việc đầu tư hỗ trợ các dự án khai thác hành lang này.
- Xem thêm: Mở đường hàng hải qua miền Bắc cực
Hiện nay, nhiều dự án khai thác khoáng sản đang được triển khai tại Canada, nguyên liệu cần được vận chuyển đến khắp nơi trên thế giới, việc sử dụng hành lang Tây Bắc qua Bắc cực mang lại nhiều lợi ích to lớn về thời gian và chi phí. Song không phải ai cũng đồng tình với hướng khai thác này. Không ít chuyên gia về Bắc cực tỏ ra hoài nghi, trong số này có Malte Humpert, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Bắc cực. Ông cho rằng đây là một sự chọn lựa “không rõ ràng, dứt khoát” trong việc vận chuyển hàng hóa so với con đường qua Bắc Hải, chạy dọc theo bờ Bắc Băng Dương ở Nga, giữa châu Á và châu Âu.
Theo Humpert, Hành lang Tây Bắc có nhiều bất lợi về mặt địa lý, nhiều hòn đảo trong vùng bị băng gây ách tắc nhiều hơn so với lộ trình đi qua Nga. Một thách thức nữa của hành lang qua Canada là thiếu các cảng nước sâu và khả năng tìm kiếm, cứu nạn bị hạn chế. Cái chết của nhà thám hiểm John Franklin và 129 thủy thủ vào năm 1845 là bài học đắt giá luôn nhắc nhở họ. Ngoài ra, vấn đề chủ quyền của hành lang này cũng đang gây ra tranh cãi gay gắt, người Canada muốn giành lấy chủ quyền vì con đường này xuất phát từ phía bắc nước họ, còn Mỹ thì quan niệm rằng nó phải được quốc tế hóa cho tất cả các quốc gia trên thế giới.
- Xem thêm: Con đường tơ lụa qua Bắc cực
Dù còn nhiều tranh cãi, song con đường vận chuyển hàng hóa qua Bắc cực vẫn đang được tranh đua một cách sôi nổi, đặc biệt giữa Nga và Canada. Nga đang nỗ lực mở rộng nền kinh tế phía bắc, dự tính đầu tư hàng triệu USD trong vài năm tới để sản xuất các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân và xây dựng hạ tầng cơ sở cảng biển trên Con đường Hàng hải phía bắc. Về phần Canada, họ dự kiến khai triển trở lại một cảng nước sâu để mở đường đến vịnh Hudson, trong tỉnh Manitoba. Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada, ông Jim Carr, công trình của nước này sẽ mở ra “một thế giới hoàn toàn khác” cho các khu vực phía bắc của Canada.
– Tổng hợp