Khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt không đơn thuần là “khủng hoảng kép” mà đúng hơn là “khủng hoảng chồng”, khủng hoảng về y tế, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội…, khủng khoảng chồng khủng hoảng trên khắp toàn cầu. Năm 2008, nhà đầu tư Warren Buffett từng nói rằng: “Khi thủy triều rút xuống thì bạn mới phát hiện ai là người bơi mà không đồ”.
Covid-19 được ví như cơn thủy triều đã làm lộ ra nhiều vấn đề bất cập về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… trên khắp toàn cầu. Những nền kinh tế, những doanh nghiệp càng giả và càng ảo thì càng dễ vỡ trước cơn khủng hoảng lần này. Mỹ và phương Tây cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng lần này.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chồng hiện nay cũng chính là sự thức tỉnh trong cộng đồng doanh nhân, để cùng nhìn lại giá trị cốt lõi và năng lực cốt lõi của doanh nghiệp mình. Trong một thế giới biến động chóng mặt và khôn lường, chỉ có giá trị nhân bản là bền vững nhất, cho cả con người và doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu xem khủng hoảng là đại họa thì doanh nghiệp sẽ trở nên bi quan và dễ sụp đổ. Chỉ khi doanh nghiệp xem khủng hoảng là một “phép thử” thì doanh nghiệp mới có thể tìm ra giải pháp để không chỉ vượt qua và phát triển trường tồn.
Chúng ta cũng đã đi qua thời mở cửa, nay đã là thời “gỡ cửa”, đã hội nhập một cách sâu rộng với thế giới không chỉ về kinh tế, hàng hóa mà còn về văn hóa và thông tin. Nếu muốn tiếp tục thành công, doanh nghiệp sẽ không thể sống và làm theo cách mà mình đã sống và làm trong bao năm qua, mà phải sống và làm theo cách khác.
Khi mở cửa và gỡ cửa thì thế giới sẽ là một phần của Việt Nam và Việt Nam là một phần của thế giới. Doanh nghiệp Việt có thêm thị trường rộng lớn mấy tỷ dân, nhưng thị trường Việt Nam cũng trở thành thị trường chung của doanh nhân thế giới và chúng ta phải cạnh tranh với thế giới ngay trong nhà của mình. Do vậy, người ta càng cần phải trở thành “người trái đất” – là con người độc lập tự do, luôn biết cách khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình. Người trái đất cần một sự học mới, bao gồm sự học chuyên môn và sự học khai phóng, để họ vừa giỏi nghề vừa trưởng thành về văn hóa, để không chỉ trở thành người giỏi mà còn trở thành người lớn.
Khi con người ngày càng tự do hơn và xã hội ngày một hội nhập hơn thì cần một thứ quản trị mới để phù hợp với điều này. Khi đòi hỏi cao hơn về trình độ trong môi trường cạnh tranh toàn cầu thì cũng đòi hỏi một thứ quản trị mới với 3 yếu tố cốt lõi nhất là: tính nhân bản, tính hiệu quả, chuẩn toàn cầu. Nếu thiếu nhân bản thì con người tự do sẽ khó chấp nhận, nếu thiếu hiệu quả thì không thể tồn tại, còn nếu không vận hành theo chuẩn toàn cầu thì không thể cạnh tranh với thế giới ngay trong nhà của mình.
Để làm điều lớn lao này thì chúng ta cần bắt tay với những “người khổng lồ” về quản trị để hình thành một “hệ sinh thái quản trị toàn cầu” ngay tại Việt Nam, từ đó, nền quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, giảm thiểu thất bại và có những chuẩn mực đúng để vươn tới. Khi quản trị theo chuẩn toàn cầu thì chúng ta không những không bị bỏ lại phía sau mà còn tự tin đi cùng và phát triển cùng thế thế giới.
(Trích lược phát biểu của ông Giản Tư Trung, Nhà sáng lập Học viện quản lý PACE, tại Lễ tôn vinh Sự học của Doanh nhân 2020 – ngày 20-12-2020)