Tập san Bulletin des Amis du Vieux Hue – BAVH (Những người bạn Cố đô Huế) xuất bản ba tháng một kỳ; là cơ quan của một Hiệp hội cùng tên (Association des Amis du Vieux Hue – AAVH) được thành lập tại Huế vào tháng 11-1913. Hội có mục đích “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận”. Hoạt động của AAVH gắn liền với sự nghiệp của Linh mục Léopold Cadière (1869-1955). Ông vừa là người sáng lập, vừa là linh hồn của Hiệp hội.
Là một linh mục phụ trách công việc truyền giáo, nhưng ngay từ khi đặt chân đên Việt Nam năm 1892, L. Cadière đã quan tâm ngay đến lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, từ đó ông đã nhanh chóng trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, dù phải làm việc ở một giáo xứ hẻo lánh xa Huế hơn 100km. Khi Viện Viễn đông Bác cổ thành lập năm 1898 tại Hà Nội, L. Cadière đã gặp Louis Finot, Giám đốc đầu tiên của Viện và trở thành người cộng tác đắc lực, đặc biệt trong lĩnh vực dân tộc học và ngôn ngữ học.
Năm 1910 ông trở về Pháp và 3 năm sau lại được điều trở lại Việt Nam phục vụ tại trường dòng Pelerin ở Huế. Lần này, ông có dịp tiếp xúc với nhiều quan chức ở Huế, trong đó có những người quan tâm nghiên cứu đến văn hóa và lịch sử Việt Nam. Từ đó, nảy sinh trong ông ý định thành lập một hiệp hội, nhằm liên kết các hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời chăm lo bảo vệ các di tích lịch sử mà ông thấy đang bị hủy hoại ngay trước mắt. Tập san BAVH ra đời tháng Giêng năm 1914 chính là nhằm thực hiện mục tiêu trên.
Tham gia sáng lập Hiệp hội và xây dựng Tập san là những quan chức người Pháp, phần lớn là dân sự chứ không phải là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Tuy vậy, đóng góp của họ đối với việc nghiên cứu về Việt Nam cũng rất đáng ghi nhận, vì thời kỳ đó ít người Việt làm những công việc nghiên cứu này. Về phía Việt Nam lúc đầu chỉ có 3 thành viên sáng lập, hầu hêt là quan lại của chính phủ Nam triều.
Có vai trò quan trọng của hiệp hội AAVH đáng kể nhất là bác sĩ Alberl Sallet, thư ký đầu tiên của AAVH. Ông là người đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập Hiệp hội. Là một bác sĩ quân y, A. Sallet đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cây cỏ, đặc biệt là cây thuốc ở Việt Nam. Ông trở thành một chuyên gia lớn về thực vật và bệnh nhiệt đới mà những công trình của ông được đánh giá cao. Với cương vị thư ký của Hiệp hội, ông đã tạo được mối quan hệ tốt với các nhà khoa học mỗi khi có việc đi qua Huế.
Bên cạnh đó còn có các ông như L. Dumoutier; nhân viên kho bạc Huế là chủ tịch đầu tiên được Hiệp hội bầu ra, cũng là người góp nhiều công sức cho việc xây dựng tổ chức. Sau đó, ông R. Orband là người kế tục Dumoutier ở cương vị chủ tịch cũng đã có nhiều đóng góp tài chánh cho hiệp hội.
Ở đây, có một nhân vật cần được nói rõ là Léon Sogny, nguyên Chánh thanh tra Mật thám Trung Kỳ, nhân vật này không xa lạ với những nhà cách mạng Việt Nam ở miền Trung. Bên cạnh sự đàn áp những nhà yêu nước. L. Sogny lại là người say mê nghiên cứu văn hóa Việt Nam trong những công trình khảo cổ, cũng như những nghiên cứu về phong tục, tập quán của các dân tộc ở Việt Nam. Có lẽ đây cũng là lý do giải thích sự thiếu vắng những khuôn mặt quen thuộc trong giới sử học và khoa học ở Huế bấy giờ, vì trong mắt họ, Hiệp hội cũng là “tổ chức của Tây”. Còn về nhà đương cục, những trí thức Việt Nam đó lại là những phần tử “không được ưa chuộng lắm”.
Trong thời gian từ tháng Giêng 1914 đến tháng Sáu 1944, tập san đã cho ra đời 122 số, gồm 13.000 trang văn bản, 2.800 phụ bản và 700 hình minh họa màu và đen trắng. Quả thật đây là một công trình rất đồ sộ, tuy nhiên L. Cadière đã tự đánh giá: “Tập san không phải là một chuyên san khoa học cao, mà chỉ là một công cụ phổ cập” (BAVH 1925).
Thành viên của Hiệp hội không đông lắm, lúc mới thành lập có 14 người, năm 1918 lên 249 người, cao nhất là năm 1925 có 429 người, rồi từ đấy giảm dần.
Có thể nói đối tượng chính của BAVH không phải là những nhà khoa học, mà là tất cả những ai muốn hiểu biết về Việt Nam; từ lịch sử đến văn học dân gian; từ địa lý đến dân tộc học, tôn giáo và cả những phát hiện mới, cho nên chúng ta sẽ tìm thấy trong tập san nhiều bài viết của nhiều tác giả dưới tiêu đề “ghi chép”, chẳng hạn: Ghi chép về nghề gốm ở Bình Định (1927); Ghi chép về một vương ấn tìm thấy ở Pháp (1937); Ghi chép về giếng và bể chứa nước bằng đá ở Gio Linh (1937), và còn nhiều ghi chép khác về tiền tệ, về con dấu, về y phục quan lại…
Như đã nói, nội dung tập san đề cập đến nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, lịch sử vẫn là chủ đề được quan tâm và chiếm số lượng nhiều nhất như nội dung các bài: Các phái bộ Pháp-Nam (Huế 1880, PhanThanh Giản 1863…); Lễ đăng quang ở Huế (BAVH 1938)… Địa lý cũng giữ một vị trí quan trọng với những bản địa chí công phu như Quảng Ngãi (BAVH 1925; Hang Túi (BAVH 1935); số đặc biệt về Ngũ Hành Sơn (BAVH 1924). Về dân tộc học có thể kể đến các bài viết như Ngày Tết Việt (BAVH 1924); Ngôi nhà Việt Nam dưới góc độ tín ngưỡng (BAVH 1937); Tục nhuộm răng (BAVH 1928); Yến sào (BAVH 1937)… Nghiên cứu văn học ít hơn và không cơ bản lắm, tuy nhiên cũng có những bài đáng chú ý như về Truyện Hoa Tiên (BAVH 1938); Ngôn ngữ Chăm (BAVH 1934)…
Tuy nhiên, phạm vi phát hành của BAVH không được rộng rãi lắm. Con số phát hành ở thời điểm cao nhất năm 1925 là trên dưới 600 bản, trong đó có hơn 100 bản gửi cho chính quyền. Điều đó giải thích tại sao hiện nay BAVH lại rất hiếm thấy, rất ít tủ sách tư nhân còn lưu được, các thư viện lớn ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đều không đủ trọn bộ.
Hơn 75 năm trôi qua kể từ ngày tập san BAVH đình bản, những tác giả có tên trong tập san đến nay không còn ai nữa, nhưng những gì mà họ để lại vẫn là những di sản có giá trị mà giới nghiên cứu Việt Nam trân trọng. Đành rằng không thể so sánh BAVH với Tập san của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (Bulletin de l’Ecole francaise d’ Extreme Orient) vì đây là tập san chuyên môn của giới khoa học chuyên nghiệp, có giá trị bác học cao, tuy vậy, BAVH vẫn là công cụ không thể thiếu đối với những nhà nghiên cứu muốn trở về những giá trị truyền thống của Huế và những vùng miền lân cận cùng những di sản vật thể và cả phi vật thể đếu được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của thế giới (1993).
Được biết vào khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, toàn bộ số tập san này từ số đầu tiên đến số cuối cùng tất cả 122 tập đã được đưa vào đĩa CD-ROM. Thực hiện được điều này là có sự đề xuất của Viện Viễn đông Bác cổ ở Hà Nội, Xí nghiệp liên doanh Pháp Việt Pacifics R.I.M; đồng thời được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Thông tin, sự giúp đỡ của Thư viện Đại Học Huế mà người trực tiếp tham gia là ông Nguyễn Hồng Trân, Giám đốc Thư viện. Sản phẩm ra đời trong dịp Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp tổ chức tại Hà Nội năm 1997.
Ngoài ra, tất cả nội dung của bộ tập san này cũng đã được dịch sang tiếng Việt. Công trình dịch thuật đồ sộ này được Nhà xuất bản Thuận Hóa với sự cộng tác của các dịch giả uy tín thực hiện trong vòng 20 năm; từ năm 1996 đến 2016 mới hoàn thành. Thành quả này giúp ích rất nhiều cho những người nghiên cứu và tìm hiểu về xã hội nước ta nói chung và Cố đô Huế nói riêng trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước.
- Xem thêm: Triển lãm ‘Một thời bút nghiên’