Theo Richard Koch, tác giả quyển sách nổi tiếng Nguyên lý 80/20 (The 80/20 Principle), đa số chúng ta có thể được chia thành hai nhóm người cơ bản – biết điều và không biết điều. Người biết điều được hiểu là luôn cố gắng hòa nhập với cuộc sống, đi theo lối mòn, cố gắng làm hài lòng mọi người và trung thành với các thể chế nhất định. Còn người không biết điều sẵn sàng thay đổi thế giới, cứng đầu đi theo lối nghĩ, cách tư duy khác biệt và cực kỳ trung thành với bản thân.
Và những người “cứng đầu” như vậy đa số đều có được sự thành công vượt trội về tài chính so với nhóm còn lại. Bằng việc đánh giá, nhìn nhận lại hành vi, thói quen, tính cách của những tỉ phú hàng đầu thế giới – những người thuộc nhóm không biết điều, chúng ta có thể nhận ra được sự cứng đầu của họ, qua đó có thể thử áp dụng và tự tạo ra sự thịnh vượng tài chính cho chính mình.
Nghĩ như một “hacker”
Là một trong những tỉ phú trẻ nhất thế giới, Mark Zuckerberg (hiện ở tuổi 33, Mark Zuckerberg có khối tài sản ước tính hơn 66 tỉ USD – theo Forbes) cũng có vô số cách nghĩ, thói quen, hành động rất khác người. Tuy nhiên có một suy nghĩ được Mark luôn kiên trì theo đuổi, từ khi còn là một chàng sinh viên dám nghỉ học để tạo ra Facebook, đó là luôn có tinh thần và suy nghĩ như một hacker – The Hacker Way (hacker hiểu đơn giản là lập trình viên máy tính cấp cao, có thể dễ dàng truy cập vào hệ thống máy tính với nhiều mục đích tốt/xấu khác nhau). Anh luôn cố gắng tạo ra thói quen suy nghĩ như một hacker – tức là dám chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đối đầu với những thách thức, muốn cải tạo thế giới xung quanh, đi cùng với đó là một sự kiên trì, bền bỉ đến khủng khiếp.
“Đừng nghĩ rằng hacker chỉ toàn là người xấu. Hãy định nghĩa hacker là những chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực nào đó, người biết tất cả mọi phương pháp, từ chính thống đến sử dụng mưu mẹo để giúp họ đạt được mục đích. Suy nghĩ như một hacker là cách nghĩ và làm mà ở đó, bạn tuyệt đối không được nhắc tới hai từ “bỏ cuộc”. Bởi trong thế giới nói chung và thế giới máy tính nói riêng, mọi việc chỉ có khó hơn, tồi tệ hơn chứ không bao giờ dễ dàng hơn. Càng lên cao gió càng lớn và bạn sẽ không đạt được bất cứ thứ gì nếu bỏ cuộc” – Mark Zuckerberg chia sẻ.
Hoàn hảo đến từng chi tiết
Một trong những đồng nghiệp cũ của Steve Ballmer (tỉ phú với khối tài sản ước tính hơn 37,1 tỉ USD – theo Forbes) từng miêu tả vị cựu giám đốc điều hành Microsoft này là một bậc thầy về sự chính xác. Cụ thể, Steve Ballmer bị ám ảnh về sự hoàn hảo và ông gần như có thể đặt hàng trăm câu hỏi để phân tích và tìm hiểu tường tận nhất gốc rễ của bất kỳ vấn đề nào dù đó là việc bán hàng, tiếp thị hay công nghệ.
“Khi làm việc với Steve Ballmer, bạn sẽ học được một quy tắc là sau khi đọc một bản báo cáo, nếu bạn không hỏi bất cứ một vấn đề gì, nghĩa là bạn chẳng hiểu gì về bản báo cáo đó cả. Bạn phải hỏi chi tiết, mọi góc độ và từ đó tìm ra những điểm không hoàn hảo dù là nhỏ nhất. Trong kinh doanh cũng như trong các vấn đề tiền bạc, chỉ cần bạn có một sai lầm, bạn sẽ phải trả giá” – Steve Ballmer chia sẻ.
Cũng chính nhờ thói quen hỏi và phân tích đến từng chi tiết này của Steve Ballmer, ông đã hạn chế tối đa các kế hoạch, dự án còn thiếu sót, đồng thời xây dựng nên một trong những công ty phần mềm lớn nhất trên thế giới: Microsoft – dù ông không phải là người sáng lập nên tập đoàn hùng mạnh này.
Khiêm tốn để không ngừng học hỏi, phát triển
Luôn nằm trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, Bill Gates (tài sản ước tính hơn 91 tỉ USD – theo Forbes) có một lối nghĩ vô cùng “cứng đầu” là luôn khiêm tốn và không bao giờ ngừng phát triển, học hỏi, rèn luyện để tiến lên phía trước.
“Sự thật thì khi còn đi học, tôi hiếm khi nào đứng đầu, dù tôi đã học và đọc rất nhiều. Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều người đứng đầu hay từng có điểm số cao hơn tôi lại đang làm việc cho tôi. Đó là cuộc sống. Bạn phải giữ sự tự tin, nhưng đi kèm với cả sự khiêm tốn. Bạn phải luôn không ngừng học hỏi và đừng để những thành công che mờ đi tầm nhìn của mình. Đừng vì quá chú tâm vào những thành tựu bạn đạt được trong một năm, mà quên đi những điều bạn có thể đạt được trong 10 hay 20 năm sau” – Bill Gates chia sẻ.
Với lối nghĩ ấy, Bill Gates đã trở thành một trong những tỉ phú đi tiên phong trong việc khuyến khích mọi người duy trì những thói quen phát triển bản thân – trong đó đọc sách là điều đặc biệt cần thiết. Bill Gates đọc khoảng 50 quyển sách mỗi năm (trung bình 4 quyển/tháng), trong khi một người bạn rất thân của ông, tỉ phú Warren Buffett (tài sản ước tính hơn 84,8 tỉ USD – theo Forbes) đọc trung bình từ 600-1.000 trang sách một ngày, thậm chí có những lúc 80% thời gian trong ngày của ông chỉ dành cho việc đọc sách.