Trong lịch sử phát triển gần 2.000 năm qua, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc.
Lần đầu tiên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (25 Tôn Đản, Hà Nội) cho ra mắt người thưởng ngoạn một phần trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam thông qua gần 200 hiện vật, tài liệu được trưng bày.
Bức tranh tổng thể về di sản
Khối di sản Phật giáo bao gồm hệ thống những ngôi chùa, những bảo tháp nổi tiếng còn lại đến ngày nay như chùa Dạm, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), tháp Bình Sơn (Phú Thọ)…
Các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí, mộc bản… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo không chỉ mang đậm dấu ấn Việt Nam mà còn phản ánh mối giao lưu văn hóa trong khu vực.
Cuộc trưng bày này giới thiệu các tài liệu, hiện vật theo các thời kỳ lịch sử: 10 thế kỷ đầu Công nguyên (trong đó lại được chia thành các nền văn hóa khác nhau: Di sản văn hóa Phật giáo Chămpa, Óc Eo); di sản văn hóa Phật giáo ở miền Bắc; thời Lý – Trần; thời Lê sơ – Mạc; thời Lê Trung Hưng – Tây Sơn và thời Nguyễn.
Các hiện vật, tài liệu được trưng bày đáng chú ý: đầu tượng Phật Đồng Dương; tượng Phật bằng gỗ, đá văn hóa Óc Eo; mô hình tháp thời Đinh – Lê; Chuông đồng thế kỷ IX-X; lá đề trang trí hình rồng, tượng Kim Cương, tượng Kinnari, đố cửa… (kiến trúc chùa Phật Tích); và hệ thống tượng Phật được làm từ chất liệu đá, gỗ sơn son thếp vàng: tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn chùa Bút Tháp, chùa Mễ Sở; các bộ kinh Phật, tranh thờ Phật… và đặc biệt là trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn) – một trong 30 bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận hồi tháng 10-2012.
…và xã hội qua các thời kỳ
Qua các hiện vật này, người xem không chỉ có hình dung nhất định về nguồn gốc du nhập, lịch sử phát triển, phong cách nghệ thuật của Phật giáo Việt Nam mà còn hiểu thêm về đời sống xã hội Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau.
Theo ông Nguyễn Văn Cường – giám đốc Bảo tàng: Phật giáo được du nhập trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam thông qua hải thương.
Tại Giao Chỉ, hoạt động truyền giáo của các tăng sĩ Phật giáo Ấn Độ phát triển mạnh đã tạo đà cho việc hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Từ thế kỷ II, Luy Lâu là nơi nghiên cứu, dịch kinh và truyền bá Phật giáo.
Tại đây, Phật giáo đã có một sự dung hợp kỳ diệu với các vị thần nông nghiệp bản địa tạo nên một hệ thống tư tưởng giáo lý và thờ cúng mang yếu tố riêng biệt gắn với sự tích Phật Mẫu Man Nương và tục thờ Tứ Pháp mà ngày nay vẫn còn để lại dấu ấn đậm nét không chỉ ở vùng Luy Lâu – Thuận Thành mà còn ở khắp đồng bằng Bắc bộ.
Giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất của Phật giáo Chămpa là thế kỷ thứ IX-X, còn văn hóa Óc Eo là thế kỷ thứ V – thế kỷ thứ VII với những pho tượng Phật bằng đá, gỗ khá lớn và độc đáo…
Hoặc bằng vào những hiện vật về di tích, kiến trúc đình chùa, người ta có thể thấy rằng thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh và được coi là quốc giáo.
Di sản văn hóa Phật giáo giai đoạn này vừa mang đậm bản sắc Việt vừa biểu hiện sự tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại sinh, đặc biệt là văn hóa Chămpa mà biểu hiện rõ nhất là trong nghệ thuật tạo hình, điêu khắc với các hình tượng Apsara, Kim Cương, nhạc công…
Đến thời Lê sơ – Mạc, nho giáo lại trở thành hệ tư tưởng chính thống và là nền tảng để xây dựng mọi thể chế chính trị và xã hội do vậy, dấu tích mỹ thuật văn hóa Phật giáo thời kỳ này hiện còn rất ít, trong đó đáng chú ý là tháp Huệ Quang, bệ tượng vua Lý Thần Tông ở chùa Thầy…
Đến thời Lê Trung Hưng – Tây Sơn, Phật giáo lại bắt đầu được quan tâm hơn do vậy đã có nhiều những di sản – kiệt tác điêu khắc như tượng Quan Âm Thiên thủ, Thiên nhãn; hệ thống tượng chùa Tây Phương… Còn thời Nguyễn đã để lại cho dân tộc một khối lượng di sản văn hóa Phật giáo đồ sộ.
Hàng ngàn ngôi chùa làng từ Bắc chí Nam được trùng tu, đúc chuông, tô tượng… do vậy, đồ thờ cúng (chân đèn, lư hương, hoành phi, câu đối, ván in kinh…) thời kỳ này cũng được chế tác tinh xảo.
Trống đồng Cảnh Thịnh. Đồng. Thời Tây Sơn, năm 1800. Chùa Nành, Ninh Hiệp, Hà Nội
Lư hương. Gốm men lam xám. Thời Mạc, niên hiệu Diên Thành 5 (1582). Chùa Keo, Thái Bình
Đèn hình đài sen. Gốm men trắng, thời Lý, thế kỷ XI-XIII. Đồ thờ
Từng bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Do vậy, có thể nói, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa nghệ thuật của nước nhà.