Ước tính chúng ta phải thực hiện 10.000-40.000 quyết định mỗi ngày. Vì vậy, nếu chất lượng của quyết định nhanh chóng bị giảm sút thì đó không phải là điều ngạc nhiên.
Khi não của bạn mệt, bạn có thể thực hiện nhiều quyết định kém hiệu quả so với bình thường. Jean Twenge, giáo sư tâm lý tại San Diego State University cho biết não cần triệu tập một “nguồn lực tương tự như năng lượng hoặc sức mạnh” khi nó được yêu cầu ra quyết định. Theo nghiên cứu của Twenge, nếu như chúng ta bao vây não với những quyết định liên tục thì sẽ dẫn đến cạn kiệt nhanh chóng năng lượng của não. Và những quyết định kém chất lượng là điều không thể tránh khỏi.
Duy trì năng lượng tinh thần là chìa khóa giúp bạn có được quy trình ra quyết định “chất lượng cao”, đẳng cấp. Đâu là cách tốt nhất để duy trì năng lượng tinh thần? Steve Jobs, nhà đồng sáng lập của Apple là một người có lối sống tối giản nhiệt thành. Triết lý của ông thể hiện từ trong ngôi nhà của mình cho đến những thiết kế sản phẩm như iPad và iPhone. Ông cũng thực hành Thiền tông để hiểu được trọn vẹn nhu cầu về sự tĩnh lặng, không gian và sự suy xét độc lập (những phẩm chất giúp phát triển sự sáng suốt tinh thần). John Sculley, cựu CEO của Apple từng nói: “Steve luôn tin rằng những quyết định quan trọng nhất mà bạn thực hiện không phải là những thứ mà bạn làm – mà là những điều bạn quyết định không làm. Đó là điểm làm cho phương pháp của ông khác với mọi người”.
Vậy, làm thế nào để “giải cứu năng lượng” và trở thành một người giỏi ra quyết định? May mắn là có một số nguyên tắc có thể giúp chúng ta sắp xếp hợp lý quá trình ra quyết định. Những nguyên tắc này sẽ giúp bạn giảm thiểu (hoặc thậm chí chấm dứt) “tình trạng ra quyết định chất lượng kém” vì phải quyết định quá nhiều và giúp cho tâm trí bạn tự do để tập trung vào các mục tiêu cá nhân.
Khám phá những khuôn mẫu phía sau cách mà chúng ta làm mọi thứ. Hầu hết chúng ta sống một cuộc đời “bị thống trị bởi những thói quen”. Trong khi thói quen tốt có thể giúp làm cho cuộc sống đơn giản hơn thì thói quen xấu lại gây mất thời gian, tạo ra stress và sự mất công vô ích. Chẳng hạn, nếu bạn có thói quen làm việc đầu tiên trong ngày là kiểm tra email, bạn có thể mất khoảng thời gian hiệu quả nhất chỉ đơn giản để đọc qua và xóa bỏ những thông tin không cần thiết. Thay vào đó, nên tạo một thói quen ưu tiên làm việc quan trọng vào đầu giờ, khi mà tâm trí và năng lượng của bạn vẫn còn tươi mới.
Quan sát những tình huống làm bạn thấy lo âu và học cách kiểm soát chúng. Chẳng hạn, bạn sợ phải nói chuyện trước đám đông, và bạn được yêu cầu trình bày trước ban quản trị của công ty. Dù bạn hiểu về đề tài khá tốt, nhưng bạn lại để cho mình bị căng thẳng tột cùng khi nghĩ tới buổi thuyết trình. Bạn cần chú tâm vào những dạng kịch bản phải đối diện. Học cách giảm thiểu ảnh hưởng của chúng đối với bạn: cố gắng thư giãn và không lệ thuộc vào những tình huống này. Nếu bạn không thể làm thế, nếu có thể, tốt nhất bạn nên tránh chúng hoàn toàn. Căng thẳng và lo âu làm gián đoạn quá trình tư duy và khả năng ra quyết định của bạn.
Tập trung vào những nhiệm vụ có sức tác động lớn. Những người có lối sống tối giản biết nơi mà họ cần tập trung năng lượng – đó là nơi mà họ muốn nhìn thấy kết quả. Bạn cũng nên làm như thế. Đừng dành nhiều ngày nghĩ về một quyết định ít có tác động lên cuộc sống của bạn. Ưu tiên cho những quyết định quan trọng và có sức ảnh hưởng.
Dọn dẹp bàn làm việc, nhà và tâm trí. Dọn dẹp những vật dụng, những suy nghĩ không cần thiết ra khỏi môi trường của bạn là bước đầu tiên để chuyển đổi sang lối sống tối giản. Như thế, bạn sẽ có nhiều không gian vật chất và tinh thần hơn, để có thể thực hiện những quyết định, sự chọn lựa sáng suốt hơn.
Giảm thiểu lượng thông báo điện tử mà bạn nhận. Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, có lẽ bạn đang nhận một lượng thông báo không ngưng nghỉ qua mạng xã hội, email và tin nhắn. Chúng hiếm khi có giá trị. Thực ra, chúng là một tảng băng khổng lồ gây phân tâm. Nên giảm thiểu lượng thông báo này và giữ cho tâm trí bạn khỏi bị quấy rầy, sẵn sàng có những quyết định lớn.
Thoát khỏi những mối quan hệ “độc hại”. Không gì có thể lấy mất năng lượng của bạn nhiều bằng các mối quan hệ tiêu cực. Những người này sẽ làm bạn căng thẳng và kiệt sức. Nếu bạn có cách nào đó để bước ra khỏi những mối quan hệ này, hãy làm như thế. Và bạn sẽ lấy lại năng lượng, sự tích cực của bản thân. Cả hai điều này đều quan trọng nếu như bạn muốn có những quyết định chất lượng.
- An Bình theo Lifehack