Ngày thứ tư của chuyến đi tham quan qua các nước Đông Âu, chúng tôi đến đất nước Hungary; một quốc gia được mệnh danh là “Trái tim của châu Âu”.
Từ thủ đô Bratislava của Slovaquie chúng tôi di chuyển đến Hungary mất khoảng 4 tiếng đồng hồ vượt qua chặng đường dài 240km. Có thể nói rằng hình ảnh gây ấn tượng nhất khi đến thủ đô Budapest chính là dòng sông Danube. Vì thế, trong hành trình ngắn ngày đến Hungary, chúng tôi được đi du thuyền trên con sông thơ mộng này. Sau khi điểm tâm sáng tại khách sạn, đoàn chúng tôi được chở ra bến thuyền để lên tàu du lịch, bắt đầu hành trình chiêm ngưỡng dòng sông huyền thoại và các công trình lịch sử ở hai bên bờ.
Tất cả các con thuyền chở khách đều sơn màu trắng, gồm hai tầng và ban công ở trên cao. Buổi sáng du khách rất đông, chúng tôi phải chờ đợi khoảng 20 phút mới lên được thuyền. Bước vào khoang thuyền, âm thanh trầm bỗng trỗi lên giai điệu Valse của hai bản nhạc The Blue Danube (Dòng Danube xanh) của Johann Strauss II, nhà soạn nhạc người Áo, và bài Waves of the Danube (Sóng sông Danube) của Ivan Ivanovici, nhà soạn nhạc người Romania. Giai điệu du dương hòa cùng với những làn gió mát se lạnh làm cho mọi người cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn sau một thời gian hơn ba ngày liên tục rảo bước qua nhiều điểm đến ở Cộng hòa Czech và Slovaquie.
Theo lộ trình, thuyền đưa chúng tôi chạy trên sông khoảng hơn 3km rồi quay về. Giữa không gian mênh mông sông nước với hai bờ là những tòa lâu đài, những dãy cung điện cổ kính soi mình trên bóng nước chầm chậm chạy lùi về sau. Đoạn sông này thuyền đi qua các công trình như cung điện Buda; nhà thờ Matthias rực rỡ trên một ngọn đồi; nhà bảo tàng Dân tộc học… cùng rất nhiều quần thể kiến trúc và nhiều công trình tráng lệ khác. Thú vị nhất là khi tàu chạy qua trước nhà Quốc hội Hungari; cảnh quan tòa nhà quá hùng vĩ. Đây là một trong những tòa nhà lập pháp cổ kính nhất châu Âu.
Qua từng chặng, thuyền nhẹ nhàng lướt qua dưới những cây cầu cổ kính nối hai bờ. Mỗi chiếc cầu có một phong cách rất riêng; trong đó nổi bật nhất là cầu Chain. Cây cầu được thiết kế rất nghệ thuật, ở hai bên đầu cầu có đặt hai tượng sư tử. Cầu Chain là một trong những cây cầu được xem là đẹp nhất của châu Âu. Được xây dựng tại đây hàng thế kỷ trước, nó làm tăng thêm vẻ đẹp của dòng sông, đồng thời chứng kiến những chuyện tình lãng mạn như lời cầu hôn của nhà văn Mark Van Spall dành cho người yêu trên cầu. Người hướng dẫn cho biết gắn liền với cây cầu này có rất nhiều giai thoại về những vụ tự tử. Được truyền tụng nhiều nhất là câu chuyện về bức tượng con sư tử không có lưỡi ở hai đầu cầu. Thật ra, tượng sư tử vẫn có lưỡi, nhưng vì chúng được đặt trên bệ đá cao 3m nên không ai nhìn thấy được lưỡi của chúng khi đứng trên cầu. Và vì thế mà người ta xúm vào chế giễu người thợ điêu khắc làm nên bức tượng này. Một điều khó tin là chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt như vậy mà ông ta đã nhảy xuống dòng Danube tự tử!
- Xem thêm: Puszta, miền đồng quê yên ả ở Hungary
Được biết, sông Danube là con sông dài nhất trong Liên minh châu Âu ngày nay, và dài thứ hai trên lục địa châu Âu. Sông chảy qua nhiều quốc gia Đông và Trung Âu, nhưng đoạn chảy qua thủ đô Hungary có thể được xem là phần đẹp nhất của dòng sông này. Bắt nguồn từ Rừng Đen của Đức và chảy theo hướng Đông Nam qua trung tâm và phía Đông châu Âu đến Biển Đen, dòng sông như một tuyến giao thông và thương mại kể từ buổi bình minh của lịch sử, và trong nhiều thế kỷ, nó như là biên giới phía Bắc của phần lớn Đế chế La Mã xưa.
Đoạn sông chảy qua trung tâm Budapest này chia thủ đô Hungary thành 2 phần: Buda và Pest. Buda bên bờ trái được xây dựng trên một ngọn đồi với nhiều tòa lâu đài tuyệt đẹp. Bờ phải là thành phố Pest được xây dựng trên đồng bằng gồm những tòa nhà cổ kính thời trung cổ. Buda và Pest nối với nhau bằng 9 cây cầu, mỗi cây cầu mang một vẻ đẹp riêng và giữ vai trò huyết mạch giữa hai phần của thành phố này.
Nhiều tài liệu ở châu Âu đã nói rằng một số nền văn hóa đầu tiên của loài người đã được bắt đầu tại lưu vực sông Danube, bao gồm các dân tộc thời đồ đá mới như các nền văn hóa Vin#a. Vào thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, người Hy Lạp cổ đại đã khám phá và buôn bán dọc theo hạ lưu của dòng sông này.
Ngày nay các di sản thế giới được UNESCO công nhận ở khu vực sông Danube rất nhiều như Trung tâm lịch sử của Salzburg, Cung điện Sch#nbrunn, Cảnh quan văn hóa Wachau, Trung tâm lịch sử của Vienna (Áo); Trung tâm lịch sử của Cesky Krumlov, Trung tâm lịch sử của Prague (Cộng hòa Czech); Phố cổ Regensburg (Đức); Ngân hàng Budapest, Thành phố cổ Christian of Pécs (Hungary)… Ngoài ra, các thành phố chính dọc hoặc gần sông Danube cũng nằm trong danh sách này.
Sau gần 1 tiếng ngồi thuyền, chúng tôi tiếp tục lên bờ đi bộ để tham quan thành phố. Từ xa đã có thể trông thấy tòa lâu đài trên đồi Castle, tòa lâu đài gọi là Thành lũy những người đánh cá (Fisherman’s Bastion); một trong bảy kỳ quan kiến trúc ở Hungary. Người hướng dẫn cho biết tòa nhà được xây dựng từ 1895 đến 1902 theo phong cách Tân Gothic và Tân Phục hưng. Tên của tòa thành được lấy theo phường hội những ngư dân đã gìn giữ, bảo vệ cho thành lũy của Buda thời trung cổ. Từ trên tòa thành, có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông Danube cùng những đền đài tiêu biểu, sừng sững hiên ngang tồn tại qua bao vương triều Hungary.
Đi dọc theo bờ sông một đoạn, chúng tôi thật ngỡ ngàng khi thấy một đoạn bên bờ sông là một dãy dài những đôi giày bằng… sắt hoen rỉ được bày ngỗn ngang. Về nguồn gốc của những đôi giày này, người hướng dẫn cho biết: Có tất cả 60 đôi giày được đặt ở bờ sông này, đây là hình ảnh gắn liền với sự tàn bạo của phát xít Đức đối xử với hàng ngàn người Do Thái trong thời gian Chiến tranh Thế giói lần thứ II (1939-1945). Cụ thể, vào mùa đông năm 1944-1945, hàng ngàn người Do Thái đủ mọi lứa tuổi, giới tính bị dồn đến bờ sông Danube. Khi tới nơi, các thành viên thuộc đảng Arrow Cross – phe thân cận với trùm phát xít Hitler bắt các nạn nhân phải cởi bỏ giày để lại trên bờ.
Kế đến, quân phát xít nổ súng bắn chết người Do Thái kể cả trẻ con lẫn người già, rồi vứt thi thể của họ xuống dòng sông lạnh giá. Sở dĩ quân phát xít bắt các nạn nhân cởi giày ra trước khi sát hại họ là vì bấy giờ, chúng là những món đồ giá trị trong thời chiến. Binh sĩ phát xít thu gom số giày của hàng ngàn nạn nhân người Do Thái để đem bán ở các chợ đen nhằm kiếm về một khoản tiền phục vụ cho cuộc chiến với lực lượng Đồng minh.
Theo ước tính, đảng Arrow Cross đã giết hại khoảng 50.000 người bên bờ sông Danube trong thời gian nắm quyền từ tháng 10.1944 – 3.1945. Không những vậy, đảng Arrow Cross còn chở gần 80.000 người Do Thái đến trại tập trung Auchswitz khét tiếng của Hitler ở Ba Lan.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, người ta đã đặt hàng chục đôi giày sắt bên bờ sông Danube như một nơi tưởng niệm, ghi dấu những mất mát, đau thương mà người dân nơi đây đã gặp phải trong một cuộc chiến tàn bạo diễn ra ở khắp vùng châu Âu…
- Xem thêm: Hồ Balaton, viên ngọc của Hungary
Quá kinh ngạc! không tưởng tượng được là trên con sông hiền hòa, thơ mộng với những công trình rất ấn tượng mà chúng tôi vừa mới đi qua, lại là nơi ghi dấu chứng tích tội ác và sự tàn bạo của chiến tranh, mà ban đầu được xuất phát từ lòng tự tôn chủng tộc, cùng với sự tàn nhẫn cực độ của một con người…
Tạm biệt Budapest với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, sau khi nhìn ngắm những những tòa lâu cổ kính soi mình bên dòng sông xanh trong không gian thơ mộng vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng: “Đời hưng vong bao thành quách lâu đài. Từ thiên cổ đứng buồn soi đáy nước”. Các tòa lâu đài đó ắt hẳn đã trải qua nhiều sóng gió của bể dâu lịch sử, để giờ đây đứng trầm mặc soi bóng dưới dòng sông như một chứng nhân nhắc nhở con người đến hai chữ “mất còn”. Hai bờ sông có lẽ đã chứng kiến bao triều đại phế hưng, bao thế hệ con người đến rồi đi. Những tấn tuồng bi hài trên sân khấu đời đều vĩnh viễn khép lại, hoặc bị thổi bay theo cơn lốc vô thường, còn lại chăng chỉ dòng sông xanh chảy mãi trong tiếng nhạc bổng trầm…