Như thường lệ, cứ vào tháng cuối năm là có hàng loạt triển lãm diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Năm nay cũng vậy, gần như cùng lúc có nhiều cuộc trưng bày tác phẩm tại nhiều địa chỉ; bên cạnh các triển lãm cá nhân, có các triển lãm nhóm họa sĩ.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1 từ 4-12 đến 30-12) đã diễn ra một triển lãm có quy mô lớn với cả trăm bức tranh nhiều kích thước, bày kín tầng trệt tòa nhà mới của bảo tàng, mà muốn xem kỹ, xem hết phải mất nhiều thời gian.
Cuộc chơi “Ngũ sắc”
Đây là một triển lãm được đầu tư nhiều công sức và thời gian của nhóm năm họa sĩ quê miền Bắc, ở độ tuổi 50-60. Ngoại trừ họa sĩ Lê Xuân Chiểu sống tại TP. Hồ Chí Minh, bốn họa sĩ Ngô Văn Cao, Trần Quang Hải, Nguyễn Văn Chiến, Lê Tuấn Anh đều ở Hà Nội. Như năm tác giả tự nhận, họ là năm bảng màu nối kết nhau để làm nên phòng tranh có tên “Ngũ sắc”.
Đáng chú ý ở phòng tranh này là những bức tranh sơn mài khổ lớn, ghép nhiều tấm, những bình phong sơn mài bốn tấm, đặc biệt là một bộ tranh sơn mài phải bày dưới nền nhà vì kích thước quá lớn, lại quá nặng để có thể treo lên tường. Mười hai bức sơn mài mà họa sĩ Trần Quang Hải mang đến phòng tranh hầu hết đều có khổ lớn hoặc rất lớn, có bức ông phải mất vài năm để hoàn thành. Tranh ông không có vẻ óng chuốt của chất liệu mà nền nã, kết hợp những ảnh hưởng của tranh tứ bình truyền thống với bút pháp tạo hình trừu tượng, lập thể hiện đại, ít nhiều cho thấy tác giả muốn bày tỏ chiều sâu nội tâm thông qua hình tượng và màu sắc trong tranh.
Trong khi đó, hình ảnh cuộc sống, sinh hoạt bình dị trong những ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà thành hay những làng cổ ven đô được Nguyễn Văn Chiến thể hiện trong tranh sơn mài và sơn khắc cho thấy sự vận dụng khá đa dạng vỏ trứng, vỏốc, xà cừ… Cũng là một tác giả quen tay với chất liệu sơn mài nhưng Lê Xuân Chiểu đem đến phòng tranh này những tranh sơn dầu vẽ các thiếu nữ người dân tộc thiểu số miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đậm chất trang trí cùng một số tranh lụa. Ở một cực khác là loạt tranh sơn dầu của Ngô Văn Cao, phần lớn là tranh phong cảnh: những con sông và làng mạc quê nhà, những ấn tượng khác nhau về thủ đô Hà Nội… mang đến cho người xem những hoài cảm êm đềm. Thật dễ chịu khi đứng trước những bến sông quê với nhấp nhô những con thuyền chài lung linh sắc đỏ hay bầy cá lội ngược dòng miên man ánh bạc. Tương tự là tranh phong cảnh và con người vùng nông thôn Bắc bộ và vùng cao Tây Bắc, được Lê Tuấn Anh thể hiện đầy chất thơ, với bảng màu sinh động. Chiều Tây Bắc với hoa ban trắng xóa, phiên chợ vùng cao bán những chú dê, mùa gặt vàng ruộm thôn làng, một góc sông kín những vó bè… là những hình ảnh thật ngọt ngào.
Chỉ nội chuyện vận chuyển chừng đó tác phẩm vào TP. Hồ Chí Minh để làm triển lãm cũng biết bao công sức, nên không lạ khi họa sĩ Ngô Văn Cao bày tỏ “Ở tuổi này rồi, chúng tôi không còn đặt nặng chuyện tiền bạc hay vật chất nữa” mà chỉ coi triển lãm như “một cuộc chơi nghệ thuật”.
“Gặp gỡ” ở gallery Tự Do
“Gặp gỡ” là tên gọi triển lãm tranh của bốn họa sĩ Bùi Quang Ánh, Phạm Minh Tùng, Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Tuấn Đức tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1 từ 8-12 đến 31-12). Tiếng là nhóm bốn người nhưng thật ra chỉ còn ba vì Nguyễn Xuân Khánh đã mất cách đây hơn mười năm, khi đang ở độ sung mãn của sáng tạo với hàng loạt triển lãm cá nhân và nhóm ở trong nước cũng như tại nước ngoài, trong đó riêng gallery Tự Do đã tổ chức cho anh đến năm lần triển lãm cá nhân từ 1994-1999.
Sinh năm 1969 tại Hải Phòng, tự học hội họa, Nguyễn Xuân Khánh đã gây được sự chú ý ngay từ những ngày đầu đến với làng mỹ thuật và được coi là một tài năng với bảng màu lạ, sử dụng những màu nguyên thật hài hòa và đầy tình cảm. Nguyễn Xuân Khánh ra đi quá sớm nhưng những tác phẩm của anh được gallery Tự Do lưu giữ là một vốn quý; và theo lời chủ nhân phòng tranh thì họ sẽ sớm thực hiện một tập sách về hội họa Nguyễn Xuân Khánh như một kỷ niệm đẹp về tác giả này.
Họa sĩ Bùi Quang Ánh cũng từng nhiều lần triển lãm tại gallery Tự Do, tuổi đã ngoài bảy mươi nhưng ông vẫn không ngừng sáng tác và triển lãm đều đặn từ nhiều năm qua, đặc biệt là với mảng tranh biểu hiện trừu tượng mà ông theo đuổi lâu nay. Tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Đức nằm trong xê-ri tranh với chủ đề “Thiên nhiên xanh” anh vừa triển lãm cá nhân tại gallery Tự Do năm ngoái. Trẻ nhất trong nhóm là họa sĩ Phạm Minh Tùng (sinh năm 1983), anh từng tham gia nhiều triển lãm thời còn đi học và đã đoạt được một số giải thưởng mỹ thuật sinh viên, trong đó có huy chương vàng Triển lãm mỹ thuật học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2008. Tranh Phạm Minh Tùng tại triển lãm “Gặp gỡ” tái hiện những sinh hoạt lễ hội mùa xuân đậm chất dân gian ở miền Bắc cũng như tại quê nhà Hải Dương của anh.
Ngoài ra, nhóm High Art Weekend đã tổ chức ba đêm sinh hoạt nghệ thuật cuối tuần (ngày 7, 8, 9-12) tại nhà riêng của nữ họa sĩ Uy Phương ở đường Phạm Thế Hiển, Q.7, với tranh của các họa sĩ Nguyễn Thân, Trần Minh Tâm, Vũ Khánh Vân, sắp đặt của Uy Phương, ảnh nghệ thuật của MPK (Phước “khùng”) và trình diễn âm nhạc của DJ Giang “noise”. Theo lời họa sĩ Nguyễn Thân cũng là thân phụ họa sĩ Uy Phương, những sinh hoạt High Art Weekend có thể sẽ được tổ chức thường xuyên.
- Như Hoa