- Theo Báo cáo Chi phí sinh hoạt toàn cầu của Economist Intelligence Unit (EIU) mới công bố, Singapore tiếp tục là thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Đây là năm thứ 5 liên tiếp đảo quốc Đông Nam Á đứng đầu danh sách này. Thống trị danh sách thành phố đắt đỏ nhất thế giới là khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu. Theo EIU, đồng USD suy yếu là nguyên nhân khiến không có thành phố nào của Mỹ có mặt trong Top 10 thành phố đắt nhất bất chấp việc chi phí sinh hoạt tương đối tại quốc gia này có xu hướng tăng vài năm gần đây. Paris là thành phố duy nhất thuộc khối đồng tiền chung euro có mặt trong Top 10 bất chấp việc đồng euro đã phục hồi. Trong khi đó, Tel Aviv của Israel là thành phố duy nhất tại Trung Đông lọt vào Top 10. Chi phí vận tải tại thành phố này đắt hơn tới 79% so với tại New York. Danh sách thành phố đắt đỏ nhất thế giới của EIU được đưa ra dựa trên khảo sát về chi phí của 160 mặt hàng tại 133 quốc gia trên thế giới.
- Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố sẽ dành 30 triệu AUD (khoảng 23,4 triệu USD), đầu tư cho sáng kiến “thành phố thông minh” tại các nước ASEAN và Australia. Theo Thủ tướng Turnbull, các thành phố hiện đại đang áp dụng rất nhiều công nghệ như công nghệ cảm ứng, thương mại điện tử và tiền điện tử… có khả năng tương thích tại nhiều quốc gia khác nhau. Singapore có thể được xem là một trong những ví dụ điển hình nhất của mô hình thành phố hiện đại như vậy. Ông Turnbull hy vọng sáng kiến “thành phố thông minh” sẽ tạo ra một ngân hàng kiến thức, quy tụ các ý tưởng sáng tạo về quy hoạch xây dựng đô thị bền vững, được chia sẻ giữa các nước ASEAN và Australia.
- Theo hai tuyên bố đăng trên trang web của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc ngày 16-3, nước này sẽ áp dụng hệ thống đánh giá nhân cách xã hội để ngăn người từng có hành vi xấu đi tàu hỏa và máy bay. Những người bị hạn chế đi lại bao gồm những người có hành vi như truyền bá thông tin sai lệch về khủng bố và gây rối trên chuyến bay, những người sử dụng vé đã hết hạn hoặc hút thuốc trên tàu hỏa. Những người có hành vi sai trái về tài chính, chẳng hạn như chủ lao động không đóng bảo hiểm xã hội hay những người không đóng tiền phạt, cũng sẽ đối mặt với những hạn chế này. Họ có thể bị cấm đi tàu hỏa và máy bay trong thời gian lên đến một năm. Các quy tắc sẽ có hiệu lực từ ngày 1-5. Trung Quốc đã lên kế hoạch đưa ra một hệ thống cho phép các cơ quan chính phủ chia sẻ thông tin về độ đáng tin cậy của người dân và đưa ra hình phạt dựa trên số điểm đánh giá nhân cách xã hội.
- Ngày 16-3, Hãng hàng không Thai Airways của Thái Lan thông báo áp dụng chính sách mới đối với hành khách nặng cân, có vòng eo lớn sử dụng dịch vụ của hãng. Theo đó, hành khách có vòng eo lớn hơn 56 inch (hơn 142cm) sẽ không được ngồi ghế hạng thương gia trong những chuyến bay sử dụng máy bay Boeing 787-9. Ông Pratana Patanasiri, Giám đốc phụ trách bộ phận an ninh và tiêu chuẩn bay của Thai Airways, cho hay Boeing 787-9 được thiết kế theo tiêu chuẩn của Cơ quan Hàng không Mỹ với dây cài và túi khí an toàn phù hợp cho hành khách eo dưới 56 inch. Hành khách có vòng eo quá nhỏ, bao gồm cả trẻ em, cũng không an toàn để ngồi hạng ghế này. Thai Airways đã đưa vào sử dụng hai chiếc Boeing 787-9 từ tháng 9-2017 trên đường bay giữa Thái Lan với New Zealand và Đài Loan.