Singapore không chỉ là đối tác kinh tế chiến lược, mà còn là mô hình phát triển mà Myanmar cần học tập.Cụ thể hơn, bà Suu Kyi cho rằng Myanmar sẽ học được nhiều bài học có giá trị, đặc biệt về chính sách giáo dục và chống tham nhũng của Singapore, nhưng không nhất thiết phải xây dựng một xã hội nặng về chủ nghĩa vật chất và quá nhiều căng thẳng.
Chuyến đi đầu tiên của bà Suu Kyi đến Singapore được xem là tái xác định sự gắn kết chặt chẽ giữa Myanmar với đảo quốc này trong mục tiêu tìm kiếm nguồn đầu tư và thâm nhập vào thị trường tài chính và khoa học – công nghệ, từ đó thúc đẩy sự hình thành một nền cộng hòa dân chủ mới tại Myanmar thay cho chế độ độc tài quân sự. Sau khi gặp gỡ Thủ tướng Lý Hiển Long, bà Suu Kyi còn đến thăm cơ quan chống tham nhũng của Singapore và một trường đại học để tìm hiểu thực tế.
Bà Suu Kyi (trái) gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Singapore, bà Grace Fu
Bà Suu Kyi cho hay bà cũng như nhiều người dân Myanmar tin rằng sự hợp tác với Singapore có thể giúp nước mình có được một mô hình đổi mới nền kinh tế, do đó sẽ tạo điều kiện để giới trẻ Myanmar du học tại đảo quốc này. Singapore từng là một trong những nước chủ xướng quan trọng cả về quan hệ ngoại giao lẫn tiếp tế nhân đạo cho Myanmar trong suốt giai đoạn đen tối nhất của quốc gia này khi bị phương Tây cấm vận. Ngay từ năm 2001, Singapore đã thành lập tại Yangoon một trung tâm cung cấp dịch vụ đào tạo dành cho các viên chức về thương mại, tài chính, công nghệ thông tin và tiếng Anh. Năm ngoái, Văn phòng Doanh nghiệp quốc tế (IE) của Singapore đã được khai trương tại Yangon nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Myanmar. Hiện nay, Myanmar đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Singapore (quy mô mậu dịch giữa hai nước đã đạt đến 1,44 tỉ USD trong năm 2012). Cả ba ngân hàng hàng đầu Singapore là DBS, Overseas-Chinese và United Overseas đều đã có văn phòng đại diện tại Myanmar từ rất lâu (trước năm 2000), còn Yoma Strategic Holdings của Singapore đang đặt mục tiêu trở thành tập đoàn nước ngoài lớn nhất tại Myanmar, chuyên đầu tư xây dựng các khu phức hợp mua sắm, nhập khẩu xe tải và phát triển các đồn điền nông, lâm nghiệp. Năm ngoái, Singapore đã cam kết thực hiện một chương trình hợp tác với Myanmar, trong đó có nội dung cung cấp nhiều khóa đào tạo cho người dân Myanmar về luật pháp, ngân hàng và tài chính cũng như chia sẻ kiến thức về các ngành thương mại, du lịch và quy hoạch đô thị. Hiện đã 68 tuổi nhưng bà Suu Kyi đang lên kế hoạch tranh cử chức tổng thống Myanmar (năm 2015 sẽ tiến hành bầu cử). Bà không chỉ đang kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, mà còn hối thúc 150 ngàn kiều bào Myanmar đang sinh sống tại Singapore hướng về quê hương, đóng góp tài lực và kiến thức để phát triển đất nước.
Lâm Kiên theo Reuters