Trong dự thảo ngân sách đầu tiên của chính quyền liên bang với tổng chi tiêu lên tới 3.800 tỉ USD, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất cắt giảm nguồn tài chính liên quan tới các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Đề xuất này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ ngừng tham gia Quỹ Khí hậu xanh (GCF) của LHQ, một bước đi đang khiến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu quan ngại.
GCF là phần quan trọng của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, được gần 200 quốc gia ký kết hồi năm 2015 với mục đích giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngay trong quá trình tranh cử, ông Trump từng cảnh báo nhiều lần về việc rút khỏi hiệp định này.
Dự thảo ngân sách quốc gia cho tài khóa 2018 của Tổng thống Trump – trong đó đề xuất cắt giảm chi tiêu cho các chương trình khoa học, y tế và môi trường trong nước lẫn nước ngoài – đang hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của giới chuyên gia khi cho rằng kế hoạch trên sẽ đe dọa đến “hành tinh xanh”. Ngoài việc cắt giảm ngân sách hỗ trợ LHQ, ông Trump cũng đề xuất cắt giảm 31% chi tiêu cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, tương đương 2,6 tỉ USD, đồng nghĩa với việc cơ quan này sẽ phải cắt giảm 3.200 nhân viên – chiếm 1/5 tổng số nhân sự của họ.
Việc chính quyền Trump đề xuất cắt giảm ngân sách các chương trình về môi trường đã khiến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường càng thêm lo lắng, nhất là khi trước đó nhà lãnh đạo Mỹ thông báo đình chỉ tạm thời các quy định về tiêu chuẩn khí thải xe hơi được ban hành dưới thời chính quyền Obama.
Trong khi đó, nhằm thúc đẩy một giải pháp bền vững cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, 17 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ký một văn bản cam kết tìm kiếm các phương thức giúp giảm nhiệt độ toàn cầu mà không gây tổn hại tới hoạt động kinh tế. Tham gia ký kết vào văn bản không mang tính ràng buộc này là đại diện của các bang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.
Ngay sau khi dự thảo ngân sách mới được công bố, một số nhà hoạt động môi trường đã nhanh chóng lên tiếng phản đối và gọi đây là một kế hoạch tồi tệ, đặc biệt khi nó đề xuất giảm mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học và môi trường mà lại tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, thêm 52 tỉ USD. Giới chuyên gia cho rằng kế hoạch trên cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, kế sinh nhai và sự an toàn của hàng trăm ngàn người dân ở vùng duyên hải, trải dài từ Alaska đến Hawaii, từ bang Oregon đến bang Florida.
Hiện Mỹ tài trợ 22% trong khoản ngân sách hoạt động trị giá 5,4 tỉ USD của LHQ và là nhà tài trợ lớn nhất trong số 193 quốc gia thành viên của tổ chức này. Ngoài ra, Mỹ còn tài trợ cho một số tổ chức liên quan như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nơi theo dõi việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, Tổ chức Y tế Thế giới cùng khoảng 10 tổ chức khác.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây đã lên tiếng cảnh báo những thay đổi đột ngột về việc cắt giảm ngân sách có thể buộc LHQ phải thực thi những biện pháp khắc khổ gây phương hại tới những nỗ lực cải cách lâu dài. Một số nhà ngoại giao và quan chức LHQ thì cho rằng Trung Quốc – nước đã tăng các khoản đóng góp cho LHQ trong ba năm qua – có thể nổi lên là nhà cung cấp kinh phí hàng đầu cho các chương trình gìn giữ môi trường và khí hậu.
- V.Đ