Với giải pháp Thu hồi nhiệt thải, các nhà máy sản xuất của SCG tiết kiệm được 60 triệu USD mỗi năm, thay thế 30% năng lượng phải mua từ hệ thống bên ngoài.
Theo dự báo đến năm 2020, nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của nước ta khoảng trên 360 tỉ kWh. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo (trừ điện hạt nhân) đang gặp nhiều áp lực về nguồn cung và giá. Từ ngày 1-4-2014, giá bán khí cho sản xuất điện với lượng khí trên mức bao tiêu bằng 70% giá thị trường cộng với chi phí vận chuyển, phân phối. Gần đây nhất, giá than bán cho các nhà máy điện tăng thêm 74.000 đồng/tấn, xấp xỉ 5%… Điều này đã đòi hỏi các nhà sản xuất phải có giải pháp cho riêng mình để giải quyết bài toán kinh tế về nguồn năng lượng.
Trong nhiều thập kỷ trước, cùng với sự phát triển trong chu trình sản xuất xi măng, công nghệ Thu hồi nhiệt thải – WHR (Waste Heat Recover) đã tạo nên những thay đổi và cải cách to lớn, từ nhiệt độ cao (800 – 1.000oC), cho đến nhiệt độ trung bình (500 – 800oC) và hiện tại ở nhiệt độ thấp (280 – 400oC). Nhiều hệ thống ứng dụng WHR hoàn chỉnh và được kiểm chứng đã được phát triển.
Công nghệ WHR là hệ thống thu hồi nhiệt khí thải ra từ quá trình sản xuất xi măng trong nồi hơi để tạo thành hơi nước. Về cách hoạt động, hơi nóng của các khí thải ra từ quá trình sản xuất xi măng được khôi phục lại trong lò hơi để sản xuất hơi nóng để vận hành tuabin hơi và máy phát điện tạo điện năng.Nồi hơi được lắp đặt để tách khí nóng từ quá trình nung clinker và kiểm soát nhiệt độ nơi ngõ thoát của nồi hơi đủ để sấy khô nguyên liệu thô và nhiên liệu.Hệ thống WHR sẽ không gây ảnh hưởng đến sự vận hành và chất lượng phối liệu.
Với kinh nghiệm áp dụng công nghệ này tại nhiều quốc gia, tại Hội thảo hợp tác quốc tế “Khoa học và công nghệ – Động lực phát triển bền vững của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng tại Việt Nam” được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, SCG đã cho biết với số vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, một nhà máy sản xuất xi măng tiêu biểu có công suất trung bình 5.500 tấn/ngày, điện năng tạo ra từ công nghệ WHR có thể lên tới 8,5 – 9MW, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được ít nhất 20% nguồn năng lượng từ thiên nhiên.
Với 19 công ty đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và tổng giá trị tài sản hơn 615 triệu USD, SCG đã nỗ lực hết mình cho những hoạt động “xanh” thông qua việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và chính sách tập trung vào các cải tiến thân thiện với môi trường. Những hoạt động này bao gồm: tái chế phế thải trong quá trình sản xuất và biến đổi chất thải dùng làm nhiên liệu, nguyên liệu tại các nhà máy xi măng.
Tính đến nay, SCG Cement đã sở hữu 5 nhà máy ở các địa điểm khác nhau ở Thái Lan, vận hành 11 lò nung với tổng công suất 58.500 tấn clinker mỗi ngày. Đối với việc tận dụng nhiệt thừa, hiện có tổng cộng 7 bộ tuabin/máy phát điện đã được lắp đặt cho tất cả các lò nung với tổng công suất 122MW. Năng lượng được tạo ra từ công nghệ WHR khoảng 680GWh mỗi năm, thay thế 30% năng lượng phải mua từ hệ thống bên ngoài, tiết kiệm khoảng 60 triệu USD mỗi năm.
Quang Hà (DNSGCT)