Ở châu Âu, ngoài những khu vực trước nay đã nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh như Anh, Pháp, Đức…, Scandinavia cũng nhanh chóng giành được vị trí của mình trong bảng xếp hạng những điểm đến du học lý tưởng. Gồm các nước Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển (trong nhiều bảng phân loại, Phần Lan và Iceland cũng được xếp vào khu vực này), Scandinavia được xem là một trong những khu vực giàu có, văn minh và có điều kiện sống tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, chính phủ các nước này cũng có những chính sách hỗ trợ giáo dục toàn diện, kết quả là nền giáo dục ở Scandinavia có chi phí và chất lượng hoàn toàn tỷ lệ nghịch với nhau: chi phí thấp đi cùng chất lượng vượt trội. Hãy cùng tìm hiểu những điểm mạnh đã giúp tạo nên thương hiệu giáo dục khu vực Scandinavia.
Điều kiện dành cho cải tiến và nghiên cứu
Nếu chỉ dành ra một tính từ để thể hiện khu vực Scandinavia, đó sẽ là “tân tiến”. Cả ba quốc gia châu Âu này đều xếp thứ hạng rất cao trên bảng xếp hạng toàn cầu của INSEAD về sự tiến bộ và phát triển của một quốc gia. Ngay Phần Lan và Iceland cũng có thứ hạng cao tương tự, cho thấy sự đầu tư của khu vực Bắc Âu trong lĩnh vực phát triển. Ví dụ như Thụy Điển xếp thứ 2 toàn cầu (chỉ thua Thụy Sĩ), trong khi Phần Lan xếp thứ 6, Đan Mạch thứ 9, Iceland thứ 13 và Na Uy thứ 16.
Thành tích này có được là nhờ các nước Scandinavia luôn chú trọng vào R&D (Research & Development). Nền tảng R&D này có thể được thấy rõ ngay từ các trường đại học trong khu vực, vốn đầu tư một phần không nhỏ hoạt động của mình vào R&D, tạo điều kiện cho sinh viên và nghiên cứu sinh của mình được tham gia vào các dự án nghiên cứu lớn và có tính định hướng cao.
Tại Phần Lan, Đại học Helsinki đã khởi động một dự án kết hợp với chính phủ từ năm 2013 mang tên Helsinki Think Company. Đây là một trung tâm phát triển được sáng lập với mục đích mang sinh viên, giáo viên, các nhà doanh nghiệp lại với nhau để hiện thực hóa các ý tưởng mới. Ông Carl-Fredrik Miles, phó giám đốc các chương trình sinh viên tại University West của Thụy Điển đã khẳng định việc hỗ trợ cho phát triển và nghiên cứu chính là mục tiêu của nền giáo dục đại học tại quốc gia này. “Các trường đại học Thụy Điển có một môi trường cởi mở, chú trọng vào làm việc nhóm. Có thể nói cách chúng tôi giáo dục sinh viên làm cho họ có trách nhiệm hơn với kết quả của mình cũng như quan tâm hơn đến tiêu chí mới lạ, đột phá trong tất cả những việc họ làm”, Carl-Fredrik Miles chia sẻ thêm.
Trường đại học hàng đầu thế giới
Trong bảng xếp hạng những trường đại học tốt nhất thế giới, không thiếu bóng dáng của những trường đại học Scandinavia ở thứ hạng đầu. Có 25 trường ở khu vực này nằm trong Top 500 trường đại học hàng đầu thế giới của QS, tám trường của Thụy Điển, tám của Phần Lan, năm của Đan Mạch và bốn của Na Uy.
Tuy con số này có phần khiêm tốn so với Anh, Đức và Mỹ nhưng có thể hiểu vì dân số của khu vực này cũng ít hơn rất nhiều, và vì thế số trường đại học cũng ít hơn. Tổng số dân của bốn nước Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan cộng lại chỉ là 25,6 triệu, chưa bằng một nửa của Anh (vào khoảng 63 triệu) và quá ít ỏi so với Mỹ (316 triệu).
Nếu muốn tìm kiếm những trường đại học có thứ hạng cao nhất trong khu vực, đôi khi bảng xếp hạng toàn cầu sẽ không thể giúp bạn được. Lý do vì rất nhiều trường đại học hàng đầu của khu vực quá nhỏ và quá tập trung vào một lĩnh vực đặc biệt nên chưa có được tất cả các tiêu chí để xếp hạng. Một ví dụ của điều đáng tiếc này là Stockholm School of Economics (trường kinh tế) và Karokinska Institute (trường y) của Thụy Điển.
“Cuộc sống tuyệt vời” ở Scandinavia
Ngoài các trường đại học, Scandinavia còn hấp dẫn sinh viên quốc tế vì cuộc sống ở đây. Có thể khu vực này không có khí hậu lý tưởng nhất trên thế giới, nhưng chất lượng sống vượt trội, chế độ xã hội ưu việt, tỷ lệ tội phạm thấp, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và một bầu không khí trong lành tuyệt đối chính là những lý do giúp tạo nên sức hút của khu vực Scandinavia. Các thành phố lớn của khu vực luôn giành được thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng chất lượng sống toàn cầu. Như trong bảng xếp hạng về chất lượng sống của Mercer, Copenhagen xếp vị trí thứ 9, Stockholm xếp vị trí 19 và Helsinki cùng Oslo đồng hạng tại vị trí 32. Cần nói rõ thêm, những thành phố này hoàn toàn khác với những đô thị lớn như London hay New York. Thế nên, nếu muốn cuộc sống tại một thành phố bận rộn, tấp nập và xa hoa, có thể Scandinavia không phải là nơi dành cho bạn. Đây là nơi dành cho một cuộc sống thư thái, nhẹ nhàng với bầu không khí thư giãn thể hiện một cuộc sống thanh bình không vội vã.
Tuy nhiên, nếu nói về cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, Scandinavia cũng không thua kém bất cứ ai. Cảnh sắc của khu vực này thường bao gồm các kỳ quan như núi, đồi, biển, các cánh đồng bạt ngàn, các khu rừng rậm rạp… Và với những món quà hào phóng nhường vậy từ thiên nhiên, người dân ở đây cũng rất ưa thích các hoạt động thể thao, khám phá, mạo hiểm ngoài trời.
Cơ hội được miễn học phí
Một trong những điểm mạnh của nền giáo dục Scandinavia chính là sự hỗ trợ gần như toàn bộ của chính phủ đối với cả sinh viên bản xứ và quốc tế. Được miễn phí toàn bộ học phí chính là một trong những điểm làm Scandinavia trở thành khu vực được nhiều du học sinh lựa chọn.
Tại Phần Lan, sinh viên có thể lựa chọn từ rất nhiều chương trình miễn học phí hoàn toàn cho sinh viên. Còn ở Na Uy, mức học phí nếu có cũng chỉở mức tượng trưng, rơi vào khoảng 1 đến 2 triệu đồng một học kỳ, một con số quá bé nhỏ so với mức học phí tại các nước phát triển. Các trường đại học tư nhân ở đây có thể có mức học phí cao hơn, nhưng cũng không đáng kể với chất lượng giáo dục mà bạn nhận được. Tuy nhiên, mức học phí được miễn giảm cũng đồng nghĩa sinh viên sẽ khó có khả năng tìm được những học bổng tài trợ cả chi phí ăn ở khi theo học đại học và thạc sĩ. Tuy nhiên, học bổng toàn phần lại rất dồi dào ở bậc tiến sĩ.
Nhật Hà (DNSGCT)