Sản phẩm xanh là một khái niệm mới, nhưng được người tiêu dùng ngày càng quan tâm khi lựa chọn mua hàng hóa phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Đó là những sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu hoặc theo công nghệ thân thiện với môi trường. Điều đó cũng dễ hiểu vì môi trường đang là vấn đề nóng, đáng báo động mà nguyên nhân là mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng do việc thải khí thải và những chất khó phân hủy vào môi trường. Vì vậy, việc tạo ra những sản phẩm thay thế có tính thân thiện với môi trường đang là một xu thế chung, rất cần được khuyến khích để góp phần hướng đến phát triển bền vững.
Nhân viên Công ty Kim Nhật giới thiệu sản phẩm các loại túi vải không dệt đến người tiêu dùng
Xu hướng dùng sản phẩm xanh
Không chỉ ở các nước phát triển, mà tại nhiều nước trên thế giới, tiêu dùng sản phẩm xanh đang là xu hướng chủ đạo. Người tiêu dùng hiện đại không chỉ muốn sử dụng sản phẩm có chất lượng tốt, mà còn yêu cầu sản phẩm phải an toàn và thân thiện với môi trường. Nhiều người sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua một sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ xanh hay từ nguồn nguyên liệu xanh chứ không sắm sản phẩm rẻ, lợi trước mắt nhưng hại lâu dài. Các nhà sản xuất sản phẩm xanh cũng nhận định rằng sản phẩm xanh tuy có giá cao hơn sản phẩm thông thường, nhưng có lợi ích toàn diện hơn, nhất là nếu xét về lâu dài.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, Saigon Co.op tích cực tham gia chiến dịch kêu gọi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh vì tập thể người lao động ở đây sau khi được tuyên truyền đều rất quan tâm bảo vệ môi trường. Làm cầu nối cho nhà sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau nên Saigon Co.op ưu tiên cho những sản phẩm xanh, hướng dẫn thay đổi thói quen của người tiêu dùng để góp phần bảo vệ môi trường và lợi ích của cộng đồng.
Từ khi túi nylon được sản xuất đại trà cách đây hơn một thập niên, chẳng ai nghĩ rằng nó sẽ gây thảm họa cho môi trường nên cứ vô tư sử dụng. Chỉ khi các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo là phải mất hàng trăm năm túi nylon mới tự phân hủy thì ảnh hưởng xấu của nó đến môi trường mới được quan tâm hơn. Nhưng để hạn chế sử dụng túi nylon thì phải tìm ra sản phẩm thay thế. Và sự ra đời của túi làm bằng vải không dệt với đặc tính dễ phân hủy, lại có tính thẩm mỹ là sự lựa chọn mới đáp ứng yêu cầu về môi trường. Sản phẩm túi xách làm từ vải không dệt rất đa dạng, phù hợp với các nhu cầu đóng gói sản phẩm, làm túi quà tặng, túi đựng mỹ phẩm, dụng cụ học tập, túi thời trang… Do mới xuất hiện trên thị trường nên nhu cầu mua bán loại túi này chưa lớn, doanh nghiệp chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng là chủ yếu. Anh Nguyễn Long Châu – Giám đốc Công ty Bao bì Kim Nhật cho biết công ty của anh được thành lập từ giữa năm 2007, chuyên về túi bằng vải không dệt, khi mà hầu như chưa có ai đồng hành. Do hiểu được tầm quan trọng về bảo vệ môi trường, thấy túi làm từ vải không dệt sẽ rất cần thiết nên anh không ngại khó đi vào lĩnh vực sản xuất mới. Những ngày đầu, chưa ai biết đến sản phẩm nên tình hình kinh doanh của Kim Nhật gặp nhiều khó khăn. Anh cùng các nhân viên phải kiên trì giải thích, hướng dẫn, thuyết phục mãi thì khách hàng mới chịu “xài thử”. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM chỉ có khoảng chục doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng đã bắt đầu có sự cạnh tranh. Công ty Bình Khương thành lập năm 2009 cũng chuyên về sản xuất túi thân thiện với môi trường và một vài loại sản phẩm xanh khác để cung cấp cho các khách hàng trong và ngoài nước như adidas, Kymdan, Codupha, Ngân hàng BIDV, Kokuyo…
Bàn phím máy vi tính cũng được tận dụng để làm các thiết bị văn phòng, vật trang trí xinh xắn
Công ty Một bước tiến (One Step Ahead) mới thành lập vào năm 2010 đã thành công trong việc đưa sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường từ phòng thí nghiệm ra thực tế nhằm chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm từ rác thải bao bì nhựa ra môi trường. Hạt nhựa thân thiện với môi trường có chứa tinh bột là nguyên liệu nhựa sử dụng công nghệ mới dựa trên một loại thực vật thay thế cho nguyên liệu có nguồn gốc dầu mỏ nên phân rã nhanh, chỉ sau 50 ngày chôn dưới đất.
Với mục đích giảm thiểu những tác động đến môi trường trong quá trình xây dựng, nhiều sản phẩm làm từ vật liệu xanh đã ra đời thể hiện ưu điểm vượt trội, giá cả hợp lý. Vữa khô trộn sẵn có thành phần chính là cát xây dựng đã sàng sạch cùng xi măngportland, kết hợp với phụ gia chống thấm. So với vữa trộn thông thường, loại vữa này không còn tạp chất và được sấy khô trước khi đưa vào sản xuất nên bề mặt trát vữa phẳng hơn. Ngoài ra, trên thị trường, một số loại vật liệu cách âm, cách nhiệt mới, rồi sơn dầu gốc nước đều là những hàng hóa xanh tiêu biểu. Trong khi sơn thông thường phải sử dụng xăng để pha sơn, dễ gây hại đến môi trường và sức khỏe công nhân thì sơn dầu gốc nước có mùi nhẹ và chứa hàm lượng các hợp chất dễ bay hơi (VOC) thấp, an toàn hơn cho sức khỏe. Đó là những sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ phục vụ cho các công trình xây dựng đang dần có chỗ đứng trên thị trường.
Các loại sản phẩm tái chế có tính ứng dụng được làm từ vỏ xe phế liệu của Công ty Lê Thanh như thùng rác, bộ bàn ghế ngoài trời
Ảnh Chinh Vũ
Công ty Lê Thanh được thành lập từ năm 2007 với ngành nghề chính là thiết kế, thi công, chăm sóc và bảo dưỡng cảnh quan. Đến năm 2009, doanh nghiệp này đảm nhiệm thêm công việc thu gom và vận chuyển rác cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Thấy được thực trạng của việc lãng phí rác (cũng là một dạng lãng phí tài nguyên thiên nhiên), cán bộ nhân viên công ty đã ấp ủ ý tưởng tái sử dụng rác để làm thành những sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhờ các sáng tạo độc đáo, đặc biệt chú trọng vào tính ứng dụng của sản phẩm chứ không chỉ mang tính chất trang trí, Công ty Lê Thanh đã mang những sản phẩm đầu tay của mình tham gia trưng bày tại Hội chợ Hoa Xuân Phú Mỹ Hưng 2012 với mục đích khơi gợi ý thức của người tham quan, không ngờ lại được mọi người ngạc nhiên và thích thú đón nhận. Đó là bộ bàn ghế ngoài trời, dải phân cách đường đi, thùng rác được làm từ vỏ xe tải, rồi ghế ngồi tựa lưng được làm từ vỏ chai rượu, hồ cá thủy sinh làm từ vỏ máy vi tính, bàn phím máy tính cũ trở thành hộp đựng viết hay khung hình, ngay cả con chuột máy tính, đĩa CD hư cũ cũng được tận dụng làm đồng hồ treo tường; nắp bật lon bia, lon nước ngọt thì biến thành giỏ xách thời trang… “Thế nhưng do tâm lý người Việt chưa có thói quen sử dụng sản phẩm tái chế nên việc đưa những sản phẩm này vào kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, công ty chúng tôi có ý định đưa các sản phẩm tái chế đã có sẵn lên mạng cộng đồng để thăm dò thị trường. Chúng tôi vẫn có niềm tin vào tương lai nên chấp nhận cái khó để đón đầu thị trường” – chị Hồng Chinh, chuyên gia phụ trách phát triển sản phẩm chia sẻ.
Để phát triển doanh nghiệp xanh
TP.HCM là nơi năng động đi đầu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc nắm bắt thị trường tiềm năng để đầu tư kinh doanh, đổi mới ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với nhiều sản phẩm được dán nhãn xanh. Có thể nói đây là mảnh đất có nhiều tiềm năng, nhưng để khai phá có hiệu quả, cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó rất cần chính sách ưu đãi của Nhà nước. Về mặt tổng quan, cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn môi trường quốc gia trên cơ sở các yêu cầu quốc tế và đặc thù của ViệtNam. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Để nâng cao một bước ý thức bảo vệ môi trường trong toàn xã hội, các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cần phải thường xuyên kiểm tra và có biện pháp chế tài mạnh hơn đối với các hành vi gây hại cho môi trường của các cơ sở sản xuất. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, giảm thuế đầu vào đối với những sản phẩm xanh để không làm chênh lệch giá, cũng như giúp họ thay đổi công nghệ để chi phí của doanh nghiệp không bị đẩy lên cao. Đồng thời, cũng nên có các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện nay, một số bộ, ngành, địa phương đã có chủ trương, nhưng do thủ tục triển khai còn phức tạp nên ở nhiều nơi, các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với hệ thống chính sách, biện pháp mới. Gần như doanh nghiệp vẫn phải tự làm, tự vận động nếu muốn tiêu thụ được sản phẩm thân thiện với môi trường. “Việc tạo điều kiện của Nhà nước phải được cụ thể hóa bằng các quy định rõ ràng, với thủ tục thực hiện đơn giản thì chủ trương ấy mới phát huy được hiệu quả trong thực tế” – anh Long Châu nói.
Ngân An