Nhiều người biết rõ về cách thức xin học bổng đại học nhưng lại không biết có những học bổng MBA đáng giá và không quá khó để giành được.
Tìm kiếm cơ hội
Trước tiên, bạn phải lùng sục trên internet tất cả các tổ chức hỗ trợ sinh viên và sẵn sàng cấp học bổng cho những người đáp ứng được một số tiêu chí nhất định. “Còn vô số cơ hội học bổng chưa được quảng bá đúng mức”, ông Zeke Lee, đồng sáng lập trang GMATPill.com, dịch vụ luyện thi GMAT đặt trụ sở tạiNew York, cho hay. Từ khóa tìm kiếm phải bao gồm đầy đủ các thông tin liên quan tới bạn như giới tính, sắc tộc, quốc tịch, lĩnh vực theo đuổi, trường đại học cũ và trường bạn đang muốn xin vào.
Thí dụ, chương trình Reliance Dhirubhai dành riêng cho sinh viên Ấn Độ muốn theo học MBA tại Trường Cao đẳng Thương mại – Đại học Stanford. Mỗi năm, có tối đa năm sinh viên Ấn Độ được nhận học bổng toàn phần kèm theo cam kết làm việc cho một tổ chức của Ấn Độ tại Ấn Độ trong vòng hai năm sau khi tốt nghiệp. Hoặc sinh viên nữ quốc tế muốn theo học tại bất cứ đâu ở Hoa Kỳ có thể xin hỗ trợ tài chính của Hội Phụ nữ Đại học Mỹ (American Association of University Women). Sinh viên MBA thuộc sắc tộc thiểu số muốn theo đuổi ngành tài chính có thể nhắm tới học bổng của Quỹ Robert A. Toigo.
Trao đổi với sinh viên và cựu sinh viên
Tận dụng các buổi giới thiệu chiêu sinh để hỏi thăm sinh viên và các cựu sinh viên mới ra trường về cách họ lo nguồn chi trả học phí MBA. Họ sẽ cho bạn gợi ý tìm cơ hội học bổng, trong hoặc ngoài trường, mà thường ít người biết tới.
Chuẩn bị kỹ hồ sơ dự tuyển
Nhiều trường thương mại chỉ dựa trên hồ sơ dự tuyển vào trường của sinh viên để làm cơ sở cấp học bổng. Ứng viên nên tập trung soạn bài luận thật hay, đạt điểm GMAT càng cao càng tốt và chia sẻ kinh nghiệm làm việc nổi bật của bản thân, theo lời khuyên của David Simpson, Giám đốc Tuyển sinh chương trình MBA và Cao học tài chính Trường Thương mại London. Trường này dự tính huy động 18 triệu bảng Anh làm nguồn tài trợ học bổng cho năm năm sắp tới. Quan trọng nhất là chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Trích lời ông Simpson: “Chúng tôi tìm kiếm người có khả năng gây ảnh hưởng (tốt) suốt trong và sau chương trình”.
Là người đầu tiên
Nếu muốn xin học bổng, bạn phải nộp đơn dự tuyển vào trường càng sớm càng tốt. Hầu hết các trường đều quyết định chọn người để cấp học bổng ngay trong thời gian tuyển sinh. Nộp đơn sớm cũng là cách chứng tỏ động lực thúc đẩy của bạn.
Tìm tài trợ cho các chi phí khác
Dự tuyển MBA đồng nghĩa với việc bạn bắt đầu phải chi tiền cho đủ các loại phí lớn nhỏ. Học phí luyện thi GMAT, tư vấn tuyển sinh, phí tuyển sinh, v.v… Đương nhiên cũng có nguồn tài trợ cho các loại chi phí này.
Thí dụ, cuộc thi Beat the GMAT 2013 sẽ phát tám học bổng bao gồm một phiếu trị giá 250 USD tiền phí đăng ký thi GMAT, học phí khóa luyện thi GMAT và tiền phí dịch vụ tư vấn tuyển sinh MBA. Muốn giành lấy gói học bổng đó, ứng viên phải chứng minh mình cần được hỗ trợ tài chính, giấy giới thiệu của hãng xưởng, một bài luận cho thấy bạn thực sự quan tâm tới học bổng cũng như có lý do cụ thể để theo học chương trình MBA.
Một tin tốt là các trường thương mại hiện đang cấp ngày càng nhiều học bổng để cạnh tranh giành lấy những sinh viên ưu tú nhất. “Cấp học bổng là cách chiêu mộ những ứng viên giỏi nhất về trường”, theo David Simpson.
10 chương trình MBA hàng đầu thế giới (*)
Hạng | Trường | Quốc gia | Lương (USD/năm) | Tỷ lệ tăng lương (%) |
1 | HarvardBusinessSchool | Mỹ | 187.223 | 121 |
2 | StanfordGraduateSchoolof Business | Mỹ | 194.645 | 115 |
3 | Wharton -UniversityofPennsylvania | Mỹ | 180.772 | 121 |
4 | LondonBusinessSchool | Anh | 160.988 | 124 |
5 | ColumbiaBusinessSchool | Mỹ | 174.347 | 123 |
6 | Insead | Pháp/Singapore | 153.992 | 96 |
7 | IeseBusinessSchool | Tây Ban Nha | 146.049 | 141 |
8 | HongkongUSTBusinessSchool | Trung Quốc | 132.685 | 153 |
9 | Sloan – MIT | Mỹ | 160.414 | 117 |
10 | Booth -UniversityofChicago | Mỹ | 162.363 | 108 |
(*) Bảng sắp hạng năm 2013 của Financial Times. Thứ tự sắp hạng dựa theo mức lương trung bình của cựu sinh viên ba năm sau khi tốt nghiệp và tỷ lệ tăng lương (so sánh mức lương của cựu sinh viên trước và sau khi lấy bằng MBA).
Francesca Di Meglio (Businessweek)