Chúng ta thường được nghe vô số lời khuyên về tài chính, tiền bạc, đầu tư,… từ nhiều nguồn khác nhau. Có lời khuyên tốt, dựa vào trải nghiệm của những người thành công và đã có nền tảng tài chính vững chắc, giúp chúng ta tiến gần đến mục tiêu tự do tài chính cá nhân. Cũng có lời khuyên tồi tệ, hời hợt và thiếu kiểm chứng, có thể khiến chúng ta đi vào ngõ cụt.
Với hơn 20 năm hoạt động và làm việc trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, Sallie Krawcheck (chuyên gia tài chính nổi tiếng ở phố Wall, từng lọt vào danh sách 100 Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes, cựu giám đốc mảng đầu tư toàn cầu của Bank of America – ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ xét về giá trị tài sản, hiện là CEO của công ty tài chính Ellevest) mới chia sẻ trên trang Business Insider về những lời khuyên tài chính tồi tệ nhất mà bà từng nghe. Nếu gặp phải, chúng ta hãy bỏ qua chúng ngay!
Đầu tư là việc của người giàu và đã có tuổi
Đó là lời khuyên về tài chính tồi tệ mà Sallie Krawcheck trực tiếp nghe, và người nhận được lời khuyên chính là em trai của bà. Một người thuộc thế hệ cha anh đã khuyên rằng: “Đừng nghĩ đến việc đầu tư bây giờ, cậu (nói với em trai của Sallie Krawcheck) còn quá trẻ và lại chẳng có bao nhiêu tiền”.
Theo Sallie Krawcheck, việc đầu tư thực ra chẳng liên quan gì đến chuyện bạn bao nhiêu tuổi và có bao nhiêu tiền. “Không quan trọng bạn hai mươi, ba mươi hay bốn mươi tuổi, chỉ cần bạn muốn tiền bạc làm việc cho mình, thì hãy đầu tư. Bạn càng trẻ càng có lợi thế, bởi thời gian sẽ cho bạn một thứ quan trọng, đó là lãi suất kép, thứ khiến lợi nhuận được sinh ra từ lợi nhuận”.
Theo đó, nếu năm ba mươi tuổi, bạn đầu tư 500 triệu đồng với hình thức an toàn là gửi tiết kiệm ngân hàng, với mức lãi suất khoảng 7%/năm, một năm sau, số tiền này đã là 535 triệu đồng. Sau năm năm, khi 35 tuổi, bạn đã có trong tay 701,3 triệu. Chưa kể, còn rất nhiều hình thức đầu tư khác, cũng an toàn không kém và có lợi tức cao hơn.
Ngoài ra, đầu tư sớm còn mang lại một lợi thế nữa, đó là bạn có thời gian để học hỏi và làm lại nếu chẳng may thất bại.
Tập trung xây dựng quỹ khẩn cấp trước khi tập trung trả nợ
Theo Sallie Krawcheck, nếu nhận được lời khuyên rằng bạn nên tập trung tiền bạc để tạo ra quỹ khẩn cấp (phòng ngừa những việc đột xuất như mất việc làm, tai nạn, ốm đau…) trước khi trả hết các khoản nợ, thì đó là một lời khuyên tồi tệ.
“Một phép tính đơn giản, nếu bạn có khoản nợ 100 triệu đồng từ thẻ tín dụng, chịu mức lãi khoảng 18% – 31%/năm, trong khi vẫn giữ 100 triệu đồng trong quỹ khẩn cấp, tạo ra mức lãi khoảng 0,3%/năm (gửi tiết kiệm không kỳ hạn ở ngân hàng) hoặc 0% nếu nằm trong hộc tủ. Như vậy, bạn đã tự làm tài sản của mình hao mòn từ 17,7% – 30,7% một năm, chưa tính đến tác động của lạm phát”.
Tất nhiên, một quỹ khẩn cấp bằng khoảng sáu tháng chi tiêu của gia đình là rất cần thiết cho bất kỳ gia đình nào. Nhưng hãy lưu ý rằng không nên tập trung cho quỹ khẩn cấp khi đang vay nợ. Nếu tình trạng tệ nhất xảy ra, bạn vẫn có thể dùng các hình thức vay nợ (thẻ tín dụng, ngân hàng…) để kịp thời giải quyết khó khăn. Vấn đề quan trọng nhất, luôn là phải cố gắng trả hết nợ thật nhanh.
Khi muốn tăng lương, chỉ cần gặp sếp và đưa ra lời đề nghị…
Có nhiều con đường khác nhau để xây dựng sự tự do tài chính, không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp để rồi tự làm thuê cho chính mình. Bạn hoàn toàn có thể có được sự tự do tài chính nhờ làm thuê cho những công ty, tập đoàn lớn. Tất nhiên, là người làm công ăn lương, bạn muốn được hưởng mức lương cao tương xứng với khả năng của mình. Nhưng bạn sẽ thực hiện điều này bằng cách nào, để nhanh chóng đạt được sự tự do tài chính?
Một trong những lời khuyên mà Sallie Krawcheck hay được nghe ở chốn công sở, đó là hãy yêu cầu được tăng lương.
“Đừng chỉ tới gặp sếp của bạn và yêu cầu được tăng lương sau hàng loạt thủ thuật trước đó như đi làm sớm, nhiệt tình nhận thêm việc, nắm bắt tâm lý sếp… Thay vào đó, hãy thể hiện với sếp rằng bạn xứng đáng có được mức lương mới. Hãy tự nâng cao năng lực của mình, hoàn thành tốt công việc được giao và thể hiện điều ấy bằng kết quả. Chỉ cần như thế, bạn đã gửi đến sếp mình một thông điệp, rằng “chiếc áo cũ” giờ đã quá chật so với bạn.
Sau khi làm những việc này rồi, bạn mới gặp và trao đổi thẳng thắn với sếp về việc tăng lương. Nếu bị sếp từ chối, hãy mạnh dạn hỏi, rằng bạn cần làm gì và đạt được điều gì trong công việc để được tăng lương.
Đừng ngại thể hiện khát vọng của bản thân, vì đó là điều tối cần thiết để bạn có thể hoàn thành cả một kế hoạch tài chính khó khăn phía trước”.
- Tuấn Thành
Xem thêm: