Sang đầu thế kỷ XXI, đời sống của cư dân Sài Gòn tăng cao nên nhu cầu giải trí lớn. Mô hình cà phê sân vườn và nhà hàng cà phê phát triển mạnh. Cà phê sân vườn xây dựng trên nền diện tích rộng, với khung cảnh thiên nhiên tươi mát, không gian thoáng đãng nên được nhiều người ưa thích. Nhà hàng cà phê thu hút khách bằng sự sang trọng. Bên cạnh đó, cà phê Nhạc Trẻ vẫn trung thành với phương châm phục vụ khách những bản nhạc hay và âm thanh tuyệt hảo nhưng lần này với phong cách mới Audiophile.
Cà phê Audiophile
Era Café trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3 là quán đi tiên phong trong phong cách Audiophile. Audiophile là thuật ngữ chỉ một nhóm người đam mê âm thanh, họ muốn được nghe âm thanh thật nhất, cảm giác như ca sĩ và ban nhạc biểu diễn ngay trước mắt vậy. Chọn mở theo phong cách Audiophile thì chủ nhân phải là người có kiến thức, có kinh nghiệm về các thiết bị âm thanh. Chủ nhân tự thiết kế, chế tạo loa riêng, chọn loa “bass lớn 15” (đường kính khoảng 40cm) phối ghép với loa mid, loa treble còi, giá lên đến vài ngàn USD.
Ampli đèn bán dẫn của thời kỳ đầu thập niên 1960 đã bị lãng quên hơn 30 năm, nay chủ nhân Audiophile tự thiết kế làm lại mạch và thay thế các đèn bán dẫn mới. Sở dĩ họ tự thiết kế lắp ráp loa, ampli một phần là do thiết bị cũ đã hư nhiều, chất lượng giảm, trong khi thiết bị mới nguyên bộ trên thị trường còn quá đắt. Nhưng nguyên nhân chính là chủ nhân muốn giới thiệu chuyên môn âm thanh của mình để khách phải mơ mộng và mong nhớ đến nghe.
Cà phê Audiophile vẫn dùng đầu CD phát nhạc nhưng qua dàn âm thanh này tiếng nhạc trở nên tinh tế hơn, ta có thể phân biệt rõ từng bè, từng tiếng nhạc cụ. Theo ý kiến của chủ nhân, nghe âm thanh Audiophile nên mở thể loại blue, jazz hoặc các bản pop êm nhẹ thì mới thưởng thức trọn vẹn sự huyền ảo của âm thanh. Các quán cà phê Audiophile cạnh tranh nhau bởi thiết bị và các bản ghi âm đặc biệt.
Cà phê Audiophile có quy định bất thành văn, khách đến không được nói chuyện lớn làm ảnh hưởng không gian nghe nhạc. Trong không gian ấy, người yêu nhạc được hoài niệm với Green field của The Brothers Four, Scarborough Fair với cặp song ca Simon & Garfunkel, khắc khoải với Ella Fitzgerald và Louis Armstrong song ca Summertime của nhà soạn nhạc George Gershwin đầu thế kỷ XX, trầm tư theo giai điệu Dance me to the end of love qua giọng trầm khàn của Leonard Cohen…
Cà phê Audiophile không chỉ tạo phong cách riêng mà còn tạo nên một trào lưu Audiophile trong một bộ phận giới trẻ. Cà phê Hi-end nằm trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1 đã làm được điều đó. Chủ nhân cà phê Hi-end tên Phong nên có biệt danh Phong Hi-end (rất tiếc anh đã mất cách đây vài năm). Năm 2006, anh Phong cùng bạn bè tổ chức cuộc thi “Lắp ráp ampli đèn” tại cà phê Hi-end. Qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức chọn 12 thí sinh vào vòng chung kết. Tại buổi chung kết, mỗi sản phẩm được đánh số báo danh và giấu kín sau tấm màn sẫm màu. Đến phần thi của sản phẩm nào thì ban tổ chức nối dây vào sản phẩm đó. Ban giám khảo chỉ nghe âm thanh phát ra để chấm.
Cuộc thi đã thu hút được nhiều bạn trẻ thích khám phá thế giới âm thanh theo phong cách riêng. Do đó, ban tổ chức đã đổi tên thành Sumo Contest, tổ chức hàng năm luân phiên ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng. Sumo Contest diễn ra hơn 10 năm.
Cà phê nhạc thời kỹ thuật số
Khoảng năm 2005, giới yêu nhạc ở Sài Gòn bắt đầu sử dụng máy nghe nhạc cá nhân hiệu iPod của hãng Apple, nhỏ gọn hơn nhiều so với máy Walkman do Sony sản xuất cách đó hơn 10 năm. IPod lưu giữ các file nhạc dưới định dạng mp3 nên lưu được nhiều bản nhạc, khác hẳn Walkman vẫn phải dùng băng cassette. Âm thanh phát từ file mp3 không đầy đặn như nghe từ CD nhưng dễ lưu giữ nên nghe nhạc mp3 dần trở nên phổ biến.
Đến 2010, trong khi phần lớn nhà hàng cà phê, cà phê sân vườn đã chuyển sang phát nhạc file mp3 thì cà phê Audiophile vẫn tiếp tục sử dụng đầu CD và đĩa LP để chinh phục khách hàng. Theo chủ nhân các cà phê Audiophile, file nhạc mp3 (thời kỳ này) chưa đạt chuẩn chất lượng nên họ không sử dụng. Tuy nhiên, tiến bộ trong lãnh vực công nghệ thế giới diễn ra rất nhanh, nên cà phê Audiophile đã chuẩn bị có những bước chuyển mình.
Khoảng 5 năm gần đây, cà phê Audiophile chuyển dần sang thiết bị phát nhạc số chất lượng cao. Music server là thiết bị chất lượng cao, có thể lưu giữ và quản lý hàng ngàn CD nhạc. Thiết bị này khá đắt và đòi hỏi người sử dụng phải có chuyên môn. Trò chuyện với anh Bình, chủ nhân cà phê Audiophile, anh nói: “Thiết bị có đắt chút cũng mua. Đó là niềm đam mê muốn khám phá thế giới âm thanh và cũng để chia sẻ niềm vui với anh em, bạn bè”.
Diện mạo cà phê Sài Gòn gần đây đã thay đổi nhiều. Mô hình chuỗi cà phê đang là xu hướng. Mô hình cà phê sân vườn, nhà hàng cà phê sang trọng vẫn phát triển. Các nhà cung cấp nhạc số iTunes, Spotify trở thành đối tác với quán cà phê chọn mua dịch vụ để phát nhạc. Smartphone giờ là vật bất ly thân, mỗi người tự nghe nhạc theo ý riêng mình, nghe nhạc miễn phí.
- Xem thêm: Cà phê thôi, nhạc nhéo gì!
Trong bối cảnh đó, cà phê Audiophile thu hẹp dần. Cà phê Overture trên đường Trần Quốc Toản, quận 3, chủ nhân là một tín đồ Audiophile đã thiết kế cho mình phòng nghe nhạc gần đúng chuẩn âm thanh nhất. Nơi đây, năm 2013 đã có buổi ra mắt album Nguyễn Ánh 9 – Lặng lẽ tiếng dương cầm, sản phẩm hợp tác giữa Music Faces của Đức Trí và Gia Định Audio. Album ghi âm trên đĩa LP, sản phẩm hiếm hoi được nhà sản xuất Việt Nam thực hiện gần đây. Nhưng trong dòng xoáy thị trường, cách đây hơn năm, Café Overture đã đóng cửa, trả mặt bằng. Những quán cà phê Audiophile còn lại chủ yếu để thỏa mãn đam mê âm thanh của chủ nhân.
Một bộ phận giới trẻ ngày nay có xu hướng hoài niệm không gian xưa, thích các thiết bị âm thanh thập niên 1960, 1970 nên đã có các quán cà phê không gian xưa mở ra đáp ứng nhu cầu đó.
Imagine Coffee trên đường Trần Huy Liệu, Phú Nhuận là điển hình của phong cách cà phê Sài Gòn xưa. Chủ nhân, một phóng viên văn nghệ chuyển sang kinh doanh. Anh là fan cuồng của The Beatles nên quán trang trí rất nhiều poster của nhóm. Quán phát nhạc bằng đầu CD, đôi lúc dùng máy phát băng magnetic (băng cối) hoặc băng cassette nhỏ. Dàn âm thanh đúng kiểu thập niên 1970 với 4 loa nhỏ đặt 4 góc phòng dùng ampli transistor khuếch đại. Kiểu âm thanh này khác với âm thanh ở cà phê Audiophile dùng hai thùng loa lớn và ampli đèn bán dẫn. Quán trưng bày nhiều radio, tivi qua các thời kỳ cùng nhiều món đồ lưu niệm rất bắt mắt. Không gian quán vừa mang nét hiện đại vừa mang dấu ấn Sài Gòn xưa tạo nên sự ấm áp kỳ lạ.
***
Sài Gòn muôn màu, cà phê muôn vẻ.
Những người muốn có thời gian thư giãn với gia đình, bạn bè, chụp vài tấm ảnh đăng Facebook thì tìm đến cà phê sân vườn, các chuỗi cà phê. Doanh nhân chọn nhà hàng cà phê sang trọng để tiếp đối tác. Những người thích không gian âm nhạc êm nhẹ để đọc Đứa con đi hoang trở về của Andre Gidé, bản dịch Bửu Ý thì tìm đến cà phê Sài Gòn xưa. Những người thích sự vắng lặng, đi tìm thời gian đã mất thì đến cà phê Audiophile để nghe We’re All Alone với giọng hát Rita Coolidge, You’re So Vain với Carly Simon hay It’s Too Late với Carole King…
Ký giả Trường Kỳ tự thuật: “Năm 1965, trước sự đi lên mạnh mẽ của nhạc trẻ, tôi đề nghị ông Quốc Phong, Chủ nhiệm báo Kịch Ảnh phải “làm một cái gì” để mọi người biết rõ hơn về nhạc trẻ, đừng dựa trên danh từ “kích động nhạc” để tưởng tượng ra đủ mọi thứ xấu xa và đồi trụy gán ghép cho nó… Tôi được giao nhiệm vụ mời các ban nhạc đến tham dự “Hội nghị bàn tròn” do báo Kịch Ảnh tổ chức, để thảo luận “tìm hướng đi” cho nhạc trẻ… Sau hơn hai tiếng đồng hồ bàn bạc sôi nổi, 20 bạn đại diện các ban nhạc đã đạt được kết quả ghi nhận như sau:
- Đề nghị dùng tên Nhạc Trẻ để thay thế cho “kích động nhạc” của tôi được tất cả chấp nhận.
- Định nghĩa “Nhạc Trẻ là loại nhạc thích hợp với những tâm hồn trẻ… Nhạc Trẻ cũng không nhất thiết phải là loại nhạc giựt gân…” (lược trích Một thời Nhạc Trẻ của Trường Kỳ)