Sinh khí trong nhà ở là dạng năng lượng vừa hữu hình vừa vô hình, có thể cảm nhận thông qua cách thức đón nắng, lấy gió, bài trí… và cũng có thể chỉ là cảm giác thoải mái, thông suốt hay khó chịu, trì trệ khi bước vào nhà.
Phong thủy hiện đại luôn xem trọng việc tạo sinh khí cho môi trường ở thông qua dùng màu sắc. Vì chất liệu xây dựng và cấu trúc không gian là những “phần cứng” không dễ biến đổi, nên sử dụng màu sắc trở thành một trong những cách thức hiệu quả, với ba giải pháp cơ bản là Liên kết khí, Cân bằng khí và Nổi bật khí.
Thế nhưng màu sắc phong thủy sử dụng trong không gian sống không đơn thuần chỉ nằm ở màu sơn, mà là tập hợp các mối quan hệ được Dương trạch tam yếu đúc kết vào ba phần chính của mỗi ngôi nhà: hệ thống cửa (nạp và dẫn khí), khu bếp núc (chế hóa khí) và phòng ốc của gia chủ (tụ khí).
Cửa và bếp, màu liên kết – nổi bật
Nhà có liên kết khí tốt là từ cách đi lại lưu thông đến góc nhìn giữa các thành phần trong nhà đều nối kết, ít đứt đoạn (ngoại trừ các chỗ sinh hoạt riêng tư). Điều này vừa liên quan đến bố trí ban đầu, vừa chịu ảnh hưởng của xử lý màu sắc chất liệu khi hoàn thiện. Trước tiên là hệ thống cửa, nơi tiếp giáp trong với ngoài, nên cách chọn màu và chất liệu cửa giúp định vị rõ hơn đâu là lối ra vào, đâu là không gian chung hay riêng.
- Xem thêm: Chọn màu sắc cho mái nhà vượng phát
Từ truyền thống đến hiện đại đều phổ biến cách dùng màu cửa hòa cùng màu không gian, ví dụ nhà xưa dùng cửa gỗ tiệp màu với vách gỗ hoặc gạch, tạo sự liền mạch về bề mặt. Nhà nay dùng cửa trắng hoặc xám cũng rất hợp với không gian hiện đại ưa chuộng nhóm màu trung tính, đơn giản, như một cách thể hiện quan điểm “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nói đơn giản thì nhà màu gì, cửa màu đó sẽ luôn đồng bộ, nối kết tốt.
Tuy vậy vẫn cần các biện pháp gia tăng – nổi bật khí nhằm kích hoạt mức độ vui tươi và sống động, tránh nhàm chán và tĩnh lặng quá, phong thủy hay chọn vị trí cửa chính và khu bếp, vì tính chất sử dụng, giao tiếp cần nổi bật. Ví dụ như tại cửa ra vào chính, cửa bếp, hoặc hệ thống tủ kệ bếp có thể dùng màu tương phản mạnh, viền đậm, hoặc đóng khung… tạo nét sinh động.
Điều này không mâu thuẫn với quan niệm đồng bộ nêu trên, vì thực ra để nhấn mạnh cũng chỉ cần điểm xuyết ở các bộ cửa đi chính, và dùng màu nhấn không phải là màu chói lọi hay lòe loẹt, như cha ông ta xưa treo câu đối, hoành phi nơi cửa chính, hài hòa mà vẫn nổi bật.
Một số chỗ như phòng sinh hoạt chung (hoặc có thể là thư phòng, phòng nghe nhạc, phòng karaoke) cũng nên dùng màu mang tính sáng tạo và vui vẻ hơn so với những nơi khác để tìm kiếm sự thư giãn tích cực. Màu thuộc hành Hỏa (cam, đỏ) và Thổ (vàng, nâu) nên dùng với sự phối hợp và gia giảm, để đem tới sự hưng phấn, tính trẻ trung.
Phòng riêng, chọn lựa cân bằng – hòa hợp
Liên kết khí và Nổi bật khí rồi thì phải cân bằng lại để sinh khí không phân tán ra môi trường chung quanh. Khi nhà quá rộng so với nhân khẩu sử dụng thì sinh khí sẽ tụ tán thất thường, gây cảm giác lạnh lẽo, vắng vẻ. Khắc phục bằng cách sắp xếp chính phụ sao cho không gian vừa đủ, và nên dùng màu đậm để tạo cảm giác gần gũi, ấm áp.
Ngược lại, nếu nhà chật mà người đông, cần làm thoáng bằng cách giảm bớt vách ngăn, dùng màu sáng dịu để thư giãn, mở rộng cửa sổ hoặc tạo các khung gương phản chiếu để gây ảo giác nhà rộng ra. Những màu đậm hay sáng này vẫn trong quy luật có sinh có khắc của một gam màu chủ đạo, ví dụ gam màu vàng – Thổ – thì màu đậm hơn là nâu, còn màu nhạt hơn là trắng kem.
Khi ngôi nhà hay căn phòng bị khuyết một góc sẽ tạo nên hình thế mất cân bằng và khó sử dụng. Những góc khuyết này có thể cân đối lại bằng cách dùng gương ốp hoặc đặt chậu cảnh, bể cá như là thủ pháp tạo thiên nhiên thu nhỏ và xóa đi cảm giác bị thiếu góc. Việc dùng màu khác biệt hay màu trộn lẫn tại khoảng khuyết góc cũng tùy thuộc vào vị trí ấy có công năng gì. Nếu là góc đi lại dễ va chạm thì nên dùng màu tương phản, còn góc tĩnh lặng sẽ kê đồ vào thì chỉ cần dùng màu đồng bộ.
Đặc trưng ngôi nhà vùng khí hậu nhiệt đới hay chuộng những gam màu dịu mát thuộc Thủy (khắc Hỏa) và màu tương sinh với Thủy như Kim và Mộc luôn đem đến cảm giác thư giãn nhiều hơn. Những sắc độ khác nhau của trắng như màu trắng vàng (tông màu ấm) đến trắng xanh hay trắng phớt tím (tông màu lạnh) đều có thể sử dụng làm màu chủ đạo, nhất là trong phòng riêng vốn không rộng rãi như không gian chung.
Có ý kiến cho rằng những gam màu xanh biển (thủy) và xanh lá cây (mộc) hay xanh ngọc dễ làm cho da dẻ trông có vẻ… tái xanh, nhưng thực ra chỉ cần xử lý ánh sáng phù hợp (ánh sáng ấm, chiếu khuếch tán, bổ sung đèn rọi làm điểm nhấn) thì hoàn toàn có thể đem lại cảm giác ấm áp và tươi tắn. Những màu sáng còn mang tính dương, kích thích sự luân chuyển của Nội Khí, giảm sự trì trệ của tính âm của những màu tối.
Màu xanh dương được y học chứng minh là có tác dụng lắng dịu, trấn an tinh thần, bình ổn huyết áp, còn màu xanh lá cây giúp thần kinh dịu lại và mắt được nghỉ ngơi. Nếu được đặt cùng với màu trắng hay xám (gần với sự Thiền định), màu của gỗ và cam nhạt (sức sống và sự duyên dáng) thì hoàn toàn có thể tạo ra một không gian riêng tư, góc thư giãn hài hòa triết lý dưỡng sinh.
Lưu tâm khoảng trống và ánh sáng
Trong cấu trúc thô của mỗi ngôi nhà thì vị trí bếp, kệ tivi, giường ngủ, bàn làm việc… vốn khó thay đổi cả về Tọa Hướng lẫn kỹ thuật, cho nên không gian trống rất quan trọng khi muốn định vị cảm thụ nội thất. Tại các khoảng trống, với gam màu tiết giảm, thậm chí chỉ cần màu trắng hay xám đơn giản sẽ giúp góc sống mang tinh thần “less is more” (ít đi để nhiều hơn) của Tây phương, hay Zen (Thiền) của Đông phương.
Đây là cách dùng màu vừa bắt kịp xu thế hiện đại lại vừa kế thừa truyền thống giản dị, giúp linh hoạt trong sắp xếp vật dụng và trang trí hơn. Cách dùng màu trung tính cũng giúp khắc phục tình trạng “ô nhiễm thị giác” bởi cảnh quan đô thị chung quanh, với sự kết hợp thêm các biện pháp dùng cây xanh, kính mờ, lam chắn nắng… như những tấm rèm che chắn cho tầm nhìn từ trong ra hạn chế bớt lại, hoặc chỉ nhìn thấy những gì… dễ nhìn mà thôi.
Cách dùng màu tạo sinh khí còn liên quan đến cân bằng âm dương theo hướng khí hậu. Những hướng nắng gắt (như tây nam, tây) thường cần giảm bớt độ chói cũng như độ hút nhiệt, nên cần dùng những màu nhạt và phối hợp có chuyển tiếp trên bề mặt nhám, tránh phản quang. Trong khi đó những hướng ánh sáng yếu hơn hoặc thời gian nhận sáng không nhiều trong ngày (như hướng bắc, đông bắc) thì nên dùng những màu tươi sáng và có phối hợp màu tương phản.
Những hướng đón ánh sáng mạnh với góc chiếu sáng cao (như đông nam, nam) thì có thể dùng màu đậm đà và đa dạng hơn, thậm chí những màu mang tính truyền thống như đỏ bã trầu, vàng đất sậm, xanh rêu… mà nhà xưa lẫn nhà Tây ở Hà Nội, Hội An đều dùng khá hiệu quả, tạo cảm giác mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông.
Đỏ, hồng, cam và các màu lân cận là hiện thân của hành Hỏa. Khi giảm độ tươi sáng và độ chói, tính Hỏa cũng được giảm bớt và những màu này có thể mang thêm thuộc tính của Thổ (được Hỏa tương sinh, bình hòa, dịu mà không lạnh như Kim hay Thủy, tươi mà không nóng như Hỏa, Mộc). Màu Thổ còn là những màu của vật liệu tự nhiên như màu gạch trần, sỏi đá.
- Xem thêm: Khoảng trống, sắc màu và hình ảnh
Một số hãng sơn hiện nay đã đi sâu nghiên cứu các xu hướng màu sắc ảnh hưởng như thế nào đến tâm sinh lý người sử dụng, đưa ra những bảng màu tiêu biểu, mang sắc thái riêng theo từng năm, từng chủ đề liên quan đến lối sống và xã hội, cũng là một dạng văn hóa ứng xử.
Sự hài hòa màu sắc luôn là yếu tố quan trọng, trong đó sự hài hòa với tự nhiên, thể hiện trung thực chất liệu và sắc thái thiên nhiên sẽ giúp bề mặt nội ngoại thất công trình “dễ thở” hơn là những ngôi nhà được phủ “phấn son” quá nhiều.