Để đến được cao nguyên Alishan – nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng của Đài Loan, đoàn chúng tôi phải vượt qua 49 đoạn đường hầm, 77 cây cầu và khá nhiều đoạn đèo hiểm hóc với những khúc cua vô cùng ngoạn mục.
Quả thật, vùng đất trồng trà danh tiếng này đã không làm mọi người thất vọng với phong cảnh núi non hùng vĩ, những rừng cây, rừng hoa muôn màu muôn vẻ và khí hậu dịu mát trong lành.
Hấp dẫn đường lên núi
Là một dải đồi núi gồm hơn 20 ngọn, đỉnh cao nhất ở Alishan mang tên Đại Tháp Sơn có chiều cao 2.663m. Vào những ngày cuối tuần, dịp năm mới hay Lễ hội hoa anh đào, cao nguyên Alishan luôn tấp nập du khách. Nhiều gia đình, nhóm bạn còn mang theo lều bạt, dụng cụ nấu nướng, cắm trại để cùng nhau thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên.
Cung đường dài 70km quanh co từ thành phố Chiayi đến Alishan sẽ đưa du khách từ độ cao 30m lên đến độ cao 2.600m so với mực nước biển. Những ai không thích ngồi trên ôtô hoặc xe gắn máy để vượt qua chặng đường thử thách thần kinh đó có thể đi tàu hỏa.
- Xem thêm: Thăm Cửu Phần, làng cổ bên sườn núi
Tuy nhiên, nếu muốn đi tàu hỏa du khách thường phải xếp hàng lâu mới mua được vé. Sự chờ đợi kể ra cũng xứng đáng vì đoạn đường sắt có tuổi đời gần trăm năm này là một trong ba tuyến đường sắt xuyên rừng hiếm hoi còn lại trên thế giới.
Từ Chiayi, đoạn đường ban đầu khá bằng phẳng trước khi lên đến độ cao 200m. Bắt đầu từ trạm Oingjena, đường lên núi trở nên ngoạn mục với những đoạn ziczac đến thót tim. Bù lại, phong cảnh hai bên đường đẹp mê hồn. Hình ảnh đoàn tàu màu đỏ thẫm chạy giữa rừng hoa anh đào hồng phớt bạt ngàn trong mùa xuân là một biểu tượng nổi tiếng của Alishan.
Chúng tôi đến đây vào cuối xuân nên hoa đào chỉ còn lác đác. Giữa màu xanh vời vợi của núi rừng, đoàn tàu và những chiếc cầu được sơn màu đỏ rực luôn đập vào mắt du khách như để nhắc nhở sự hiện diện của con người nơi gió núi mây ngàn.
Có lẽ không có gì tinh khiết như ban mai miền núi cao. Bầu trời Alishan trong xanh vời vợi, màu nắng vàng thật nhẹ chỉ đủ làm bừng sáng mọi cảnh vật chứ không làm tan những cơn gió lạnh hây hây. Cao nguyên trồng trà này còn nổi tiếng với những đám mây lơ lửng tầm thấp làm cho người ta có cảm giác như bước đi trong mây. Bên cạnh phố núi duyên dáng với dãy nhà gỗ lợp ngói nâu ấm áp, khu vực tham quan chính của Alishan (Alishan National Recreation Area) sau một lúc im ắng bỗng rộn lên tiếng chim hót líu lo.
Theo lời người bạn địa phương, vẻ đẹp của Alishan thay đổi theo từng giờ khắc trong ngày nhưng quyến rũ nhất ở đây là cảnh bình minh và hoàng hôn. Nơi trời và đất gần nhau như thế này, vẻ huy hoàng của vầng thái dương buổi hừng đông hay lúc ngày tàn vô cùng lộng lẫy.
- Xem thêm: Võ Di Sơn – Di sản kép và một giấc mơ
Nhiều người cất công dậy từ 3 giờ sáng để lên đỉnh Đại Tháp Sơn ngắm mặt trời mọc. Khi những ánh nắng đầu tiên bắt đầu xuyên qua làn mây và sương mù, vầng thái dương cũng xuất hiện làm ửng hồng phía chân trời. Khi mặt trời lên cao hơn, cả ngọn núi chìm trong biển ánh sáng màu cam đỏ rực rỡ, xa xa là biển mây trắng bềnh bồng trải dài đến ngút mắt.
Những báu vật của rừng già
Dưới mặt đất, trải dài khắp cao nguyên là vô số loài cây khác nhau. Cảnh vật hai bên con đường mòn thay đổi liên tục khiến du khách yêu thiên nhiên càng lúc càng thấy hào hứng. Alishan nổi tiếng với những rừng thông cao vút, thân cây thẳng tắp vươn thẳng lên trời.
Tuy là rừng cây do người trồng nhưng trông vẫn rất tự nhiên, có cả các con đường lát gỗ thơ mộng uốn lượn qua những rặng cây đầy sức sống. Thi thoảng lại có vài cây cầu gỗ nhỏ duyên dáng bắc qua lạch nước trong veo đầy sỏi trắng.
Ở trên núi cao, không khí loãng, nếu cơ thể không đủ sức khỏe thì việc bước từng bước lên bậc thang sẽ trở thành cực hình. Mỗi bước đi lên khiến nhiều người cảm thấy khó thở và các cơ bắp như rã rời. May thay nhờ có cảnh rừng đẹp như chốn thần tiên với những hồ nước xanh trong soi được mặt người nên những vị khách phương xa phần nào cũng cảm thấy phấn chấn hơn.
Ngành du lịch ở đây chăm sóc và bảo tồn cảnh quan rất tốt. Con đường rợp bóng thông đưa cả đoàn đến Sister Pond (ao Tỷ Muội). Trên mặt ao xanh ngắt, hai mái tranh như hai chị em gái nép vào nhau, bao quanh là những hàng cây rủ bóng xuống mặt nước trông thật êm đềm.
Lững thững đi bộ một hồi, chúng tôi được lắm phen ngạc nhiên trước hình thù đặc biệt của nhiều gốc cây chết khô. Ấn tượng nhất là hai gốc cây khô tạo thành hình trái tim luôn thu hút các đôi tình nhân đến chụp hình! Alishan cũng được coi là vương quốc của những cây đại thụ mà người dân địa phương gọi là cây thần.
Không hiếm cây có tuổi thọ lên đến 700-800 năm, một số cây đã sống 1.500 năm, cây già nhất ở đây là 3.000 năm. Đặc sản thứ hai ở đây là suối nước nóng thiên nhiên. Ngoài những suối nằm trong khu trị liệu, vùng này vẫn còn nhiều điểm tắm suối nóng lộ thiên, lý tưởng nhất là ở những nơi núi non trập chùng bao quanh.
Ngoài những điểm phải trả tiền do đã được đầu tư hạ tầng, rừng núi Đài Loan còn vô số những suối nước nóng chưa được khai thác. Tuy việc đi đến những nơi này còn khó khăn nhưng nhiều người vẫn lặn lội tìm đến để được tận hưởng dòng nước hoàn toàn tinh khiết và khoáng chất tràn trề.
Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục vượt đèo đi qua rừng quốc gia Yushan để đến hồ Nhật Nguyệt, một thắng cảnh nổi tiếng khác của Đài Loan, nơi ngày trước Tưởng Giới Thạch thường đến đây câu cá. Cảnh vật núi non hai bên đường cũng kỳ vĩ không kém đường lên Alishan.
Đến hồ khi ngày sắp tàn, mặt nước xanh thẫm đã bắt đầu phản chiếu ánh đèn le lói từ những ngôi nhà ven bờ, những cơn gió đã bắt đầu mang theo hơi lạnh. Hồ Nhật Nguyệt nằm ở độ cao khoảng gần 800m so với mực nước biển, được bao quanh bởi trùng trùng đồi núi. Con đường đèo quanh hồ dài khoảng 30km rất đẹp và thuận lợi cho những ai thích đạp xe hoặc dạo bộ.
- Xem thêm: Rừng xanh tuyết trắng Cửu Trại Câu
Có khá nhiều đoạn đường đi bộ ngăn ngắn để du khách có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp hữu tình của hồ mà không bị khuất tầm mắt. Vào buổi chiều tà, nhiều đôi lứa lãng mạn thuê chiếc thuyền nhỏ dành cho hai người, rồi cùng nhau chèo ra giữa hồ nước lung linh đón hoàng hôn xuống.
Nơi đẹp nhất để ngắm hồ Nhật Nguyệt là tháp Cihen. Từ tầng cao nhất, du khách ngắm được toàn cảnh hồ nằm giữa một vùng núi non trùng điệp. Cuối ngày, mọi người đến với đền Quan Công nằm tựa lưng vào núi, mặt hướng ra hồ. Ngôi đền bề thế sực nức hương khói này là điểm nhấn làm bức tranh cao nguyên như sống động và ấm áp hơn.