Nằm trên sườn núi sát bờ biển ở cực bắc Đài Loan, Cửu Phần là một ngôi làng cổ có vị trí “ỷ sơn diện hải” (dựa vào núi, nhìn ra biển) rất độc đáo. Làng này còn giữ lại nhiều kiến trúc cổ xưa, cùng phong cách sinh hoạt, văn hóa ẩm thực riêng biệt của địa phương, cộng với cảnh quan xinh đẹp, nên từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn ở Đài Loan.
Tại sao gọi là Cửu Phần?
Thủ phủ Đài Bắc nằm ở phía bắc đảo Đài Loan, nên từ đó đi đến Cửu Phần không xa lắm. Chúng tôi đi xe bus lên thành phố cảng Cao Hùng, từ đó rẽ phải một quãng đường thì đến Cửu Phần. Vì làng nằm trên sườn núi, nên xe bus phải dừng lại ở bến đỗ dưới chân núi, để du khách đi bộ vào làng. Bước vào làng là phải theo con đường bậc thang đi dần lên trên.
Cảm giác đầu tiên của tôi là rất ngạc nhiên và thú vị, vì cảnh quan ở đây khác hẳn với thế giới bên ngoài. Tuy Cửu Phần được gọi là thôn (làng) nhưng thực tế đây là một thị trấn phố núi rất náo nhiệt, đường phố chật hẹp, nhà cửa bé nhỏ san sát bên nhau, nhưng chỗ nào cũng đầy hàng quán mua bán tấp nập, đông nghẹt du khách.
Cửu Phần là một làng thuộc thị trấn Thụy Phương, huyện Đài Bắc. Dưới thời nhà Thanh, làng này chỉ có chín hộ sống trên sườn núi. Vì chưa có giao thông đường bộ, nên việc mua bán, tiếp tế phẩm vật cho làng đều thông qua các ghe thuyền đường biển. Mỗi lần dân làng muốn mua một món gì, đều đặt mua chín suất (cửu phần). Từ đó, theo thói quen, người ta gọi làng này là Cửu Phần.
Năm 1893, người ta phát hiện được nhiều mỏ vàng ở vùng này. Công cuộc khai thác vàng đặc biệt phát triển dưới thời cai trị của quân phiệt Nhật (1895-1945), giúp Cửu Phần từ một làng nghèo nàn và lạc hậu trở thành thị trấn náo nhiệt với 4 ngàn hộ dân. Sau chiến tranh Thế giới thứ Hai, việc khai thác vàng giảm dần và đến năm 1971 thì chấm dứt. Từ đó, Cửu Phần bị rơi vào quên lãng.
Năm 1989, bộ phim Bi tình thành thị (Thành phố buồn) của Đài Loan được giải thưởng ở Liên hoan phim quốc tế Venise. Phim lấy thị trấn Cửu Phần làm bối cảnh, gây tiếng vang lớn ở Đài Loan. Quang cảnh cổ xưa được thể hiện trong phim cộng với sự quảng bá của các phương tiện truyền thông đã thu hút sự chú ý của các nghệ sĩ, các học giả và đông đảo công chúng.
Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, Cửu Phần trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn, du khách từ khắp nơi ở Đài Loan và các nước Đông Á, Đông Nam Á đến đây ngày càng nhiều.
Con đường thẳng đứng với những mái nhà xưa
Con đường chính ở Cửu Phần có tên là Thụ Kỳ Lộ (đường thẳng đứng và gồ ghề). Con đường rất hẹp, bề ngang chỉ độ 2 mét, gồm các bậc thang toàn bằng đá gra-nit. Nó xuyên suốt thị trấn từ dưới lên trên, men theo sườn núi, do đó mới gọi là đường thẳng đứng (thụ trong thụ lập). Hai bên đường, hàng quán nhà cửa san sát nhau.
Đường hẹp nên không có vỉa hè, các ngôi nhà nhỏ hẹp đều không có sân. Để chống chọi với gió biển và mưa bão, nhà nào cũng xây bằng đá và gạch rất vững chắc, mái lợp hai tầng, bên trên sơn một loại dầu thảo mộc có màu đen như hắc ín, cốt để chống thấm. Du khách đi lên các bậc thang, dừng lại để ngắm nhìn phía dưới, thấy tầng tầng lớp lớp ngôi nhà cổ với mái nhà màu đen, hình thành một quang cảnh rất độc đáo không nơi nào có.
Ngoài con đường thẳng đứng, còn hai con đường song song cắt ngang Thụ Kỳ Lộ. Đó là Khinh Tiên Lộ và Cổ Sơn Nhai. Trên hai con đường này có nhiều trà quán, hiệu bánh, tiệm ăn, rạp hát, nhà bảo tàng về khai thác vàng, phòng triển lãm nghệ thuật dân gian Cửu Phần, vài ngôi chùa và miếu thờ Thành hoàng. Có quán ăn nổi tiếng lấy luôn tên phim Bi tình thành thị đặt cho cửa hàng của mình.
Đài Loan là thuộc địa của Nhật suốt 50 năm. Trong chiến tranh Thế giới thứ Hai, quân phiệt Nhật lập tại Cửu Phần một trại giam giữ tù binh thuộc các nước đồng minh (trong đó có nhiều lính Anh) và bắt họ lao động trong các mỏ vàng. Do đó, xen lẫn vào các ngôi nhà xây theo lối kiến trúc truyền thống của người Trung Hoa, còn có một số nhà theo lối kiến trúc Nhật với những cánh cửa lùa và sàn nhà lát gỗ.
Về ẩm thực, Cửu Phần có một thực đơn phong phú gồm nhiều đặc sản. Nhưng hấp dẫn nhất là các loại bánh chế biến từ khoai (khoai môn, khoai sọ) với hương vị rất đặc biệt, nổi tiếng khắp Đài Loan. Cửa hàng bánh nhiều vô kể, trước mỗi cửa hàng đều bày ra các loại bánh được cắt nhỏ để du khách nếm thử trước khi mua. Du khách nối đuôi nhau nếm thử từ tiệm này sang tiệm khác. Tôi cũng làm theo mọi người, ăn thử mỗi loại bánh một mẩu. Sau khi ghé qua gần một chục cửa hàng như thế, tôi dừng lại để uống một chén trà Ô Long, thế là no căng cả bụng.
Đặc khu phong cảnh Dã Liễu
Rời thôn Cửu Phần, chúng tôi trở về thành phố cảng Cơ Long, đi thêm một cây số về phía tây bắc thì đến bãi biển Dã Liễu. Bãi biển này thuộc thôn Dã Liễu, huyện Đài Bắc, được chính quyền Đài Loan quy hoạch thành một “Phong cảnh đặc tình khu”, xây dựng những công trình để bảo vệ và tôn tạo thêm vẻ đẹp của thắng cảnh thiên nhiên, biến nơi này thành một khu du lịch đồng thời cũng là một nơi tham quan nghiên cứu về địa chất học.
Khu phong cảnh Dã Liễu chiếm diện tích 53ha trên bờ biển và 404ha mặt biển, nơi đây các loại tàu thuyền đều không được xâm phạm. Phong cảnh Dã Liễu khiến tôi liên tưởng đến Gành Đá Đĩa ở tỉnh Phú Yên của nước ta. Gành Đá Đĩa là một bãi đá nằm sát biển, diện tích một cây số vuông với nhiều cột đá, phiến đá xếp chồng lên nhau, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Khu phong cảnh Dã Liễu có diện tích rộng lớn hơn nhiều, các hòn đá với nhiều hình thù kỳ lạ đều nằm trên bãi cát hoặc ngoài khơi. Do sự bào mòn của gió và cát, sự xâm thực của sóng biển, sự tích lũy xác của các loài sinh vật trên biển nên trên bãi biển đã hình thành nhiều lớp hóa thạch, nhiều tảng đá với hình thù rất đa dạng và đẹp mắt, tạo thành kỳ quan thiên nhiên hiếm có.
Tiêu biểu nhất là hòn đá giống đầu của thiếu nữ, được đặt tên là “Gương mặt của nữ vương”. Có những hòn đá giống như những củ gừng, những chiếc nấm mọc trên bãi cát, cái tổ ong, những ngọn nến với cái bấc ở trên. Có tảng đá hình con rùa biển, con cá chép, con voi, con chim ngâm mình dưới nước. Lại có chiếc cầu đá thiên nhiên nối liền hai ngọn đá với nhau. Có hòn đá như chiếc dép, được gọi là “Tiên Nữ Hài”.