Sau ba chặng bay TP. Hồ Chí Minh – Thượng Hải – Thành Đô – Cửu Hoàng (tên phi trường ở khu vực này, được ghép từ hai di sản thiên nhiên thế giới là Cửu Trại và Hoàng Long), chưa kể nhiều lần phải hoãn giờ bay vì bão tuyết, cuối cùng chúng tôi cũng đến được huyện Tùng Phan thuộc châu tự trị Khương A Bá của dân tộc Tạng, phía bắc tỉnh Tứ Xuyên. Từ đây tới Cửu Trại Câu phải vượt hơn trăm cây số đường núi mà hầu hết đã phủ tuyết trắng xóa dù trời đang vào thu.
Với du khách đến từ xứ nhiệt đới Việt Nam, đây là dịp được ngắm nhìn từng lớp bông trắng dày đặc đọng trên nhánh cây ngọn cỏ và những hạt tuyết li ti bay lất phất trong buổi sáng rực rỡ nắng vàng.
Chỉ có cánh tài xế là vất vả vì phải quấn xích vào bánh xe đề phòng tuyết tan khiến đường trơn trợt, không thể điều khiển được xe. Như minh chứng cho sự bất trắc này, khi đi trên đường đèo có thể nhìn thấy không ít trường hợp xe bị trượt hẳn ra lề đường.
Sáng sớm, hòa mình vào dòng người chúng tôi đến cửa ngõ Cửu Trại Câu. Theo anh hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc: “Cửu Trại mở cửa đón khách quanh năm bởi mùa nào cũng đẹp.
Mùa xuân, hoa đào nở rực rỡ nghiêng mình đung đưa trên làn nước xanh biếc. Mùa hạ, mây trắng, trời xanh, nắng vàng phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng như tấm gương. Mùa đông, khắp nơi tuyết trắng xóa, xen giữa là dòng nước xanh thẳm đẹp như trong cổ tích.
- Xem thêm: Biển Hoa anh đào nở rực rỡ ở Trung Quốc
Song khách đến đông nhất vẫn là vào mùa thu, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, khi lá phong, lá cây bu lô chuyển sắc màu từng ngày tạo nên những mảng hoa văn vàng đỏ nổi bật trên thảm lá xanh của rừng khiến cảnh vật trở thành bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Thời gian này, mỗi ngày Cửu Trại đón khoảng 30.000 khách đến từ mọi nơi mà phần đông là khách nội địa”.
Chúng tôi lên chiếc xe du lịch đang chờ đón khách ngay cổng ra vào, bắt đầu cuộc hành trình khám phá Cửu Trại Câu sau khi đã tham khảo bản đồ du lịch do ban quản lý cung cấp.
Đây là một trong hàng trăm xe loại 45 chỗ hoạt động liên tục từ sáng sớm đến chiều tối, phục vụ khách đi lại thăm thú trong khu vực, mỗi xe có một hướng dẫn viên mặc trang phục dân tộc Tạng thuyết minh rất chuẩn suốt tuyến.
Ở độ cao 2.000 – 3200m so với mặt biển, khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại nằm trong một thung lũng dài hơn 5km với 108 hồ nước, những thác nước hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh, vây quanh là những dãy núi quanh năm tuyết phủ.
- Xem thêm: Chuyện ở Chu Trang
Cửu Trại đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 1992 và được ngành du lịch Trung Quốc xếp hạng 5 sao.
Do nơi đây có chín ngôi làng của người dân tộc Tạng sinh sống ven hồ nước nên được gọi là Cửu Trại Câu (“cửu trại” là chín làng, “câu” là hồ nước trong thung lũng).
Chuyện cổ kể lại rằng: ngày xưa, để chứng minh tình yêu của mình, nam thần Đạt Qua đã dùng gió và trăng làm nên một tấm gương tặng nữ thần Yêu Lạc Sắc Mô.
Không lâu sau, vì bất cẩn nữ thần đã làm vỡ tấm gương, những mảnh vỡ của gương rơi xuống trần gian biến thành 108 hồ nước, tạo thành cảnh đẹp tuyệt vời Cửu Trại Câu ngày nay.
Dân gian Trung Quốc có câu “Cửu Trại tại quy lai bất khan thủy” có nghĩa ai đã từng tới Cửu Trại Câu thì không cần đi ngắm thêm hồ nước nào khác.
Một trong những hồ nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách tới chiêm ngưỡng là hồ Ngũ Hoa với màu nước biếc trong vắt đến kỳ lạ, là điểm nhấn giữa cảnh sắc tuyệt mỹ được tạo bởi thảm lá đỏ, vàng của rừng cây cùng đồi núi còn hoang sơ nguyên thủy.
Người ta cũng khó bỏ qua Trân Châu Than, ngọn thác hoang dã nhất trong số 17 thác nước của Cửu Trại Câu.
Thác là điểm hội tụ của những dòng suối, hồ nước trên dãy núi cao 2.700m; từ đó nó chia ra hàng trăm thác nhỏ tuôn chảy tung trắng xóa một khe núi rộng 310m trước khi đổ ầm ì xuống vực sâu cao 28m suốt ngày đêm, tạo thành bức rèm nước khổng lồ.
Nằm án ngữ trước cánh rừng nguyên sinh đã chuyển sang màu vàng rực rỡ, thác là nơi lý tưởng để du khách đi dạo và có thể bắt gặp sóc, thỏ chạy tung tăng đây đó.
Trong khi nhiều người dành trọn thời gian trong ngày ghé thăm hầu hết hồ nước, thác nước, rừng hoang dã trên độ cao 2.500m, chúng tôi quyết định lên hồ Trường Hải ở độ cao 3.103m – vị trí cao nhất và là điểm tận cùng trong hệ thống du lịch Cửu Trại Câu – dù nhiệt độ ngoài trời xuống -5oC và tuyết trải bông trên dãy núi bên đường đèo, trên lối đi và cả rừng cây tuyết tùng cũng oằn mình dưới lớp tuyết trắng nặng trĩu.
- Xem thêm: 1.300 năm, Phượng Hoàng cổ trấn
Điều đáng ngạc nhiên là dù không gian lạnh giá song mặt hồ Trường Hải xám xịt vẫn không đóng băng. Đây là hồ lớn nhất của Cửu Trại Câu với chu vi 7,5km, sâu 103m và nước hồ được tích tụ từ băng tan trên những đỉnh núi chung quanh.
Theo con đường bằng gỗ dưới rừng cây bám đầy tuyết trắng, chúng tôi xuống hồ Ngũ Sắc, một hồ nhỏ nằm trên độ cao 2.800m so với mặt biển, được đặt tên như thế bởi mặt hồ biến đổi sắc màu theo từng mùa và không đóng băng vào mùa đông lạnh lẽo.
Lần đầu tới “thiên đường hạ giới” Cửu Trại Câu, chúng tôi may mắn được chiêm ngưỡng nhiều cảnh sắc chỉ trong một ngày: cây lá chuyển màu của mùa thu, tuyết rơi vào mùa đông và trời trong, nắng vàng, mây bàng bạc khi hè về.
Không chỉ có thế, nơi này còn khiến chúng tôi phải khâm phục về trình độ quản lý và làm du lịch của địa phương.
Từ đường sá, những chiếc xe vận chuyển du khách, hướng dẫn viên, trạm đưa đón, những cầu gỗ dẫn vào điểm tham quan cho tới nhà nghỉ chân, nơi ngắm cảnh, khu vực vệ sinh… mọi thứ đều được sắp xếp tinh tế, an toàn, tiện nghi, sạch sẽ và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.