Xao xuyến vịnh Xuân Đài
Vịnh Xuân Đài sừng sững trước mặt, vịnh rông 13.000ha, dài rộng 50km, nối liền với biển Đông bằng cửa Tiên Sơn rộng 4,4km. Trời biển mênh mông, du khách như quên hết bụi trần.
Từ thị xã Sông Cầu, chúng tôi xuống thuyền du ngoại trên vịnh. Ba mặt vịnh là những dải núi bao bọc, dưới chân Hòn Bồ và núi Mù U có các bãi Lỗ Tra, bãi Than, bãi Nhàu, bãi Bàng… Các bãi biển này có diện tích không lớn nhưng đủ để khách thư giãn, ngắm cảnh và trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, biển cả. Gần đó là những làng chài, thị tứ nhỏ với nghề ủ chượp làm nước mắm, dân cư chen chúc nhưng vẫn thân thiện với thiên nhiên, giữ nguyên cho vịnh vẻ đẹp nguyên sơ.
Trên vịnh có những bè nuôi tạm tôm hùm giống, hỏi hướng dẫn viên bản địa mới biết tỉnh Phú Yên còn là trung tâm cung cấp tôm hùm giống cho miền Trung. Tôm hùm đã nuôi nhân tạo thành công, nhưng chưa sinh sản được, tôm giống vẫn phải đánh bắt ngoài thiên nhiên.
Ngược dòng lịch sử, dưới thời triều Nguyễn, Vịnh Xuân Đài trước đây có tên gọi là Bà Đài, một thời từng là trung tâm hành chính của tỉnh Phú Yên. Trong thời kỳ giao tranh giữa nhà Tây Sơn với nhà Nguyễn, Vịnh Xuân Đài đã diễn ra trận thủy chiến quyết định, quân của chúa Nguyễn Ánh đánh tan lá chắn cuối cùng của Trần Quang Diệu, từ đó tiến thẳng ra Phú Xuân.
Vịnh Xuân Đài cũng là nơi diễn ra cuộc giao tiếp đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Năm 1832, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ mang theo thư tay của Tổng thống Andrew Jackson đến Vũng Lắm, phía Bắc vịnh. Vua Minh Mạng cử viên Ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức đến cùng Tuần phủ tỉnh Phú Yên lên thuyền dự tiệc và hỏi mục đích họ đến đây để làm gì. Phái đoàn Hoa Kỳ cho biết họ đến đây chỉ để xin giao hảo và thông thương. Rất tiếc, vua quan nhà Nguyễn ngu muội không hề phúc đáp; nếu sớm mở cửa, Việt Nam sẽ đi theo con đường của Minh Trị Thiên Hoàng, sử cận đại Việt Nam có thể phải viết lại.
- Xem thêm: Điều lạ ở vùng “đất Phú, trời Yên”
Tháng 4 năm 1945, tàu hải quân của quân đội Nhật Hoàng đã lẩn tránh vào Vịnh Xuân Đài nhưng đã bị phi cơ Đồng minh bắn chìm giữa vịnh. Thân tàu chìm khuất dưới nước sâu, nhưng chỗ sâu nhất của vịnh cũng chỉ 18m, nên cột cờ tàu vẫn còn nhô lên. Cho đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước vẫn còn nhìn thấy được. Cuối Thế chiến II, những tàu Nhật bỏ trốn thường chở theo vàng mà chúng vơ vét được, thế mà chẳng thấy ai trục vớt cả.
Từ một điểm có vị trí chiến lược trong lịch sử, Vịnh Xuân Đài nhu đã bị lãng quên, mãi đến năm 2011 mới được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia.
Phòng VH-TT-DL thị xã Sông Cầu đã cử cô hướng dẫn viên tên Trang trẻ trung và dễ thương hướng dẫn đoàn. Những kiến thức sâu rộng của cô đối với quê hương mình đã giúp ích cho tôi rất nhiều kiến thức về vùng đất này.
Đến gần trưa, du thuyền đưa khách về bến thì gặp sự cố. Do thủy triều xuống, du thuyền không thể cập bến được, nhà thuyền phải dùng thuyền thúng chở tứng nhóm nhỏ 4 người một, nhưng cũng thất bại. Hôm nay là ngày 13 thứ Sáu (Friday), khiến tôi liên tưởng đến chuyên phiêu lưu của Robinson mà tôi đọc từ thuở nhỏ. Robinson trôi dạt trên hoang đảo cũng vào ngày thứ Sáu, ông đã thu nạp một thổ dân trên đảo làm đệ tử và đặt tên là Friday. May sao, du thuyền loanh quanh trên vịnh cả tiếng rồi cũng tìm được bãi đáp.
Trên đường về, chúng tôi nhận được tin 5 thanh niên tứ tỉnh Bình Định láng giềng sang tắm đã chết đuối, khiến tôi thấy hôm nay đúng là “Ngày thứ Sáu” đen.
Rời Vịnh Xuân Đài, đoàn du khảo Famtrip ăn trưa tại trạm dừng chân Astop, rồi tiếp tục hành trình ngược về hướng Nam dọc theo QL1A.
Phá Tam Giang và đầm Ô Loan
Vào địa giới huyện Tuy An không xa là phá Tam Giang. Phá Tam Giang bắt nguồn từ sông Cái, thị xã Sông Cầu, là nguồn tưới tiêu quan trọng cung cấp cho vùng Bắc Tuy An, nhưng khi mùa khô, nước mặn trào ngược, không thể dùng để tưới được. Năm 2011, tỉnh Phú Yên đã cho xây con đập xi-măng dài 800m, đảm bảo cho lưu vực trồng được thêm vụ, lại tạo cảnh quan du lịch.
Dưới chân đèo Quán Cau, nằm cạnh QL1A, cách TP Tuy Hòa 22km về phía Bắc là đầm Ô Loan. Đầm Ô Loan là đầm nước lợ, diện tích 1.570ha, nằm trọn trong đất liền, chỉ thông với biển bằng một cửa hẹp. Mặt đầm rộng, từng làn sóng gợn lăn tăn theo gió, những ruộng mía xanh ngắt trên những dải đồi thấp. Tiếp đó là những bãi cát vàng óng và rừng phi lao chạy dọc theo bờ nước, đây cũng là nơi trú ẩn của các loài chim nước như: le le, bồ nông, cò, vịt… Quanh đầm có nhiều nhà bè nuôi thủy sản.
Đặc sản đầm Ô Loan nổi tiếng nhất là sò huyết, giòn và rất ngọt, hơn hẳn sò huyết nơi khác. Đầm còn có đặc sản là hàu và cua huỳnh đế. Hàu sống dựa vào các tảng đá ngập mặn, có cạnh rất sắc. Thịt hàu dùng để nấu cháo, chiên trứng, nấu canh, xào, nhưng ngon và hấp dẫn nhất là món hàu tái trộn gỏi. Nhà thơ nổi tiếng sành ăn Tản Đà (1889-1939) đã từng đi khắp nước, ăn khắp nơi, đến Phú Yên nếm món ngon vật lạ cũng khen rằng: “Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”. Ngoài ra, đầm Ô Loan còn có món đặc sản là cua huỳnh đế với mai màu đỏ hoặc vàng đậm.
Mặt trời lặn trên đầm Ô Loan là cảnh tuyệt đẹp.
Ghềnh Đá Đĩa
Từ Vịnh Xuân Đài đi khoảng 15km, cách TP. Tuy Hòa 30km, đến thị trấn Chí Thạnh, rẽ trái 12km theo con đường mới xây là đến ghềnh (hoặc gành) Đá Đĩa. Trời nắng cháy da, đất đai màu mỡ đã nhường chỗ cho đá. Đá của trời cho, nên nhà nào cũng dùng đá lát sân, đá lát tường, đá xây nhà, hàng rào đá… xếp khéo léo không cần chất kết dính.
Ghềnh Đá Đĩa là một bãi đá nhô ra biển, rộng khoảng 50 m và trải dài hơn 200m. Nhìn từ xa, ghềnh Đá Đĩa gồm những ô hình lục giác, như một tổ ong khổng lồ, đen huyền, nổi bật giữa màu xanh của biển. Khi đến gần, ghềnh trông giống những chồng đĩa mới ra lò trong các lò gốm, tôi thấy giống thần biển đang chơi trò chơi LEGO (xếp hình). Ghềnh được hình thành từ núi lửa trào phún, qua hàng trăm triệu năm mài mòn của sóng biển và gió cát, nhưng có được ghềnh đẹp như có bàn tay sắp xếp chỉ có thể giải thích là quà tặng của thiên nhiên.
- Xem thêm: Sông Cầu, thị xã dừa bên vịnh Xuân Đài
Loại kiến tạo địa hình như gành Đá Đĩa trên thế giới có thể thấy ở bờ biển Đông Bắc Ireland, ghềnh đá Órganos ở đảo La Gomera nổi tiếng của Tây Ban Nha, hay ở đảo JeJu của Hàn Quốc. Trong đó, ghềnh đá Órganos nổi như cồn trên bản đồ du lịch thế giới. Tôi từng đến ghềnh đá Cửu Trượng Nhai trên Trường Đảo, nằm ngoài khơi TP Yên Đài, tỉnh Sơn Đông TQ, cao 30m, dài 400m, trông hoành tráng hơn, nhưng chưa chắc đã đẹp bằng ghềnh Đá Đĩa của ta.
Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và bắt đầu được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch, nhưng do địa hình đường sá đi lại phải qua nhiều làng bản mới vào được nên việc đẩy mạnh du lịch tại ghềnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người dân lại biến ghềnh đá thành điểm picnic tự phát với vô số rác thải. Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên, con đường vào ghềnh Đá Đĩa được trải nhựa hoàn toàn với những biển chỉ lối cụ thể. Ghềnh cũng đã được làm sạch, nạo vét và thu nhặt rác bẩn.
Đến nay, ghềnh Đá Đĩa vẫn chỉ dừng ở những sản phẩm du lịch do du khách tự tạo như cắm trại, tắm biển, câu cá; tổ chức trại sáng tác nghệ thuật, thơ, hội họa… Xung quanh ghềnh Đá Đĩa, theo tôi thấy vẫn chưa có dịch vụ du lịch nào níu chân du khách ở lại lâu hơn. Người dân địa phương vẫn chủ yếu sống bằng nghề biển mà chưa nắm lấy cơ may làm giàu từ du lịch.
Nếu muốn tắm biển, thì phía Nam ghềnh Đá Đĩa có bãi tắm nước trong vắt, bờ cát hình lưỡi liềm, trắng, sạch và mịn, dài khoảng 3km. Phía Bắc có bãi đá nham thạch rất đẹp trải dài trên 500m, lên đến ghềnh Đèn là cửa Vịnh Xuân Đài. Nếu liên kết các địa danh trên thành một cụm, cùng với nhà thờ Mằng Lăng cách đó không xa, xây dựng thêm nhà hàng khách sạn, ghềnh Đá Đĩa mới có hy vọng thoát khỏi ao làng, trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ.
Cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta
Chỉ cách thị trấn Chí Thạnh 2km, thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, là nhà thờ Mằng Lăng, đã có lịch sử 122 năm, là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam. Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng năm 1892, trong khuôn viên rộng khoảng 5.000m2, rợp bóng cây xanh. Công trình được thiết kế theo lối kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí hài hòa, giản dị nhưng tôn nghiêm; điểm cao nhất nhà thờ là hai tháp chuông, chính giữa là thập tự giá. Nhìn bên ngoài, nhà thờ Mằng Lăng có màu xanh xám, nằm lặng lẽ giữa một vùng quê yên ả tạo nên một khung cảnh yên bình.
Theo các bậc cao niên ở An Thạch, cách đây hơn 100 năm, khu vực An Thạch rất ít dân cư, phủ kín cây rừng, trong đó có một loại cây mọc rất nhiều, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở hoa màu tím hồng gọi là mằng lăng. Hiện dấu vết cây bằng lăng chỉ còn đọng lại trong tên nhà thờ.
Trong khuôn viên nhà thờ Mằng Lăng có một khu hầm nhỏ, được xây dựng công phu trong lòng một quả đồi tự tạo. Từ một lối vào nhỏ hình vuông kê bằng đá lại dẫn vào một không gian khá rộng lớn, mang tới cảm giác huyến bí với vòm hang và những chân trụ trông như những khối thạch nhũ ở vịnh Hạ Long. Khi vào trong hầm, du khách dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh về nhà thờ ngày mới xây dựng, những bức điêu khắc được chạm trổ tinh tế, kể về thánh André Phú Yên, linh mục đầu tiên của nhà thờ Mằng Lăng.
So với các công trình nhà thờ nổi tiếng ở Việt Nam như nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh), nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ Con Gà (Đà Lạt)…, thì quy mô của nhà thờ Mằng Lăng nhỏ hơn và nội thất giản dị hơn. Tuy vậy, đây chính là nơi lưu giữ cuốn giáo lý “Phép giảng tám ngày” của giáo sĩ Alexan de Rhodes mà giáo dân quen gọi là cha Đắc Lộ. Cuốn này đặc biệt hấp dẫn du khách bởi nó là cuốn sách in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Cuốn sách in song ngữ La tinh-Việt vào năm 1651 tại Rome, Ý. Cuốn sách đặt nơi hang động trong lòng quả đồi nhân tạo được bảo tồn nguyên vẹn, du khách có thể đọc được trang dầu qua tủ kính.
Alexan de Rhodes chính là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ông là người Bồ Đào Nha, nhưng văn hóa Bồ Đào Nha để lại dấu ấn ở Việt Nam không nhiều. Cách gọi các ngày trong tuần của ta từ thứ 2 đến thứ 7 chứ không phải từ thứ 1 đến thứ 6 như đại đa số các nước chính là một trong những dấu ấn hiếm hoi đó.