Biết anh Hà Anh Tuấn từ hồi còn học Lê Hồng Phong. Anh lớn hơn hai tuổi, là cây văn nghệ chính của trường, chuyên mặc quần ống rộng, đi thi là đạt giải, tiết mục nào khai giảng hay lễ hội đương nhiên xuất hiện.
Mình cũng nghe và xem qua dự án See Sing Share của Hà Anh Tuấn, nhưng xem thật kỹ là số có Phương Linh, còn lại không xem. Lúc được cô em họ rủ đi xem See Sing Share concert, mình thật sự háo hức. Cái cảm giác được đi xem một concert của Việt Nam, của một ca sĩ thuộc trường phái thực lực nổi tiếng, được mua vé (cô em họ mời), có gì đó vui nhè nhẹ. Rồi khi nghe đêm diễn cháy vé, một cặp vé được chợ đen đẩy lên gấp 5 lần giá gốc, mình thấy may mắn, có chút gì đó đắc ý nữa.
Khán giả lục tục vào muộn. Không có gì lạ. Màn mở màn với chú ngựa bất trị trên sân khấu mang nhiều kịch tính. Là người làm phim, tổ chức sản xuất, mình cứ lo ngay ngáy, lỡ đâu chú ngựa phi một phát xuống khán giả thì ca sĩ đâu mà hát tiếp, khán giả hoảng sao mà xem tiếp. May là màn thót tim đó cũng qua.
Tuấn hát lúc nào cũng hào sảng, giọng vang, dùng nhiều giọng ngực. Nhưng lần này có mấy lần giọng hòa vọng dàn bè như hát tốp ca. Nhưng về tổng thể là kỹ thuật live rất ổn và giữ sức rất tốt cho đêm diễn kéo dài hơn ba giờ đồng hồ.
Mình có lẽ do không nắm thông tin gì về buổi diễn, nên mình thật sự sốc khi cả một đêm diễn với hơn 30 bài hát, mà chỉ có hai bài thật sự của Tuấn, trong đó có một bài mới. Mình không phản đối việc hát lại nhiều bài cũ, của các ca sĩ khác, nhất là khi đêm diễn mang chủ đề những tình khúc của thời thanh xuân. Mình đã xúc động khi nghe Tiếc nuối, rồi Dẫu có lỗi lầm ở phần mở màn. Nhưng rồi đêm nhạc, câu chuyện về thời thanh xuân từ đó cứ trôi dần bởi cảm giác quá tải. Nếu lấy món ăn làm ví dụ, thì có thể lấy món xôi Yến ở Hà Nội để so sánh.
Nó giống như một người lâu không ra Hà Nội, thích ăn xôi, ra hàng xôi Yến và gọi tất cả thịt kho, patê, giò, chả… Cái cảm giác ngán đến thở dài như khi ăn được nửa bát xôi cũng giống với cảm giác khi nghe một mạch ba ca khúc nhạc phim Hàn của Song Hye Kyo, với màn hình chiếu những trích đoạn trong Trái tim mùa thu, Ngôi nhà hạnh phúc, Hậu duệ mặt trời trong đêm diễn. Hoặc đến khi nghe một loạt ca khúc nhạc Hoa, và đỉnh điểm là bài hát chủ đề của Tây Du Ký, mình có cảm giác như phần nối dài của một buổi gặp mặt hàn huyên giữa bạn cũ, ôn lại kỷ niệm, hết chuyện mà vẫn phải tìm chuyện để ôn.
Những bài hát của Lam Trường, Duy Mạnh, Lý Hải, rồi cả Chiếc khăn gió ấm, đều là những bài hát mình thích (những lúc cần sến), hoặc thân quen, gắn với nhiều kỷ niệm. Nhưng cái cảm giác cần sến, thỉnh thoảng cần bật một vài bài nghe lại rất khác với việc nghe một chùm liên tiếp. Nó thật sự quá tải. Đôi lúc mình hoang mang không biết Hà Anh Tuấn và những người làm chương trình có đang đùa dai hay không? Cảm giác giống hệt lần vào Fang và nghe cái nhóm F-Band hát một chùm không nghỉ các bài của Ưng Hoàng Phúc và chúc các bạn tìm được khách sạn. Thấy bị đùa, thấy nhạt…
Một lúc nào đó tôi cứ chờ Hà Anh Tuấn sẽ đơn giản ngồi hát cùng đàn guitar Dấu phố em qua, Em về tinh khôi, Để dành… những bài hát của một thời thanh xuân đẹp nhất. Nhưng chương trình lại đi theo hướng của những ca khúc năm 2000, sến cả về giai điệu lẫn ca từ nhiều hơn. Cách sử dụng nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng cho những bản phối mới không khiến những ca khúc này sang lên, mà đôi lúc tạo cảm giác lấy thịt đè người. Người nghe (mình) thèm một vài khoảnh khắc thực lòng, tĩnh tại, nhẹ nhàng hơn thay vì bị cuốn theo sự phô diễn của dàn nhạc, bài hát và giọng hát.
Đỉnh điểm của đêm diễn theo như kịch bản và cả cảm nhận là phần xuất hiện của Mỹ Tâm. Giọng chị vẫn hay, nồng nàn, hay anh chị kết hợp cũng ăn ý. Nhưng mỗi tội lại đùa dai, nói qua nói lại nhiều quá khiến sự có duyên của vô duyên đặc trưng lại trở về vô duyên.
Mình vẫn đánh giá cao sự nhiệt tình và nỗ lực của Hà Anh Tuấn và cả ê-kíp khi có thể kéo dài chương trình hơn ba tiếng. Nhưng cứ giá như… Tuấn đã thanh minh ngay đầu chương trình về concept của cả dự án, nhưng mình vẫn thấy lấn cấn. Vì đâu một ca sĩ từng rất tự do, có chất ngông nghênh, có chất nghệ sĩ, có một sự nhạy cảm nhất định lại chọn hát cả một chương trình như thế? Nó không khác gì sự bế tắc của rất nhiều ca sĩ, khi không tìm được chất liệu mới thì lục lọi, lôi ra những bài Bolero để hát, thành phong trào, ai cũng giống ai dù đó không phải là chất nhạc của họ. Liệu có phong trào lôi những ca khúc thanh xuân vườn trường để nhai đi nhai lại hay không?