Sử dụng robot tại các cửa hàng bán lẻ không phải là chuyện mới. Năm 1955, tại một cửa hàng ở Đức, người ta đã trưng bày một robot có thể bật quẹt mồi thuốc lá cho khách và trả lời câu hỏi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Việc mồi thuốc lá ngày nay đã trở thành lỗi thời, và những thế hệ sau của robot này đã được trang bị những kỹ thuật hiện đại và phù hợp hơn trong bối cảnh đời sống kinh tế thế kỷ XXI. Một cửa hàng tại San Jose (Mỹ) đang sử dụng một robot bán hàng tên OSHbot có thể nói hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha, tìm được các mặt hàng, và chỉ trong vài giây, biết được hàng tồn kho còn có những thứ gì. OSHbot cao gần 1,5 mét, được trang bị một máy scan 3D và màn hình cảm ứng. Nó có thể tìm ra những con ốc vít nhỏ để đóng vào chỗ thích hợp, cung cấp thông tin khách hàng cần biết và trả lời những câu hỏi do khách hàng đặt ra. Tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nữ giáo sư Cynthia Breazeal đã chế tạo robot Jibo được mệnh danh là “robot gia đình đầu tiên của thế giới”. Loại người máy này không di chuyển được, nhưng có thể xoay chuyển tại chỗ, trả lời các câu hỏi, đọc truyện và chụp ảnh cho đám đông. Giá thành của các loại robot bán hàng cũng khá chênh lệch. Giá của robot OSHbot gần 150 ngàn USD, trong khi Jibo sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2015 với giá bán chưa đến 500 USD. Trong một tương lai gần, thế hệ robot mới sẽ được đơn giản hóa hơn, người tiêu dùng có thể mua sắm chúng với giá cả phù hợp túi tiền của họ.
Tháng 3-2015, hãng Five Elements Robotics sẽ tung ra thị trường một robot xe đẩy tên Budgee, có thể đi theo các bà nội trợ trong các siêu thị như một người phụ việc, nhất là đối với các người già hay thiểu năng vận động. Còn hãng Knightscope hứa hẹn cho ra đời robot Dalek hoạt động như một tay bảo vệ an ninh, sử dụng một công nghệ tương tự với loại xe tự lái của hãng Google, có thể đọc 300 bảng số xe trong một phút và kêu cảnh sát hay nhân viên bảo vệ trong trường hợp người sử dụng bị tấn công. Về phần mình, Công ty Softbank của Nhật đang thiết kế loại robot Pepper nhận biết được những cảm xúc của con người và phản ứng lại môi trường chung quanh nhờ những thông tin được lưu trữ trong dữ liệu đám mây. Pepper sẽ được bán vào tháng 2 tới đây trên thị trường Nhật Bản với giá khoảng 1.900 USD. Dù sao thì những loại người máy này cũng chỉ là những trợ thủ cho người mua hàng hay bán hàng, chúng chưa thể có những vai trò quan trọng hơn nữa trong việc quyết định chọn lựa hay tư vấn con người trước những vấn đề gai góc trong cuộc sống.
Lê Cẩn theo BBC, Telegraph (DNSGCT)