Rác thải điện tử Hiểm họa đáng báo động

Nhờ sự phát triển về khoa học và công nghệ, cuộc sống của con người ngày nay có đủ trang thiết bị hiện đại được sản xuất hàng loạt từ các cụm linh kiện điện tử và nhựa tổng hợp, nhưng khi không còn được sử dụng nữa thì chính các loại máy móc hiện đại lại trở thành nguồn chất thải rất độc hại đối với môi trường. Rác thải điện tử đang là mối hiểm họa mà nhiều nước phải đối đầu, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đã đến lúc cần xúc tiến các hoạt động tái chế phù hợp nhằm giảm thiểu lượng rác thải điện tử để bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên và nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội.

 

Rác thải điện tử ngày một nhiều nhưng bối rối về cách xử lý

Tại ViệtNam, nguồn thải rác điện tử chủ yếu do doanh nghiệp điện tử trong nước nhập phế liệu từ nước ngoài về để tái chế hoặc do người dân sử dụng thải ra, cứ mỗi năm tăng trung bình 3 – 5%. Nhiều năm qua, mối nguy này đã được cảnh báo, nhưng đến nay việc quản lý và xử lý rác thải điện tử vẫn còn nhiều bất cập.

Các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, máy in, điện thoại di động, đồ chơi điện tử… trở thành vật không thế thiếu trong cuộc sống hôm nay vì vô số chức năng và tiện ích do chúng mang lại đã quá rõ ràng. Do công nghệ thay đổi liên tục, giá của các thiết bị điện tử rẻ hơn trước đây, nhưng vòng đời của chúng cũng ngắn hơn nhiều so với các thế hệ trước, hậu quả là lượng rác thải điện tử ngày càng tăng. Chỉ sau một thời gian sử dụng, có khi chưa hết tuổi thọ thì thiết bị cũ đã bị loại bỏ để thay bằng những thiết bị mới. Vòng đời của một chiếc máy tính đã giảm từ sáu năm xuống còn hai năm, còn vòng đời của một chiếc điện thoại di động chỉ dưới hai năm. Đó là nguyên nhân chính làm cho rác thải điện tử ngày càng gia tăng đáng kể.

Thời gian gần đây, ở nước ta đã có những động thái nhằm khắc phục tình trạng này, nhưng do chưa xây dựng được chế tài cụ thể nên các cơ quan quản lý vẫn còn… loay hoay tìm biện pháp! Mới chỉ có những thông tư tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử và quy định về thu gom rác thải điện tử… do các cơ quan hữu quan ban hành. Bà Nguyễn Thị Như Phương – thành viên Ban Chấp hành Hội Điện tử Việt Nam nhìn nhận: “Việc xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam chưa hiệu quả, hầu như chỉ dựa vào tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và người dân không xả bừa bãi là chính”. Ngay cả một số doanh nghiệp điện tử muốn tìm đối tác để xử lý rác thải theo đúng quy trình cũng vấp phải khó khăn, còn doanh nghiệp nào có trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải điện tử thì làm theo kiểu đối phó là chính, lại chưa được đầu tư trang thiết bị đúng mức nên chỉ xử lý rác thải điện tử như rác thải thông thường. Ông Phan Cao Hiệp – Phó giám đốc Công ty Điện tử Bình Hòa cho biết: “Sản phẩm của công ty chúng tôi chỉ xuất khẩu, không tiêu thụ ở thị trường trong nước nên không phải thu gom. Còn chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thì chúng tôi nhờ tới các nhà máy thu gom đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động. Họ hoạt động đúng chuẩn hay không thì đã có cơ quan chức năng giám sát”.

Việc tái sử dụng chất thải ở ViệtNamnói chung còn rất hạn chế vì hiện vẫn làm theo kiểu thủ công là chính, thiếu an toàn và gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, trong khi các giải pháp xử lý chưa khả thi, chưa đủ lực để xây dựng nhà máy xử lý rác thải điện tử thì thiết nghĩ trước mắt, Nhà nước cần sớm có biện pháp quản lý lực lượng thu gom rác thải điện tử, quy định cách thức xử lý có thể chấp nhận được. Đồng thời, Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ về mặt công nghệ xử lý, đưa ra chế tài quản lý về môi trường đối với những cơ sở và cá nhân làm công việc xử lý rác điện tử, không nên “thả nổi” như hiện nay.

 

Lợi bất cập hại từ rác thải điện tử

Lâu nay, dân ta không có thói quen bỏ đồ điện tử hư ra bãi rác, mà thường bán cho người thu gom ve chai. Sau đó, rác thải điện tử sẽ được “mổ xẻ” để lọc lấy các kim loại quý hiếm nhằm mục đích tái sử dụng. Việc này tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận đông đảo dân nhập cư ở vùng ven nội thành. Cũng đã có một số công ty tiến hành thu gom, phân loại rác thải điện tử nhưng số lượng còn ít, chưa đáng kể. Phần chất thải có thể tái chế thường được đem bán cho những nơi chuyên khai thác, còn phần không tái chế được thì xử lý theo cách chôn lấp, gây nhiều nguy hại về môi trường.

Theo một kết quả điều tra, tổng lượng chất thải công nghiệp điện tử trong toàn quốc lên tới khoảng 1.630 tấn/năm, bao gồm vụn kim loại, dây dẫn điện, bản mạch in hỏng, linh kiện hỏng, chất thải hàn… Những đồ điện tử tiêu dùng như tivi, máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị âm thanh, điện thoại… chiếm 2% trong tổng số toàn bộ rác thải. Dù xét về lượng thì nhỏ nhưng nguy cơ và mức độ độc hại của những loại rác thải này lại rất đáng lo ngại. Nếu không được xử lý đúng cách, những chất cực độc như chì (trong chân các linh kiện, dây cáp…), thủy ngân (có trong bóng đèn tivi, màn hình LCD, plasma…), cadmium (trong pin, tụ điện, biến thế…) từ rác thải điện tử có thể ngấm sâu vào lòng đất và mạch nước ngầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và để lại những hậu họa khôn lường cho môi trường. Kể cả khi được đưa vào các trung tâm tái chế rác thải thì vẫn còn đó những rủi ro. Khi công nhân tháo rời các bộ phận để tái chế, những phần không thể tái chế bị bỏ ở những bãi rác ngoài trời, các hóa chất từ trong thiết bị sẽ rò rỉ ra, thấm vào đất, vào nguồn nước mặt và nước ngầm. Chưa kể việc hầu hết công nhân làm việc này đều theo cách thủ công, dùng búa, đèn xì, tay trần để lấy kim loại, thủy tinh và các chất liệu có thể tái chế khác mà không có thiết bị bảo hộ lao động. Nhiều loại rác thải, tro phát sinh từ việc đốt than bị đổ xuống các con kênh, mương, làm độc hại nước ngầm và nước giếng. Môi trường và sức khỏe của công nhân, của dân cư trong khu vực có rác thải điện tử về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có khi ảnh hưởng đến cả thế hệ sau. Các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng hầu hết rác điện tử như thiết bị điện gia dụng, nghe nhìn, đồ chơi điện tử, viễn thông, thiết bị điện tử y tế… đều có hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, giảm trí nhớ, phát sinh mầm bệnh ung thư…

GS-TSKH Lê Huy Bá – Viện trưởng Viện Khoa học và Môi trường (thuộc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết rằng cách đây khoảng năm, sáu năm, nhóm nghiên cứu khoa học của ông được các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ để tiến hành nghiên cứu dự án xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam. Nhưng đến khi trình bày, dự án ấy đã không được sự đồng tình ủng hộ của cơ quan có thẩm quyền xét duyệt với lý do chưa cần thiết. Từ đó đến nay, ông đã nhiều lần đề cập lại nhưng dự án vẫn không được quan tâm. Ông bày tỏ bức xúc: “Bài học về rác thải điện tử ở các nướcTrung Quốc,Indonesiađáng lẽ phải làm thức tỉnh các nhà quản lý môi trường ViệtNam. Phải hành động ngay từ bây giờ, nếu không, chỉ vài năm nữa ViệtNamsẽ là một bãi rác điện tử khổng lồ”.

Trên thế giới, để đối phó với cuộc khủng hoảng rác điện tử, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia đã đề ra những quy định bắt buộc về quản lý và xử lý rác thải độc hại rất nghiêm ngặt. Một trong những giải pháp giúp giải quyết tận gốc vấn đề rác thải điện tử là gắn trách nhiệm với nhà sản xuất. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng các công cụ kinh tế như đánh thuế chất thải, khuyến khích các cơ sở sản xuất triển khai các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải rắn điện tử tại nguồn. Hướng giải pháp khác cũng quan trọng không kém là xây dựng các cơ sở tái chế, xử lý rác thải điện tử tập trung để thu hồi kim loại và xử lý ổn thỏa các chất thải phát sinh trong quá trình tái chế. Về mặt cá nhân, mỗi người trước khi quyết định loại bỏ thiết bị điện tử đang sử dụng cần phải cân nhắc kỹ và luôn nhớ đến ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ hành tinh xanh này.

Ngân An

Exit mobile version