Sau khi tìm đọc những tác phẩm nổi tiếng Hành trình về phương Đông, Muôn kiếp nhân sinh… nhiều bạn đọc có nhu cầu tìm kiếm những cuốn khác của tác giả Nguyên Phong. Tuy nhiên, có nhiều cuốn như Đường mây trên đất hoa, Đường mây trong cõi mộng… ngay cả chính tác giả cũng không còn giữ bản thảo. Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng First News cũng đã tìm được và cho xuất bản chính thức những cuốn sách nói trên.
Đường mây trên đất hoa là bản ghi chép đầy đủ, công phu về cuộc đời của Hòa thượng Hư Vân, người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo trong những năm loạn lạc, biến động lịch sử.
Hòa thượng Hư Vân họ Tiêu, tên Trai, quê ở huyện Tương Lương, tỉnh Hồ Nam thuộc dòng dõi hậu duệ vua Lương Võ Đế. Hòa thượng Hư Vân ra đời tại tỉnh Phúc Kiến trong bối cảnh lịch sử Trung Hoa có nhiều biến động (1840) và qua đời vào năm 1959. Ngài đã chứng kiến năm triều đại nhà Mãn Thanh, Chiến tranh Nha phiến, Hòa ước Nam Kinh, Chiến tranh Thanh – Nhật, cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc, cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn, đến những thời khắc chuyển giao từ chế độ phong kiến nhà Thanh sang Trung Hoa Dân Quốc, cuộc chiến tranh Nam – Bắc và cuối cùng là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949.
Trong suốt cuộc đời tu tập và hành đạo kéo dài một trăm hai mươi năm, giữa thời cuộc có nhiều biến động, Hòa thượng Hư Vân luôn kiên định tu hành tinh tấn, không quản khó nhọc đóng góp công sức cho việc chấn hưng Phật giáo, đào tạo tăng tài, truyền giới cho hàng trăm ngàn người. Ngài không chỉ đi khắp Trung Hoa hoằng dương Phật pháp mà còn đến cả các nước như Xiêm La (Thái Lan), Tây Tạng, Ấn Độ… Có thể nói, câu chuyện về cuộc đời của Hòa thượng Hư Vân là một di sản hiếm có được để lại cho hậu thế noi gương trên con đường tu tập và gìn giữ Chánh pháp.
Đường mây trên đất hoa do Nguyên Phong và Thích Hằng Đạt phóng tác, có thể được xem là cuốn tự truyện hoàn chỉnh của Hòa thượng Hư Vân. Để có được cuốn sách này, các tác giả đã dịch từ ấn bản tiếng Anh Emty Cloud của Chales Luk (xuất bản năm 1959), kết hợp tham cứu thêm hai ấn bản khác về cuộc đời tu hành và hoằng pháp của Hòa thượng Hư Vân. Đặc biệt, tác giả còn sử dụng cuốn Biên niên tự thuật của Hòa thượng Hư Vân. Đây là bản dịch của Đại đức Thích Hằng Đạt từ nguyên tác chữ Hán được cư sĩ Sầm Học Lữ (một đệ tử thân tín đã theo hầu Hòa thượng Hư Vân trong nhiều năm) ghi chép lại lời tự thuật của Hòa thượng.
Sách được chia làm ba phần, phần thứ nhất tự thuật của Hòa thượng Hư Vân, phần hai do các đệ tử của ngài ghi lại những sự việc xảy ra sau đó, và phần ba là lời giảng dạy của Hòa thượng trong hai khóa thiền thất. Đường mây trên đất hoa là bản ghi chép đầy đủ, giàu tư liệu về cuộc đời Hòa thượng Hư Vân kể từ khi ngài sinh ra; quyết chí xuất gia, đi khắp nơi để học đạo; vào hang động trên núi để tu thiền tĩnh tọa; khởi nguyện lễ bái (đi ba bước lạy một lạy) qua nhiều ngọn núi trong ba năm để cầu nguyện cho cha mẹ, bất kể gió mưa sương tuyết; hoằng pháp độ sinh, chấn hưng Phật giáo, sửa sang chùa chiền; thương thuyết, giảng hòa, giúp ngăn chặn chiến tranh, loạn lạc… công đức nhiều không kể hết cho đến khi ngài viên tịch. Ngoài ra, cuốn sách còn ghi lại một số sự kiện quan trọng sau khi Hòa thượng mất.
Với lời tự thuật gần gũi của Hòa thượng Hư Vân, cùng những phụ chú giá trị của cư sĩ Sầm Học Lữ, Đường mây trên đất hoa giống như cuốn phim sống động ghi lại chân thật cuộc đời của Hòa thượng qua nhiều giai đoạn. Ở đó có những chi tiết bất ngờ, hiếm gặp, chỉ có trong cuộc đời của một bậc cao tăng; nhưng cũng có những chi tiết vô cùng giản dị, gần gũi, xúc động về cuộc đời khiêm nhường, đầy lòng kham nhẫn, từ tâm giáo hóa chúng sinh của bậc chân tu.
Cuộc đời của Hòa thượng Hư Vân có thể được xem là tấm bản đồ chỉ dẫn cho những người muốn quyết tâm đi theo con đường tu tập giản dị và chân chánh của một bậc chân tu. Hạnh nghiệp của ngài có thể được tóm lược thành 10 hạnh: Hạnh thanh tịnh, hạnh khổ hạnh, hạnh nhẫn nhục, hạnh thiền định, hạnh hỷ xả, hạnh từ bi, hạnh khác thường, hạnh phương tiện, hạnh vô úy. Ngoài giá trị Phật học, cuốn sách còn mang giá trị lớn về sử liệu với những biến chuyển của Phật giáo và những biến động lịch sử của Trung Hoa trong thế kỷ XIX.
Hòa thượng Hư Vân đã chứng nhất tâm khi thực hành tam bộ nhất bái (đi ba bước lạy một lạy), đạt kiến tánh khi chịu khổ nhục tại chùa Cao Mân, nhờ ngài mà các truyền thống tu tập cổ xưa được khôi phục. Ngài cũng là người nối lại mạch nguồn các tông phái, phục hồi 5 phái thiền ở Trung Quốc (Ngũ Gia), đem tinh yếu của Tịnh Độ Tông phát triển, mang lại một nguồn sinh khí mới cho Phật giáo Trung Hoa, lúc bấy giờ đang chịu cảnh suy đồi sau thời gian dài loạn lạc.