Trung tuần tháng 4-2019, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn cho ra mắt ấn phẩm thứ 22 trong tủ sách mỹ thuật được ông xuất bản từ nhiều năm qua. Khác với những ấn phẩm trước, thường là sách giới thiệu tác giả – tác phẩm mà phần lớn là các bậc danh họa như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên…, quyển sách mới nhất này được Trần Hậu Tuấn dành cho bộ sưu tập tác phẩm của 20 tác giả thuộc nhiều thế hệ, từ các họa sĩ thuộc lớp đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương cho tới các tên tuổi tiêu biểu của hội họa miền Nam và lớp họa sĩ miền Bắc của trào lưu “hội họa Đổi mới và sau Đổi mới”.
Được thai nghén trong nhiều năm, quyển sách đồ sộ này (384 trang, khổ 25 x 30cm, với hàng trăm tranh in màu) có thể gọi là công trình tập đại thành của một đời người say mê sưu tập, từ lúc còn thiếu niên cho đến hôm nay khi tuổi đã tròn hoa giáp. Trong bài viết kể về sự hình thành bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật vào loại lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, Trần Hậu Tuấn cho biết cơ duyên để ông bước những bước rón rén đầu tiên vào lĩnh vực này là năm mới 14 tuổi, khi lần đầu tiên được gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái trong lần đến chơi với con trai họa sĩ.
Trong căn phòng nhỏ bày kín tranh và tràn ngập màu sắc “Họa sĩ ngồi vẽ còn lũ trẻ chúng tôi vây quanh, tò mò và… thán phục! Ông nhẹ nhàng trả lời mọi câu hỏi của chúng tôi với nụ cười hiền hậu. Tôi thích thú được nói chuyện với ông, yêu quý ông, dẫu chẳng hề biết ông là danh họa. Những cuốn sách ông cho mượn và những bức tranh treo trên tường căn phòng nhỏ của ông khi ấy là bài học vỡ lòng về hội họa của tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn trân trọng gìn giữ mấy bức tranh nhỏ xíu bằng bàn tay được ông tặng như những bảo vật vô giá”.
Từ ngôi nhà của Bùi Xuân Phái, Trần Hậu Tuấn được biết thêm Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên và nhiều họa sĩ khác. Chính những năm tháng có duyên may gần gũi với các bậc danh họa, được xem tranh của họ đã hun đúc nơi Trần Hậu Tuấn tình yêu với hội họa, để rồi chàng trai trẻ bắt đầu “lặng lẽ sưu tầm tranh Bùi Xuân Phái và tìm hiểu thêm về các họa sĩ khác cũng như toàn bộ nền hội họa Việt Nam cận đại.
Tôi đọc sách, xem tranh, học hỏi những bậc đàn anh và bạn bè về nghệ thuật hội họa và về việc sưu tầm tranh, mở rộng dần bán kính xung quanh tranh Bùi Xuân Phái, cả những thế hệ trước ông và sau ông. Với hành trang này, lẽ dĩ nhiên tôi yêu thích và sưu tầm những tác phẩm mà tôi thấy đồng cảm, đặc biệt là những họa sĩ mà tôi may mắn quen biết và có kỷ niệm với họ.
Tôi tìm đến họ, xem họ vẽ, trò chuyện và lắng nghe tâm sự của họ, chứng kiến những niềm vui nỗi buồn được thể hiện qua tác phẩm, những trăn trở, thành công và cả thất bại của người sáng tạo. Tôi hiểu họ qua tranh và hiểu tranh qua họ, cái nhu cầu hiểu nội dung đơn giản ban đầu dần dần trở thành cảm quan thẩm mỹ”.
Từ bộ tứ “Nghiêm-Liên-Sáng-Phái” của thuở ban đầu, bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn dần mở rộng ra các tên tuổi lớn xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí và các thế hệ sau Bùi Xuân Phái như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu rồi đến Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa, Phùng Quốc Trí…
Với hội họa Sài Gòn trước 1975, các tác giả Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nguyễn Trọng Khôi được Trần Hậu Tuấn trang trọng bổ sung vào sưu tập của mình bởi “cuộc hợp lưu của hội họa hai miền Nam – Bắc đã tiếp thêm động lực cho hành trình” đi tìm giá trị hội họa đích thực Việt Nam.
Gắn bó với sự phát triển của hội họa Việt Nam trong nhiều thập niên, Trần Hậu Tuấn tin rằng sau thời kỳ Đổi mới đã gây tiếng vang trong giới sưu tầm và thưởng ngoạn quốc tế, nay hội họa Việt Nam đang bước vào “một thời kỳ trổ hoa kết trái mới”. Và “cùng với giới họa sĩ, giới sưu tầm tranh cũng mở rộng và tăng trưởng mạnh mẽ kể từ thời ông Bùi Đình Thản (nhà sưu tập Đức Minh) trong những năm 1930-1940 tại Hà Nội”.
Đã có nhiều hơn các nhà sưu tập tranh người Việt, tranh của họa sĩ Việt Nam đã có khách mua là người bản xứ thay vì chỉ có các nhà sưu tập, nhà buôn tranh nước ngoài như nhiều năm trước. Giới sưu tập đang dần được định hình tại Việt Nam khi tầng lớp trung lưu bắt đầu tìm đến với tác phẩm mỹ thuật, dù có thể mới chỉ là một kênh đầu tư thay cho đầu tư địa ốc, chứng khoán…
Và như Trần Hậu Tuấn mong mỏi “chúng ta cũng không thể chỉ trông chờ nỗ lực của bảo tàng quốc gia để lưu lại những thành tựu nghệ thuật quý giá trong quá khứ và hiện tại cho các thế hệ tương lai, mà đây chính là công việc của toàn xã hội, của bất cứ ai có tâm huyết và khả năng sưu tầm. Xã hội cần ghi nhận công sức, vinh danh những người đã âm thầm nỗ lực hết mình cho công việc khó khăn này”.
Trong lời giới thiệu sách, nhà phê bình – họa sĩ Nguyễn Quân cho rằng “Sưu tập Trần Hậu Tuấn là kết tủa đời sống nghệ thuật hơn 40 năm của một người tự giác ngộ ra một sứ mạng văn hóa của cá nhân nhìn-thấy-yêu-hiểu hội họa nước nhà. Sưu tập này đã trở thành một địa chỉ văn hóa.
Với quy mô hàng trăm tác phẩm của hàng chục tác giả trải suốt một trăm năm phát triển của hội họa Việt Nam, với diện tích trưng bày và lưu trữ, lượng ấn phẩm và triển lãm khá đồ sộ, nó thuộc loại lớn nhất đã đành. Quan trọng hơn là chất lượng các tác phẩm và tính hệ thống của bộ sưu tập bao gồm đủ các giai đoạn: mỹ thuật Đông Dương 1925-1975, mỹ thuật thời chiến và bao cấp 1945-1985, mỹ thuật miền Nam trước 1975, mỹ thuật Đổi mới 1985-2000 và mỹ thuật đương đại sau Đổi mới từ năm 2000”.
Sưu tập Trần Hậu Tuấn là quyển sách tâm huyết của một đời người, là tư liệu quý giá cho giới nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam trong và ngoài nước.