Quỹ tái chế chất thải TP.HCM – Nơi hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế chất thải

Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM (REFU) được thành lập ngày 30-11-2006 theo quyết định của UBND thành phố, có xuất phát điểm từ một đề tài nghiên cứu khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ và do Sở Tài nguyên – Môi trường trực tiếp điều hành. Những hoạt động chính của REFU là nâng cao nhận thức cộng đồng, điều phối các dự án liên quan đến hoạt động tái chế, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và đề xuất khung pháp lý, hệ thống chính sách ưu đãi liên quan đến hoạt động tái chế, thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, REFU còn vận động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư cùng chính quyền thực hiện các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (3T), thu hút và tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án, các hoạt động tái chế chất thải.

Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM (REFU) được thành lập ngày 30-11-2006 theo quyết định của UBND thành phố, có xuất phát điểm từ một đề tài nghiên cứu khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ và do Sở Tài nguyên – Môi trường trực tiếp điều hành. Những hoạt động chính của REFU là nâng cao nhận thức cộng đồng, điều phối các dự án liên quan đến hoạt động tái chế, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và đề xuất khung pháp lý, hệ thống chính sách ưu đãi liên quan đến hoạt động tái chế, thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, REFU còn vận động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư cùng chính quyền thực hiện các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (3T), thu hút và tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án, các hoạt động tái chế chất thải.

Những hoạt động thiết thực

Một trong nhiều hoạt động nâng cao ý thức cộng đồng nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp và người dân thành phố là chương trình Ngày hội tái chế, được triển khai từ năm 2008. Còn chương trình nổi bật trong năm 2012 do quỹ này phát động thực hiện, gây được sự chú ý là kế hoạch giảm sử dụng túi nylon trong giai đoạn 2012-2015.

Một dây chuyền sản xuất hạt nhựa tái sinh

Mới đây, REFU còn triển khai thêm chức năng mới là hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với các chương trình, đề án, dự án hoặc các hạng mục liên quan đến hoạt động tái chế chất thải tại TP.HCM. Đây là hoạt động thiết thực trong việc giúp doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tái chế có điều kiện hoạt động tốt hơn, góp phần giải quyết bài toán môi trường cho thành phố. Để tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp cần phải đáp ứng một số điều kiện, cụ thể là đã thực hiện xong các thủ tục đầu tư, thủ tục thực hiện hoạt động tái chế; phải có khả năng tài chính đảm bảo thực hiện được tối thiểu 30% giá trị của dự án; dự án phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn trực tiếp, hoàn trả nợ vay và lãi vay và phải có tài sản thế chấp để vay vốn theo quy định của pháp luật.

Ông Huỳnh PhúNam- Giám đốc REFU cho biết, mức cho vay tối đa là 7,5 tỉ đồng mỗi dự án trong thời hạn không quá bảy năm (thời gian ân hạn trả vốn và lãi không quá một năm). Mức lãi suất cho vay được tính bằng bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi sau) của bốn ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố được công bố vẫn còn hiệu lực, chịu thêm phí quản lý 2%. Được biết, quỹ cho vay theo nhiều phương thức khác nhau, ví dụ cho vay một phần kinh phí thực hiện đề án, dự án hay chương trình, hạng mục; cho vay bằng vốn của quỹ; cho vay hợp vốn với các tổ chức tín dụng khác… Theo phương thức vay trả góp, khi ký kết hợp đồng tín dụng, đơn vị vay vốn có thể thỏa thuận với quỹ số lãi vay phải trả cộng với số nợ gốc được chia ra nhiều kỳ hạn trong thời gian vay.

Khó khăn của doanh nghiệp trong việc vay vốn

Ở nước ta, đến thời điểm này, TP.HCM là nơi duy nhất có Quỹ Tái chế chất thải, còn ở một số địa phương khác thì thường có loại quỹ bảo vệ môi trường. Do chưa có luật, quy chế về tái chế nên REFU chưa thu hút được sự đóng góp của các doanh nghiệp, mà có nguồn vốn ban đầu 50 tỉ đồng do ngân sách của thành phố cấp. Là mô hình mới được triển khai, chưa có lộ trình nên hoạt động của REFU trong việc hỗ trợ cho vay còn có những khó khăn về mặt thủ tục. Hiện tại REFU đang xúc tiến thành lập Hội Tái chế chất thải để từng bước hoàn thiện hơn các hoạt động liên quan đến việc tái chế chất thải. Theo dự kiến, hội này sẽ quy tụ những doanh nghiệp sản xuất, các nhà khoa học, cá nhân… quan tâm đến lĩnh vực tái chế chất thải để có thể nghiên cứu, đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn các hoạt động và hướng phát triển trong lĩnh vực này.

Rác kim loại cần có nhà máy tái chế được đầu tư thiết bị phù hợp để tránh gây ô nhiễm môi trường

Sau khi được giới thiệu về hoạt động hỗ trợ cho vay vốn của REFU, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm tìm hiểu, bày tỏ mong muốn được hỗ trợ vốn từ quỹ. Ở TP.HCM hiện có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải, nhưng đối tượng phù hợp với yêu cầu của REFU để được vay vốn chưa nhiều vì đa số cơ sở hoạt động theo quy mô hộ gia đình, không có tư cách pháp nhân. Trong số 274 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tái chế được thống kê từ 24 quận, huyện thì chỉ có 34 doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở, hộ gia đình. Trong bước tiếp xúc ban đầu, sau khi doanh nghiệp đưa ra ý tưởng, REFU hướng dẫn các bước làm thủ tục. Do quỹ hoạt động từ nguồn ngân sách của thành phố nên REFU dành sự ưu tiên hỗ trợ lại môi trường của thành phố chứ không ưu tiên cụ thể ngành nghề nào, chỉ cần doanh nghiệp hoạt động đúng lĩnh vực là được xem xét. Như vậy, doanh nghiệp hoạt động tái chế phải đóng trên địa bàn TP.HCM, nhưng không thuộc khu dân cư hay ảnh hưởng đến khu dân cư. Nếu cơ sở đóng ở địa bàn khác thì phải chứng minh nguồn chất thải đầu vào được thu gom từ TP.HCM. Chủ một cơ sở tái chế nhựa trên đường Lạc Long Quân (quận 11) phản ánh: “Chúng tôi có nghe nói đến việc cho vay hỗ trợ vốn này, cũng có tìm hiểu thêm, nhưng điều kiện cho vay vốn còn phức tạp quá nên khó có thể tiếp cận được”. Trong khi đó, chủ một cơ sở sản xuất giấy tái chế ở quận 8 lại tỏ ra lạc quan hơn: “Có sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, dù chỉ về mặt tinh thần cũng đáng mừng rồi. Quỹ nên xác định hướng hoạt động ổn định và lâu dài. Chúng tôi hiện chưa hội đủ điều kiện để vay vốn nhưng hy vọng sẽ được vay khi đã bổ sung đủ hồ sơ, xin thêm giấy phép”. Cán bộ phòng tín dụng – tổng hợp của REFU cho biết trường hợp phổ biến mà quỹ thường gặp là doanh nghiệp có những dự án tái chế đang hoạt động, nhưng trong giấy phép kinh doanh lại không có chức năng tái chế nên REFU không thể hỗ trợ. Cũng có nhiều dự án khả thi, nhưng vì điều kiện bắt buộc là phải có tài sản thế chấp nên một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được.

Cần sự quan tâm hơn nữa

Ở nhiều nước trên thế giới, từ lâu đã có dạng hình hiệp hội tái chế, hoạt động cũng giống như quỹ tái chế. Khi doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm hàng hóa thì phải đóng một khoản phí vào quỹ tái chế của hiệp hội để hỗ trợ lại cho các doanh nghiệp hoạt động tái chế, thể hiện trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng. Theo RKW LOTUS – công ty liên doanh giữa RKW SE (Đức) và Lotus Chemical Technology (Việt Nam), chuyên cung cấp giải pháp màng và sợi tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương, một tấn nhựa tái sinh tiết kiệm được 5.774kWh điện năng, 16,3 thùng (2.604 lít) dầu mỏ, 98 triệu BTU nhiệt năng (tương đương 28.714Kw) và 22m3 đất chôn lấp. Đó là chưa kể việc giảm được 80 – 90% năng lượng tiêu thụ khi sản xuất ra nhựa tái sinh so với sản xuất ra nhựa nguyên sinh từ dầu mỏ và gas. Tái sinh một bình bằng nhựa có thể bảo tồn điện năng dùng để thắp sáng một bóng đèn tròn 60W trong sáu giờ. Tái sinh năm chai nhựa PET thành sợi sẽ đủ để làm ra một cái áo T-shirt. Tái sinh 100 triệu điện thoại di động sẽ tiết kiệm năng lượng cung cấp cho 194.000 gia đình trong một năm. Nghiên cứu gần đây cho thấy nếu tái sinh hết những phế thải nhựa đã chôn lấp hoặc đốt hết thành năng lượng sẽ đạt được 7% chỉ tiêu quota của Cộng đồng Châu Âu về giảm khí CO2. Như thế, lợi ích của việc tiết giảm, tái chế và tái sử dụng chất thải rõ ràng là rất lớn, là nguồn tài nguyên dồi dào phục vụ cho công nghiệp và đời sống.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước cần chung tay giải quyết bài toán về môi trường một cách hiệu quả. Hy vọng rằng REFU sẽ là cầu nối hỗ trợ tích cực hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Thu gom chất thải nhựa – một trong những hoạt động 3T mà REFU tích cực vận động, tuyên truyền trong cộng đồng

Ngân An

Exit mobile version