Ngày 15-1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 05/2013/QĐ-TTg quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập.Báo DNSGCT xin giới thiệu tóm tắt những nội dung quan trọng trong quy định này. Quyết định này bao gồm 5 chương và 23 điều, quy định việc quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, quản lý dịch vụ tư vấn du học, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với lưu học sinh, tổ chức cử hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn du học cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập.
Theo Điều 2, Quyết định này áp dụng đối với cá nhân và tổ chức sau: Công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập trong thời gian từ sáu tháng liên tục trở lên; Tổ chức cử hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn du học cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; Cơ quan, tổ chức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài chịu trách nhiệm quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài.
Về mặt quản lý công dân ra nước ngoài học tập
Điều 4 quy định việc tuyển sinh và cử công dân ra nước ngoài học tập như sau:
1. Bộ GD-ĐT thực hiện tuyển sinh và cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng các nguồn kinh phí sau:
a. Học bổng ngân sách nhà nước theo các đề án, dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b. Học bổng theo hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với nước ngoài hoặc với tổ chức quốc tế.
c. Học bổng do chính phủ nước ngoài, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, hoặc cá nhân tài trợ thông qua chính phủ Việt Nam.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tuyển sinh và cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng ngân sách nhà nước cấp sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ GD-ĐT về số lượng, trình độ, ngành nghề cử đi học.
3. Cơ quan, tổ chức cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, tổ chức dịch vụ tư vấn du học và gửi công dân Việt Nam là lưu học sinh tự túc, thực hiện cử và cung cấp dịch vụ tư vấn du học và gửi công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập theo thỏa thuận bằng văn bản với người đi học, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định điều 5 tại quyết định này.
Điều 5: Chế độ báo cáo:
1. Trước ngày 15-1 hằng năm, tổ chức quy định tại khoản 2 và 3 quyết định này gửi báo cáo về việc tuyển sinh và gửi công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập về Bộ GD-ĐT; Tổ chức dịch vụ tư vấn du học gửi báo cáo hoạt động về Sở GD-ĐT nơi đặt trụ sở, đồng thời gửi về Bộ GD-ĐT để theo dõi quản lý và tổng hợp thông tin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Trước ngày 15-2 hằng năm, Bộ GD-ĐT gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập.
Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh và đăng ký thông tin lưu học sinh
Điều 6 quy định:
1. Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh do Bộ GD-ĐT xây dựng và quản lý.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại điều 2 quyết định này có trách nhiệm cung cấp thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh.
3. Công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập thực hiện đăng ký thông tin lưu học sinh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh ngay sau khi đến nước ngoài học tập và cập nhật thông tin vào hệ thống khi có sự thay đổi.
4. Bộ GD-ĐT xem xét việc công nhận tương đương văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp trên cơ sở thông tin do công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập đăng ký vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh.
5. Tổ chức chịu trách nhiệm quản lý lưu học sinh Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, tổ chức cử hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn du học và gửi người Việt Nam ra nước ngoài học tập có trách nhiệm đôn đốc lưu học sinh do mình quản lý, cử, gửi ra nước ngoài học tập thực hiện việc đăng ký thông tin lưu học sinh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh.
Trách nhiệm của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Điều 7 quy định trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như sau:
1. Hỗ trợ đăng ký công dân, bảo trợ công dân đối với lưu học sinh và giải quyết kịp thời những vấn đề về quyền và trách nhiệm của lưu học sinh theo quy định.
2. Giúp đỡ, động viên lưu học sinh học tập, rèn luyện đạo đức, phẩm chất chính trị, giữ gìn và góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước; phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra lưu học sinh thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định tại quyết định này; giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo đảm các hoạt động đoàn thể của lưu học sinh theo sự hướng dẫn của các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội của Việt Nam.
3. Phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục với các cơ sở đào tạo và chính quyền nước sở tại; tìm kiếm và khai thác các nguồn học bổng cho Việt Nam; nghiên cứu chính sách, hệ thống giáo dục của nước sở tại để tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc phát triển giáo dục Việt Nam cũng như gửi lưu học sinh đi học những ngành nghề, lĩnh vực và trình độ phù hợp với khả năng đào tạo của nước sở tại và đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.
4. Hằng năm lập dự toán, tiếp nhận kinh phí cấp cho lưu học sinh (nếu có) và kinh phí phục vụ công tác lưu học sinh của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức cấp phát, sử dụng, quyết toán kinh phí kịp thời, đúng chế độ và đối tượng theo quy định.
5. Mở chuyên mục dành cho công tác lưu học sinh tại trang thông tin điện tử của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
6. Trước ngày 15-1 hằng năm gửi báo cáo về công tác lưu học sinh cho Bộ GD-ĐT, để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quỹ hỗ trợ lưu học sinh
Điều 8 quy định:
1. Quỹ hỗ trợ lưu học sinh là quỹ xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện nhằm hỗ trợ lưu học sinh học tập, nghiên cứu khoa học; khuyến khích lưu học sinh tham gia vào các hoạt động chung do Bộ GD-ĐT, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức; hỗ trợ lưu học sinh có cơ hội được học tập ở các cơ sở đào tạo có chất lượng cao; hỗ trợ khen thưởng và giải quyết rủi ro cho lưu học sinh.
2. Quỹ hỗ trợ lưu học sinh hình thành từ các nguồn sau đây:
a. Đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài.
b. Nguồn thu từ các hoạt động theo quy định của pháp luật.
c. Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
d. Các nguồn thu hợp pháp khác.
3. Quỹ hỗ trợ lưu học sinh do Bộ GD-ĐT quản lý, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn nộp thuế, hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân và được mở tài khoản tại ngân hàng.
Trách nhiệm của tổ chức dịch vụ tư vấn du học
Điều 13 quy định:
1. Triển khai hoạt động trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cung cấp công khai thông tin liên quan đến cơ sở đào tạo, tình trạng kiểm định và công nhận chất lượng đào tạo của cơ quan chức năng nước sở tại cho người có nhu cầu đi du học.
3. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người đi du học.
4. Ký hợp đồng với người có nhu cầu đi du học hoặc cha mẹ, hoặc người giám hộ hợp pháp theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện trong đó quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm và cam kết của mỗi bên.
5. Thực hiện chế độ báo cáo theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Khen thưởng và xử lý vi phạm
Điều 18: Khen thưởng đối với lưu học sinh.
1. Lưu học sinh tự túc học tập tại các cơ sở đào tạo được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại công nhận hoặc kiểm định chất lượng đã thực đăng ký thông tin lưu học sinh theo quy định tại khoản 3 điều 6 quyết định này, có thành tích, kết quả học tập nghiên cứu xuất sắc thì được Bộ GD-ĐT xem xét, khen thưởng. Kinh phí khen thưởng trích từ Quỹ hỗ trợ lưu học sinh.
2. Lưu học sinh học bổng hoàn thành chương trình học tập với kết quả xuất sắc trước thời gian quy định ghi trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử đi học hoặc trong thời gian học tại nước ngoài có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và được cơ sở đào tạo nước ngoài miễn, giảm học phí, cấp học bổng thì được Bộ GD-ĐT xem xét khen thưởng. Kinh phí khen thưởng trích từ ngân sách nhà nước.
3. Lưu học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động hữu nghị, thực hiện tốt các quy định của Việt Nam và nước sở tại, có xác nhận của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được xem xét tặng bằng khen theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT hướng dẫn chế độ khen thưởng đối với lưu học sinh
Điều 19: Xử lý vi phạm đối với lưu học sinh.
1. Lưu học sinh học bổng quy định tại điểm a, b khoản 2 điều 3 quyết định này, nếu lưu ban, không hoàn thành chương trình đào tạo của kỳ học, năm học theo yêu cầu của cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc bị phía nước ngoài ngừng cấp học bổng thì trong thời gian lưu ban, thời gian phải học lại, thi lại sẽ không được hưởng học bổng của ngân sách nhà nước. Việc cấp tiếp học bổng nhà nước do người có thẩm quyền cử đi học nước ngoài quy định tại điểm 1, 2 điều 4 của quyết định này quyết định sau khi lưu học sinh có kết quả các môn phải học lại, thi lại đạt yêu cầu hoặc được phía nước ngoài tiếp tục cấp học bổng.
2. Lưu học sinh học bổng phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo trong các trường hợp sau đây:
a. Không tham gia khóa học khi đã đăng ký tham gia khóa học và đã được cấp kinh phí đào tạo.
b. Tự ý bỏ học, thôi học trong thời gian được cử đi đào tạo.
c. Không được cấp văn bằng, chứng nhận đã hoàn thành khóa học, trừ trường hợp bất khả kháng.
d. Bị đuổi học hoặc trục xuất về nước.
đ. Bỏ việc hoặc tự ý thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian theo quy định hiện hành.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT hướng dẫn việc bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-3-2013.