Trong một diễn biến liên quan đến cơ quan quyền lực cao nhất về mặt nhà nước, Quốc hội Khóa XIII sáng 21-3 đã bắt đầu kỳ họp 11, là kỳ họp cuối cùng. Theo chương trình nghị sự, vấn đề được dư luận quan tâm hơn cả là xem xét và quyết định nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước trong đó bầu mới các chức danh Chủ tịch nước (CTN), Thủ tướng chính phủ (TTCP) và Chủ tịch Quốc hội (CTQH).
Theo chương trình dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp trù bị sáng nay, quy trình làm nhân sự sẽ được bắt đầu cuối giờ sáng 30-3 với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình QH về việc miễn nhiệm CTQH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia (CTHĐBCQG). Việc miễn nhiệm và bầu mới các chức danh sẽ cùng được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu do QH thành lập ngày 30-3 cũng sẽ tiếp tục làm việc trong các lần bỏ phiếu quyết định nhân sự tiếp theo. Sau khi ban kiểm phiếu công bố kết quả QH sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm CTQH, CTHĐBCQG.
Việc bầu mới các chức danh này sẽ được thực hiện vào ngày 31-3. Tiếp đó vào ngày 2-4-2016, QH sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước sau khi chức danh này được bỏ phiếu miễn nhiệm vào chiều 31-3. Cùng ngày QH sẽ miễn nhiệm Phó CTQH, một số thành viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm một số ủy ban của QH, Tổng kiểm toán Nhà nước. Việc bầu mới các chức danh này sẽ được thực hiện trong hai ngày 4 và 5-4.
Dự kiến sáng 6-4, CTN sẽ trình QH miễn nhiệm TTCP trước khi QH tiến hành miễn nhiệm TTCP bằng hình thức bỏ phiếu kín vào chiều cùng ngày.Theo chương trình TTCP có thể sẽ có bài phát biểu ngay trước khi QH bỏ phiếu miễn nhiệm.Một ngày sau đó, UBTVQH sẽ báo cáo QH về kết quả thảo luận tại đoàn về dự kiến nhân sự bầu TTCP.Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu TTCP.Sau khi có kết quả bỏ phiếu, TTCP sẽ thực hiện tuyên thệ ngay trong ngày 7-4.Cùng ngày, QH sẽ miễn nhiệm Phó CTN, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.Việc bầu mới các chức danh này sẽ được thực hiện vào ngày 8-4.Ngày 9-4-2016 TTCP trình danh sách để QH phê chuẩn việc bổ nhiệm một số phó TTCP, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.Việc phê chuẩn sẽ được thực hiện chiều cùng ngày.
Cũng tại kỳ họp này, TTCP mới sẽ trình QH phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm một số phó thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ (dự kiến ngày 9-4).
Theo thông lệ thì mỗi nhiệm kỳ QH chỉ bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt một lần, vào kỳ họp thứ nhất của khóa mới. Nhưng lần này, theo giải thích của Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc bầu mới rất nhiều nhân sự là do sau Đại hội Đảng XII, nhiều vị trí chủ chốt của Đảng không tái đắc cử BCH Trung ương, Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nếu đến tháng 7, khi QH khóa XIV tiến hành phiên họp đầu tiên mới kiện toàn nhân sự thì thời gian là tương đối dài, trong khi cần tạo động lực mới, khí thế mới thực hiện nghị quyết Đại hội XII ngay từ năm đầu tiên.
Hai tháng nữa cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XIV sẽ tiến hành, nhưng nay đã xuất hiện nhiều ứng cử viên thuộc thành phần doanh nhân tham gia vào sinh hoạt chính trị này, sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai vừa diễn ra.
TP. Hồ Chí Minh có khá nhiều doanh nhân chính thức được ghi danh trong danh sách sơ bộ, có những người tự ứng cử như hai doanh nhân Hoàng Hữu Phước, người từng trúng cử vào Quốc hội Khóa XIII và doanh nhân Đặng Thành Tâm…
Tại Hà Nội, trong danh sách sơ bộ đã được thông qua, cũng có một số doanh nhân được giới thiệu tái cử, không dưới 10 doanh nhân tự ứng cử trong đó có ông Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Chương trình An Viên (AVG).
Ngoài hai thành phố lớn nhất nước, được biết tại địa phương khác cũng có doanh nhân là đại biểu Quốc hội đương nhiệm tự ứng cử.
Quốc hội Khóa XIII có số đại biểu doanh nhân đông nhất trong lịch sử với 38 người, trong số đó có bốn vị tự ứng cử – đắc cử đều là doanh nhân. Một doanh nhân tự ứng cử đã liên tục gây nên điều tiếng thị phi. Vào giữa năm 2012 một nữ doanh nhân đã bị bãi nhiệm chỉ một năm sau khi trúng cử do bị phát hiện khai báo lý lịch không trung thực. Gần cuối nhiệm kỳ, thêm một nữ đại biểu Quốc hội là doanh nhân tự ứng cử đã bị bãi nhiệm sau khi bị bắt tạm giam vì vi phạm luật pháp.
Trên diễn đàn Quốc hội Khóa XIII không thiếu những tiếng nói đầy trách nhiệm của một số vị đại biểu là doanh nhân, thế nhưng cũng có một số trường hợp tạo ấn tượng không tốt trong tư cách người đại biểu của nhân dân.
Cơ cấu cứng về doanh nhân ở nhiệm kỳ tới cũng bớt đi đáng kể với số đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo dự kiến ban đầu chỉ là bảy người, tức là nếu trúng cử toàn bộ cũng chưa bằng 1/4 số lượng đại biểu thuộc thành phần này trong nhiệm kỳ trước của Quốc hội.
Phải chăng hành lang đi vào Quốc hội Khóa XIV của các doanh nhân đã không còn rộng như trước đây.
Trong khi đó, hội nghị do Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 17-3 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV ghi nhận khá nhiều băn khoăn của các thành viên tham dự.
Danh sách được xem xét tại hội nghị gồm 197 người do các cơ quan trung ương giới thiệu, không bao gồm những người tự ứng cử.
Tuy nhiên, ở các địa phương đã có hơn 100 người tự ứng cử kịp ghi danh vào danh sách Hiệp thương lần thứ hai.Trong đó, cả tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số người tự ứng cử đều cao hơn số được các cơ quan tổ chức giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới.
Có vẻ như cuộc chạy đua vào Quốc hội lần này đã hình thành phong trào tự ứng cử. Trước đó một thành viên đoàn giám sát – thuộc Tiểu ban An ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử Quốc gia – nói rằng “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động”.
Tuy nhiên, không có trường hợp nào được nêu danh cụ thể.
Không đồng tình với phát ngôn này, Thiếu tướng Lê Mã Lương – Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, cho rằng nếu không chỉ đích danh ai thì không được nói chung chung như vậy sẽ phương hại đến người tự ứng cử. Điều quan trọng, theo ông, là làm sao để chọn được đúng người đại diện cho nhân dân.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội, nói ông hơi sửng sốt khi mà đang vận động người dân tự ứng cử thì lại nói có tổ chức phản động đứng sau, nói chung chung như thế là xúc phạm những người tự ứng cử.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phát biểu là không nên nói chung chung, nếu trường hợp nào có yếu tố trực tiếp như phát ngôn nói trên, thì cần nêu rõ.
Bên cạnh ý kiến nêu trên, một số ý kiến khác tại buổi Hiệp thương đặt vấn đề, trong cơ cấu ứng viên lần này, khối hành pháp có nhiều ứng cử viên, khi mà hiếm thấy đại biểu nào ở khối này đứng lên chất vấn Chính phủ tại các kỳ họp Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, khác với các nước, Quốc hội Việt Nam có đại biểu kiêm nhiệm và đại biểu chuyên trách. Và cơ quan dự thảo luật vẫn là hành pháp, nên cần có cơ cấu đại biểu khối này để nghiên cứu, dự thảo dự án luật.