Ngày làm việc cuối cùng (9-10) của phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trở nên nóng bỏng khi vấn đề nợ công được nêu ra. Cho dù trong chín tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế – xã hội của cả nước có chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng 5,62% nhưng Chính phủ đã phải chi trả nợ nước ngoài trên 101.000 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Tài chính ước tổng số thu cả năm sẽ vượt 9% so với dự toán nhưng sẽ phải dành ra một phần để tăng chi trả nợ. Đáng chú ý là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách hằng năm đã vượt mức quy định là 25%, năm 2014 ước đạt 25,9%.
Khi trình bày báo cáo và báo cáo thẩm tra tình hình thu chi ngân sách năm 2014, kế hoạch 2015, cả Bộ trưởng Tài chính và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách đều nhận xét ngân sách cân đối rất căng thẳng, bội chi cao hơn mức đầu tư phát triển, phải vay để đảo nợ, không bố trí được nguồn để tăng lương. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm rằng năm nay, yêu cầu chi trả nợ lớn hơn (150.000 tỉ đồng, chiếm 13,3% tổng chi ngân sách nhà nước) nên dự toán phân bố trả nợ cao hơn năm ngoái là 15.000 tỉ đồng và phải phát hành đảo nợ khoảng 70.000 tỉ đồng, do vậy vẫn chưa thể bố trí chi đầu tư phát triển theo yêu cầu của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.
Mới đây, trong báo cáo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội “xem xét dành một phần ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu” của các doanh nghiệp nhà nước (theo thống kê sơ bộ, có tới 70% nợ xấu đang nằm tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mà chủ nợ chủ yếu là các ngân hàng thương mại quốc doanh). Nay, trước đề nghị của Chính phủ nâng bội chi ngân sách năm 2015 từ 4,5 lên 5%, nếu cộng cả khoản trái phiếu chính phủ thì lên đến 7%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải than rằng thu được đồng nào cứ đem xài hết, đầu tư phát triển bị giảm mà cứ vay thêm thì đất nước không phát triển được, mà trả nợ cũng không được…
Nguyễn Thắng