Buổi biểu diễn sẽ diễn ra vào ngày 28-8 tại phòng trà We, gồm các ca sĩ – nghệ sĩ: Thành Lộc, Hồ Trung Dũng, Phương Linh, Nguyên Hà, Hà Anh Tuấn, Đồng Lan và Nguyễn Minh – người kể chuyện. Vì sao có cảm hứng từ Lụa, với Quốc Bảo là vì nó ngắn, đẹp và có tính kịch.
Thật ra, phác thảo đầu tiên cho chương trình này chính là mong muốn của Quốc Bảo và bạn bè anh là gầy dựng một quỹ từ thiện cho các bệnh nhi ung thư máu. Nhưng tại sao không phải là một đêm nhạc từ các ca khúc của anh mà nhiều khán giả đã nằm lòng, như vậy có vẻ dễ hơn cho quỹ từ thiện? Bởi vì Quốc Bảo muốn làm một cái gì đó mới mẻ cho anh, bạn bè anh và khán giả.
Lụa của Quốc Bảo không phải là cách chuyển thể tiểu thuyết sang một dạng khác mà anh chỉ mượn những nhân vật để viết các ca khúc theo cách hiểu của mình, nói anh “review” cuốn sách bằng nhạc cũng không sai. Có 20 bài hát được trình diễn trong chương trình được hòa âm bởi chính anh và nhạc sĩ Bảo Chấn, trong đó có 18 bài mới và hai bài đã được phổ biến là Lạnh và Bình yên. Không giống như nhạc kịch có cốt truyện liền mạch, ở thanh xướng kịch, mỗi nhân vật, cùng với các bài hát của mình, kể cho khán giả nghe câu chuyện theo cách của riêng mình và người biểu diễn được phép để bài hát trước mặt trong khi diễn. Cho nên, 20 bài hát và các nhân vật của chương trình cũng được dàn dựng theo cách ấy.
Thanh xướng kịch là một thể loại của sân khấu cổ điển được phát triển từ thế kỷ XVII ở châu Âu nhưng vẫn là một thể loại khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì nó mới nên ê-kíp làm chương trình đã gặp phải những khó khăn về kinh phí, về địa điểm biểu diễn… Không có nhà hát nên Quốc Bảo đã đem thể loại này vào không gian mini của phòng trà We, nghĩa là anh phải chuyển toàn bộ các tổng phổ giao hưởng, hợp xướng thành pop để phù hợp với dàn nhạc sáu người mà sân khấu của phòng trà này có thể chứa.
Chưa thể nói Quốc Bảo và bạn bè anh có thành công với thanh xướng kịch hay không nhưng rõ ràng là họ đã truyền được cảm hứng cho nhau khi làm Lụa, bởi ý nghĩa nghệ thuật và ý nghĩa nhân đạo của nó. Cho nên, những người tham gia chương trình đều đang chung tay chung sức họ không lấy hoặc chỉ lấy
cát-sê tối thiểu, mỗi người tự lo trang phục cho nhân vật của mình, người thì miệt mài tìm kiếm bàn trà đạo, giấy viết thư xưa để làm đạo cụ… Vậy là ai cũng hào hứng bỏ thời gian và công sức của mình với mong muốn được biểu diễn một thể loại mới, và trên hết là góp được một số tiền cho quỹ từ thiện.
Trước khi chương trình diễn ra, nhạc sĩ Quốc Bảo tâm sự anh làm một công trình nghệ thuật nho nhỏ, đúng tài đúng sức của mình và tự tin… 50% (nửa còn lại phải đợi công diễn). Còn bạn anh, nhạc sĩ Bảo Chấn, thì vui vẻ: “Tôi thích chương trình này vì có thêm nhạc mục cho sân chơi đã nhàm chán”. Và ai cũng mong, đây chỉ là sô diễn mở đầu cho những lần tiếp theo và “sẽ là tiền đề cho một vở thanh xướng kịch nghiêm túc, công phu một ngày không xa”, như Quốc Bảo hy vọng.
* Lụa diễn ra vào một đêm duy nhất ngày 28-8 tại Phòng trà We với ba hạng vé: 1,2 triệu, 1 triệu và 600 nghìn đồng.