Bánh phồng ở Phú Mỹ vẫn được chế biến hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, mang tính nhỏ lẻ gia đình, nhưng do ở đây có đến hàng trăm cơ sở, thu hút hàng nghìn lao động giản đơn, hộ nào cũng sản xuất bình quân mỗi ngày 4-5 “ổ” (mỗi ổ là một số lượng xôi nếp vừa quết một cối ).
Không như các loại bánh khác chỉ do bàn tay mềm mại, khéo léo của “phái yếu”, trong sản xuất bánh phồng, công đoạn “quết” rất nặng nhọc, đòi hỏi sự đầu tư nhất định của cơ bắp, nên ở khâu này, các lao động nữ đều “nhường” cho “phái khỏe”.
- Xem thêm: Bánh phồng mè ba miền
Nếp dẻo ngoẹo, chày quết xuống bị dính lại, do vậy phải có một người ngồi bên cạnh cối để “cho ăn” tức thấm tay vào thau nước rồi bôi lên mặt xôi trong cối cho đỡ bị dính chày. Thế nhưng, động tác dở chày lên vẫn nặng nhọc hơn giã gạo rất nhiều. Khi toàn bộ xôi đã được quết nát nhừ thành bột nhão, người ta mới ngắt và vò thành từng viên nhỏ, dùng ống cán cán mỏng ra, dầy chừng 1mm, tròn bằng miệng tô. Xong trải bánh lên chiếu sạch đem phơi, độ 2 nắng tốt thì khô, nướng được.
Bánh khéo phải đạt các tiêu chuẩn ngon ngọt, giòn khứu phao lưỡi, không dính răng, nhất là phải phồng dày và “chuồi” to bằng cái mâm. Để có bánh khéo không phải đơn giản, vì ngoài nghệ thuật nướng, trước hết, phải quết cho thật “chín”, bao giờ bột nổi bong bóng mới thôi, và tài nghệ là phải biết cách pha trộn đường. Ít đường, bánh không ngọt; nhiều đường bánh bị chai. Tuy nhiên, bánh bán trên thị trường đa phần thuộc loại “bánh ngang”, không cần đạt những “chuẩn mực cực kỳ” như vậy.
Chỉ vào dịp Tết bà con mới sản xuất thêm loại cao cấp, với nhiều giá khác nhau, đều rẻ, dễ chấp nhận. Như Tết năm rồi, giá bánh loại I, “đâm lút kim” mà chỉ có 7.000đ/chục, loại II: 5.000đ/chục, và loại III vẫn giữ giá: 1.200đ/chục. Nướng bán lẻ: 250đ/cái, một lời một, nhưng người mua vẫn cảm thấy quá rẻ. Tết, chỉ cần nướng cúng nửa chục thôi cũng đã chật bàn thờ.
- Xem thêm: Bánh tráng phiêu lưu ký