Năm lên mười, tôi gặp người đàn ông ấy lần đầu.
Ông không đến để mua gì, chỉ nhìn tôi chằm chằm, áo sơmi xanh phẳng phiu, mắt chớp lia hỏi đây có phải nhà bà Thảo không. Chúng tôi nhìn nhau ngờ vực, dọ dẫm. Ông dịu hơn:
– Cho bác hỏi thăm, có phải nhà bà Thảo đây không? Là mẹ cháu phải không?
Chưa trả lời đã thêm câu hỏi khác. Ấy vậy mà lần này tôi gật thật nhanh.
– Mẹ… mẹ cháu có nhà không? Cho bác gặp được không?
Tôi quay lưng tính ra sau bếp, mẹ đã đứng đó rồi. Mẹ chẳng còn là mẹ nữa, mắt mở to sững sờ, miệng hé mở, trong bóng sẫm cũng hình dung da mặt tái đi. Tôi điếng. Đúng là người ta đến bắt mẹ đây. Tôi nhào đến ghì mẹ. Tỉnh lại, mẹ bấu chặt vai tôi, nghèn nghẹn:
– Con… đi chơi được rồi. Mẹ nói chuyện với… bác đây một chút.
Mẹ đẩy. Tôi níu. Cuối cùng tôi ra hiên cố vểnh tai thu thập mọi lời, tiếng được tiếng chăng vì họ nói rất ít, giọng thấp. Tôi lăng xăng vô ra làm như tìm quyển vở, để nhìn, mà họ có vẻ rất kín đáo. Một lúc lâu trời sụp tối ông ấy ra về, lại nhìn tôi, bối rối nói bác đi đây. Tôi phi ra sân, thước kẻ trên tay, kiểu cô Ngọc Cầm đóng vai ông tướng tay kiếm tay đao xông trận mà dạo đoàn hát ở đây, chiều nào đi học về tôi cũng vào chùa chỗ diễn tuồng, trân trọng cầm gương cho đào kép điểm trang. Đêm đó tôi giật mình nghe mẹ rưng rức, người rung lên mà kìm lại. Tôi muốn ôm mẹ hỏi tại sao, nhưng linh cảm tốt nhất nên giả vờ say ngủ.
Bảy năm sau mẹ mất. Trong chiếc rương gỗ cũ kỹ mà khi gần hấp hối, mẹ dúi chìa khóa vào tay tôi với tất cả sự cẩn trọng, đã mở cửa cho tôi nhìn thấy nhiều điều. Về cái tên của mình. Về người đàn ông sơmi xanh. Về cuộc đời của mẹ…
Tôi đã xếp trả vào rương mấy món như sắp lại linh hồn, bình tĩnh, ngăn nắp, chẳng khác những thứ phù phiếm mình chưa được phép sống qua và cố quên là đang cô độc, quên chiếc áo sơmi xanh lại xuất hiện ở hiên nhà khi hàng xóm lục tục ra về sau tang lễ. Một hình ảnh tiều tụy. Trên đồi, đứng xa xa để ông tự do rầm rì tâm sự, tay tôi không ngừng vặt những chiếc lá vô tội ném xuống bãi cỏ hoang như xé rách từng chút bí mật đã che giấu đời mình. Lúc đó tôi nhìn ông tò mò, tưởng tượng âm hưởng tiếng Cha hay Ba có thể sẽ gọi khiến tôi bồn chồn. Cảm giác là lạ, tôi thấy dỗi hơn thương. Cuối cùng thì tấm hình trên bàn thờ và câu trả lời “Cha con chết rồi, đừng hỏi nữa” thuở còn bé xíu vẫn cho tôi cảm giác bất an và thèm muốn các bạn có cha còn sống, là một cách tìm quên.
Khi cha ra về, căn nhà vốn nhỏ xíu cho hai mẹ con bỗng thênh thang trống trải dị thường. Không gì khác ngoài ánh sáng lập lòe đầu nhang trên bàn thờ và chút khói nhạt vất vưởng lao chao là sinh động. Ngóc ngách căn nhà sâu thẳm bí hiểm hơn, cột kèo sừng sững dữ tợn hơn, mái tranh cao hẳn lên và bóng đêm mênh mang đe dọa… Có mẹ sao mình ngông nghênh to lớn quá…
Mẹ nằm trên đồi nhìn xuống mấy khu nhà, dắt khách đến mua hàng, về nhà là tôi tíu tít bán, mua, bỗng dưng rành rẽ, già dặn. Tự nhủ mình đủ sống, đủ lo thân vào đại học, chưa muốn nhờ vả người cha mười bảy năm sau bỗng dưng đề nghị cưu mang cùng với bốn đứa con của bà vợ chính thức mà nghe đâu thuộc loại chanh chua. Là ông Vạn nói vậy khi gặp bà ở văn phòng tòa tỉnh. Bà làm gì đó, chắc to. Có lần đi ngang, tình cờ thấy một bà từ cổng bước ra đúng như ông Vạn tả: tóc uốn ngắn, son phấn, bận bộ áo dài đen. Trông bệ vệ sang trọng. Tôi cụp mắt xuống, nghĩ đến chiếc bà ba muôn đời bạc màu của mẹ…
Ngày tháng vừa nhẩn nha vừa nhanh. Nhẩn nha là nỗi bàng hoàng mất mẹ vẫn nguyên vẹn. Hình trên bàn thờ không nhét nổi cảm giác “Mẹ vẫn bên cạnh” như các ông bà văn sĩ ba hoa. Tôi chỉ một mình, trong nhà, ngoài đời… Và chiếc thuyền con bềnh bồng giữa đại dương bát ngát với ngày tháng qua nhanh đẩy tôi tới bến. Ở đó có cha chờ sẵn. Giữ lời không đến, nhưng vừa có kết quả là hôm sau cha lịch kịch món quà. Về sau tôi tiếc phải chi có nó từ lâu, trước khi mẹ mất, đã ghi được hình ảnh mẹ rồi.
Chúng tôi lên đồi.
Rướn người nhìn xuống làng tránh giây phút thân tình cha con vì tự nhiên tôi đâm gượng gạo, chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với cha. Nếu cha cũng có vẻ nghèo như chúng tôi, hẳn đã khác. Và nếu tôi cởi mở vồn vã chắc sẽ dễ chịu cho cha hơn. Đã nhiều đêm tôi suy nghĩ đến cha, đến nỗi ao ước thuở xưa mỗi lần thấy bạn sợ bị cha đánh. Tôi thì chẳng ai đánh, mẹ lúc nào cũng buồn ngọt ngào, cách nói nhỏ nhẹ ít lời của gái nhà nghèo là điềm truân chuyên yểu mệnh.
– Ba đã tính rồi, và dì con cũng bằng lòng, con sẽ về trên tỉnh ở với ba và các em.
À các em. Bốn đứa, hai trai hai gái. Thì tôi lẻ rồi.
– Con nghĩ sao?
Tôi chợt nhìn cha như hôm thấy lần đầu.
– Tại sao con phải lên tỉnh?
– Ờ thì… con vào đại học mà.
– Con có thể ở đây và vào đại học.
– Xa xôi quá.
– Con đi xe đạp quen rồi.
Cảm ơn cha đã không nói “cảm thấy có trách nhiệm”. Một phút hứng tình của đàn ông và một phút lỡ lòng của đàn bà, việc gì bắt đàn ông nhận lấy trách nhiệm. Cha dán mắt vào lùm bụi dại như tìm mẹ hay ký ức nằm trong đó, tâm sự:
– Con… con biết không, hồi đó ba mẹ đều còn trẻ, sôi nổi hời hợt. Gia đình bắt ba sang Pháp du học rất bất ngờ, mọi việc đã sắp đặt mà giấu, khi ba biết thì một tuần sau là lên máy bay, bước ra khỏi nhà là có người đi kèm. Ông bà nội cố ý chia rẽ ba mẹ…
– Vì sao? Vì mẹ nghèo chớ gì?
Tôi cướp lời hơi chua ngoa khiến cha bỡ ngỡ.
– Ơ… một phần. Một phần là muốn ba học cao lên nữa. Hừm, ba có viết thư nhiều lần về cho mẹ mà không thấy trả lời. Mãi khi bà nội mất, là năm ba đến nhà tìm mẹ con lần đầu đó, tình cờ tìm giấy tờ ba mới thấy mọi thư từ ba mẹ gửi cho nhau đều nằm ở nhà ông bà nội. Ba suy nghĩ và hiểu ra là chắc ông bà nội dặn người đưa thư. Ông bà nội là người thế lực mà.
Tôi đứng bật lên. Người thế lực luôn tự cho phép mình làm điều trái phép, điều cấm kỵ, điều gây tai hại cho người khác. Ba kéo nhẹ tay tôi:
– Con ngồi xuống. Ba biết nghe vậy thì con giận ông bà nội, nhưng người già mà con, họ chỉ nghĩ đến gia đình họ thôi. Hừm, kể cả thư mẹ con báo tin mang bầu, cũng nằm trong tay ông bà nội.
– Như vậy là ác, là xấu xa.
– Ừ, trong nghĩa nào đó thì vậy.
– Còn nghĩa nào khác nữa sao… ba?
Cha lúng túng tránh ánh mắt soi mói cáu bẳn của tôi, đám mây bồng bềnh trên kính. Tôi nhìn xuống đám cỏ bầm dập dưới chân. Cái yếu luôn luôn bị đè bẹp. Khuôn mặt cha teo tóp và ánh mắt mệt mỏi khiến tôi chột dạ. Thời gian tàn phá nhanh quá, cha suy sụp hơn hôm đám tang mẹ, râu tóc nhường nhiều chỗ cho da. Tôi muốn nhìn cha dịu dàng, hay nắm tay, hay làm cái gì đó chẳng biết, trừ cay cú. Chỉ vậy thôi vẫn không được. Tình cảm cha con đối với tôi vẫn chỉ là ý niệm. Đào xới mãi mà ký ức thuở xưa thèm có cha như thế nào cứ trôi tuột. Rốt cuộc chính mình mới là kẻ đáng thương.
– Con… con còn quá trẻ để hiểu những chuyện của người lớn. Họ làm một số chuyện mà nghĩ là hay, là đúng. Và cái chính là ai cũng chỉ muốn tốt cho gia đình mình…
– Còn gia đình người khác thì coi như không có, là cái có thể ném đi.
Bây giờ thì cha nhìn tôi, sâu vào mắt, chưng hửng. Mà những lời đó cứ thản nhiên tuôn ra, thề độc là tôi không cố ý.
– Ba biết con bực mình, nhưng cố gắng hiểu với tấm lòng… vô tư hơn một chút. Ba thương mẹ con thật lòng, đó là cái chính của ba. Phần còn lại thì ngoài ý muốn. Đó, ba đi du học vội vàng. Sau này mới biết là khi mẹ gửi thư báo có thai, cô Hai là chị của ba, mới gửi thư nói là mẹ con có chồng. Bây giờ cái gì cũng nhanh rồi, chớ hồi đó mọi phương tiện chưa hoàn chỉnh như bây giờ, cái gì cũng lâu ly xa lắc…
Những giấc mơ bềnh bồng. Tôi chạy mãi tìm mẹ bên kia sông, con sông nhỏ uốn quanh làng ngoại, nước ở đâu dâng tràn trề bờ bãi, gió ở đâu tát rạp ngọn dừa, trời đổ thêm nước xuống, mẹ chạy bên kia bờ ướt đẫm tóc dán chặt vào da đầu như trùm miếng vải đen chẳng còn mặt mũi. Tôi cứ chạy bên này khàn giọng gọi mà trong thâm tâm thắc mắc có phải mẹ không. Lâu ly xa lắc. Cuối cùng đất trời trả lại căn buồng nhỏ hẩm hiu với chiếc chõng tre khô khốc khi tôi hét nhìn mẹ ngã, nước cuốn phăng phăng. Hoặc tôi gặp mẹ ở chùa, chiếc áo lam dài cuống quíu bỏ đi khi tôi gọi mẹ, những bông hoa trong tay bay tản mạn khắp chiếc sân gạch màu ngói mới.
Và tiếng chuông, tiếng chuông như điệu nhạc trời thanh thoát tận đâu đâu vang đến giữ chân tôi lại, nhìn quanh quất bàng hoàng không tìm thấy chiếc áo lam dài phe phất nữa. Rồi cũng tiếng chuông ấy đuổi tôi ra khỏi vườn chùa, chiếc cổng gỗ khép lại sau lưng hàn kín những bí mật bên kia thế giới. Tôi vừa bước đi vừa khóc, nước mắt mênh mông thành con sông nhỏ.
Chiếc thuyền con từ hư vô trờ tới chở tôi về ngôi nhà lạ hoắc khiến tôi bừng tỉnh giữa khuya, mặt còn ướt. Lần khác mẹ tinh tươm trong bộ quần áo màu cà nhạt chưa bao giờ thấy, tươi trẻ có phần ủy mị, mỉm cười trao cho tôi tờ giấy khai sinh. Đọc tên mình có cha khuyết tật. Bây giờ chợt hiểu mẹ đã gửi thông điệp cho biết rằng cái khuyết tật của cha là không tự định đoạt được gì.
– Và ba tin ngay, bỏ mẹ?
– Hừm, ba buồn phát bịnh, đòi về, nhưng dĩ nhiên là ông bà nội không cho. Ba lại gửi thư về trách mẹ con phụ bạc… Bây giờ nghĩ tới mấy chuyện đó ba khổ tâm quá.
Tôi đứng lên tới mộ đốt thêm nén nhang. Mẹ trên tấm bia lung linh ánh mắt. Ba mươi bảy tuổi là hưởng dương, là yểu mạng, là chán đời quá sớm, là bỏ con… Ba khổ tâm có bằng mẹ không. Cha đến bên cạnh:
– Hôm khám phá xấp thư trong tủ bà nội, ba vội vàng đi tìm mẹ con ngay, mới biết là mẹ vẫn chưa có chồng khi bỏ làng. Người ta chỉ hai ba chỗ đều sai. Bất cứ chỗ nào ba cũng đi hỏi thăm…
– Rồi làm sao ba tìm ra?
– Ba tới các trường, hỏi có học trò nào cha mẹ neo đơn thì ba cấp học bổng, cốt tìm tên mẹ. Khi thấy tên mẹ trên hồ sơ trường đề nghị cấp học bổng và con có cha chết trận, ba nghi rồi. Cái tên của con làm ba đau ruột quá… Vậy chồng mẹ là người trên bàn thờ đó hả con?
Tôi thở dài. Thương mẹ bóp óc kiếm ra nhiều trò che mắt thế gian.
– Không, đó là đứa cháu xa trong họ của mẹ, con gọi bằng anh, con chỉ mới biết khi mẹ mất, giấy tờ nằm trong rương.
Bao năm tôi đã đốt nhang mỗi chiều cho người anh bà con chưa bao giờ gặp, trân trọng vái van. Đinh ninh và hãnh diện là cha mình đã hy sinh. Trận nào? Mẹ ậm ừ. Nhưng một người đã gửi xương ở chiến trường thì chẳng ai đào bới. Cũng không nỡ chạm vào nỗi đau người còn lại. Tấm hình anh bận đồ lính, mặt non choẹt. Những lúc ấy có khi mẹ nhìn tôi thật lâu nhưng chẳng nói gì. Cửa sổ linh hồn mẹ khóa phía bên trong.
Cha con im lặng. Mùi nhang khói mang hơi hướng cảm thông. Chúng tôi làm thành gia đình nhỏ, vợ chồng con cái nằm ngồi trên đồi yên tĩnh kể chuyện đời xưa.
– Đặt tên con như vậy thì chắc chắn là mẹ hận ba lắm…
– Con chưa bao giờ nghe mẹ nói gì.
– Ừ, mẹ hiền. Bởi vậy ba thương mẹ nhiều lắm.
Hiền. Mẹ hiền cha nhu nhược (mà giọng lại vang rền như nhà tướng). Để rồi trong giây phút mà mọi thứ đều rộn ràng hưng phấn chỉ có sự cẩn trọng gìn giữ đức hạnh đàn bà là mềm nhũn, đủ yếu tố để tạo một đứa con khập khiễng mồ côi.
– Lần gặp lại mẹ, ba đã đề nghị cho ba chuộc lỗi lầm, nhưng mẹ cấm ba không được lui tới nữa. Bây giờ thì ba mong con chấp nhận.
– Chuyện gì hả ba?
– Lo cho con đến nơi đến chốn như con muốn. Trước hết ba muốn đưa con lên tỉnh thăm dì và các em, cho quen.
Tới đâu gọi là nơi chốn. Và tôi chưa biết mình muốn cái gì.
– Từ từ đi ba, con sẽ đi thăm khi tinh thần sẵn sàng.
…Bây giờ thì tôi ngồi trước mặt luật sư và gia đình cha. Khoảng cách giữa chúng tôi hầu như không còn nữa. Mỗi lần tôi như khất sư trầm ngâm trước chiếc gà men hay bữa cơm với cả gia đình, luôn nghe lời khích lệ ngọt ngào ăn đi con, còn có sức mà chăm nom ba chứ; hoặc, bữa nay em thay phiên, con phải nằm nhà nghỉ ngơi – khiến tôi tin sống một mình đừng để lỡ lầm như mẹ… cũng là lời khuyên chân tình, mà vụng. Từ “con” chắc chắn đến vào dịp cha nằm bịnh viện, chẳng nhớ ngày nào.
Nhưng không muốn thằng em thay thế, tôi muốn tận lực với người vừa cảm thấy tình cảm nồng nàn thì đã đau sắp mất. Nhiều khi xúc động chồm sát để nghe giọng chuông giờ đã vỡ vụn, líu quíu kỷ niệm về mẹ, một người mẹ tôi gặp lần đầu. Cha đã có một người tình trẻ trung vui vẻ yêu kiều. Tôi chỉ có người mẹ buồn buồn xa xôi lơ đãng. Tình yêu cha đã làm mẹ sống và chết…
Để cuối cùng mẹ ngồi chung với đứa cháu nào xa lơ lắc mà ai cũng tưởng ngồi với chồng, trong khi chồng ngồi một mình nơi khác… Đoàn hát cô Ngọc Cầm dọn đi, tôi khóc, mẹ đùa “Cô ơi cô dẫn nó theo với…”. Tôi vẫn còn ở lại. Một mình.
Ông luật sư trẻ nhìn tôi ngạc nhiên lẫn cảm phục. Vợ cha nhấn mạnh:
– Đó là ý muốn của ba con, con không có quyền từ chối.
Nhưng tôi vẫn tự cho mình có quyền từ chối. Món thừa kế khổng lồ với một con người quen dè xẻn từng xu có thể đốt cháy mười ngón tay tràn trề sức sống và để lại đống tro cho lòng cố vươn lên từ kham khó. Mẹ vẫn nhắc như đĩa hát rè là đừng trông chờ vào ai cả, phải tự lo cho mình. Đó là lời dạy duy nhất về cuộc đời, chẳng nghe mẹ bảo “đừng bao giờ tin bọn đàn ông”. Không nhắc đến cũng là cách cố lội ngược con đường mà lòng vẫn giẫm chân vào. Cuối cùng ông luật sư nhẹ nhàng:
– Vậy thì cô viết quyết định đó ra đây, viết tay.
Tôi để vợ của cha quản lý số tài sản ấy, có thể lấy dùng cho các em bất cứ lúc nào. Luật sư đề nghị thêm câu “Với lý do chính đáng và có bằng chứng”. Rồi, chỉ suýt ngậm đầu cây viết, tôi nắn nót viết đầy đủ họ tên sau chữ ký: Nguyễn Thị Quên.
Paris, 3-2012
– Tranh Hoàng Tường