Từ 5-9 đến 8-9-2017, một hội nghị cấp bộ trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) với hai chủ đề chính là quản lý tài nguyên và giảm trừ ô nhiễm.
Với chủ đề thứ nhất, hội nghị ghi nhận rằng các nguồn tài nguyên như nhiên liệu hóa thạch, kim loại và chất khoáng giữ vai trò tối cần thiết trong việc xây dựng một nền kinh tế có hiệu quả. Nhưng những năm qua, hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên ở châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là châu Á, tỏ ra rất yếu kém. Năm 2015, để tạo ra một đơn vị GDP, châu Á phải sử dụng nhiều hơn 1/3 số vật tư đã sử dụng vào năm 1990. Để tạo ra 1 USD GDP, các nước đang phát triển sử dụng số tài nguyên nhiều gấp năm lần so với phần còn lại của thế giới, gấp 10 lần so với các nước công nghiệp hóa trong vùng. Chính sự kém hiệu quả trong việc sử dụng nguồn tài nguyên đã gây ra lãng phí và ô nhiễm, tác động lên trữ lượng tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe cộng đồng vốn là những yếu tố cơ bản đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với chủ đề thứ hai, số liệu cho thấy, khoảng 95% người lớn và trẻ em mắc những căn bệnh có liên quan đến ô nhiễm đang sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Châu Á – Thái Bình Dương sản xuất nhiều hóa chất và chất thải hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, với trên 80% con sông trong vùng bị ô nhiễm trầm trọng. Ước tính mức thiệt hại hằng năm do tình trạng ô nhiễm ở biển gây ra cho nền kinh tế các nước trong khu vực lên đến 1,3 tỉ USD.
Hiện nay, nhiều thay đổi lớn đang diễn ra tại châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có sự chuyển dịch từ nông thôn ra thành thị, kéo theo hệ thống quản lý nước thải và chất thải rắn được cải tiến tốt hơn, việc sử dụng các tài sản như xe cộ, nhà cửa có hiệu quả hơn. Những cải tiến về công nghệ tái tạo, vật tư, in 3D và chế tạo, sản xuất sẽ hỗ trợ cho vòng tuần hoàn của tài nguyên một cách tốt hơn. Công nghệ xanh và những đổi mới về môi sinh sẽ tạo nhiều cơ hội thuận lợi về kinh tế và nhân dụng. Năm 2016, năng lượng tái tạo đã cung cấp việc làm cho 9,8 triệu người trên khắp thế giới. Chất thải có thể chuyển thành những cơ hội về kinh tế, trong đó có việc làm. Tại Cebu, thành phố lớn thứ hai Philippines, chương trình Quản lý Chất thải rắn mang lại kết quả tốt, năm 2012, chất thải giảm được 30%. Việc xử lý chất thải hữu cơ giúp làm giảm chi phí vận chuyển và đất đai được sử dụng lâu dài hơn.
Về mặt chính sách, hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên và ngăn chặn ô nhiễm cần được đưa vào chương trình phát triển của mỗi quốc gia, thể hiện trong những luật lệ và quy định được ban hành. Trong tương lai xa hơn, các nước châu Á – Thái Bình Dương cần cải cách khẩn thiết các công cụ tài chính hỗ trợ cho một nền kinh tế có hiệu quả về tài nguyên và môi trường. Mặt khác, hai yếu tố này cũng cần được hỗ trợ bởi một hệ thống khoa học và công nghệ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy trong 12 năm tới, các nước đang phát triển có thể cắt giảm hơn 50% nhu cầu năng lượng hằng năm nếu biết tận dụng tài nguyên hợp lý và bảo vệ môi trường.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm:
- Hy vọng giảm tác hại ô nhiễm không khí từ omega-3
- Cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí tại TP.HCM
- Ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng do rác thải nhựa