Từ một chủ tổ mộc đóng bàn ghế học sinh trở thành nhà tỉ phú, ông Đoàn Nguyên Đức miệt mài lao động gần 20 năm, suốt thời gian đó, không có một tuần lễ nghỉ ngơi nào dành cho mình và vợ con. Sau tổ mộc tiến lên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, rồi chế biến mủ cao su, sản xuất đá granit. Hai năm trở lại đây đầu tư vào ngành khách sạn và du lịch.
Tháng 8 này, Qui Nhơn Resort rộng 5 ha ở Ghềnh Ráng, dưới chân núi mộ Hàn Mặc Tử, sẽ khánh thành. Vốn đầu tư 120 tỉ cho một khách sạn loại 5 sao. Mục tiêu của ông khi đầu tư vào Câu lạc bộ Hoàng Anh-Gia Lai (CLB HAGL) là đáp đền lại nơi đã tạo ra ông, làm cho địa danh Gia Lai được cả nước biết đến chứ không vì mục đích quảng bá thương hiệu. Chính vì chuyện đầu tư vào bóng đá này mà ông được nhiều người biết với tên gọi “Bầu Đức”. Một bầu bóng đá, Chủ tịch CLB HAGL. Nhưng trước khi trở thành “Bầu Đức”, con người say mê bóng đá và có con tim gắn với phố núi Pleiku – đã là một doanh nhân thành đạt.
Với bộ ria hiền từ, đôi mắt nhìn về phía trước của người vẫn còn bận rộn trong cuộc hành trình của mình, ông Đức tuy đã 44 tuổi nhưng tác phong lại còn rất trẻ, như một thanh niên mới vào đời. Quần Jean bụi, áo T-shirt loại bình thường hoặc sơ mi ngắn bỏ ngoài, trông ông còn rất thư sinh. Tuy nhiên, khi theo dõi các trận đấu của CLB HAGL, người ta sẽ thấy một bầu Đức hết mình cổ vũ cho đội bóng của mình, đôi lúc sẵn sàng nổi nóng. Bởi thế, câu chuyện giữa chúng tôi dĩ nhiên bắt đầu từ bóng đá.
____
Trong con người ông có bao nhiêu phần trăm là dành cho bóng đá?
Khoảng 30%.
____
Ông có thể cho biết vì sao ông “nhảy” vào bóng đá?
Đầu tiên, tôi tham gia tài trợ cho đội hạng Nhất Gia Lai. Sang năm 2001, tôi nhận luôn đội bóng và từ đó đội bóng mang thương hiệu Hoàng Anh. Giữa HAGL và một số đội bóng có doanh nghiệp tư nhân tham gia như Ngân hàng Đông Á (NHĐA), Thép Việt-Úc – Hải Phòng v.v… có một khác biệt trong mục tiêu đầu tư. Thật sự tôi không nhắm vào việc quảng cáo thương hiệu làm ăn của mình. Mục đích của tôi là làm cho nhiều người trên đất nước biết nhiều hơn về xứ sở Gia Lai.
____
Dường như giữa Gia Lai và ông có điều gì gắn bó như keo sơn?
Tôi sinh ra ở Bình Định nhưng từ hai tuổi, tôi đã sống ở Gia Lai. Tôi yêu Gia Lai. Môi trường Gia Lai, cây gỗ Gia Lai đã tạo ra tôi, làm sao tôi không nặng tình với xứ sở này. Tôi không chỉ muốn cả nước biết đến Gia Lai mà cả khu vực Đông Nam Á nữa.
____
Theo tôi biết, trước khi ông Nguyễn Văn Vinh, HLV bóng đá, về với CLB HAGL, ông ấy đang hứng chịu một dư luận trong giới là nắm đội nào đội đó thua, khiến cho nhiều đội không dám đụng đến ông ấy sau khi rời đội Công an TP.HCM. Ông đã nghĩ thế nào lại mời ông Vinh về HAGL?
Lúc đó, người ta bảo ông Vinh là “trâu trắng”, người mang cái xui đến bất cứ đội nào ông rớ tới. Trước khi tôi quyết định mời ông, tôi có thăm dò nhiều người và được biết ông là người có tài. Tôi không tin lời đồn và nghĩ rằng khi có đất dụng võ, ông Vinh sẽ phát huy tài năng của ông. Thực tế 3 năm qua cho thấy, ông Vinh đã thành công trong vai trò giám đốc kỹ thuật và tài cầm quân của ông đã được khẳng định. Ông là người yêu nghề, có lòng tự trọng cao, con người ông đã mang đến cho CLB HAGL một tính cách và một phong cách mà tôi rất ưng ý.
Mua Kiatisak, tôi đã lãi hơn bất cứ đội bóng nào khác cũng mua cầu thủ nước ngoài như chúng tôi.
Một sự kiện trong làng bóng đá Đông Nam Á khi ông bỏ ra số tiền lớn để mua Kiatisak về cho HAGL, rồi một số cầu thủ Thái Lan khác. Khi ấy, không ít người cho rằng đây là một kiểu chơi ngông của một nhà tỉ phú. Tôi còn nhớ cái hôm ông đón Kiatisak mới sang Việt Nam, tôi cũng có mặt tại phòng VIP Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó là buổi chiêu đãi tại tư thất của Tổng lãnh sự Thái Lan. Thật sự lúc đó tôi không tin rằng ông sẽ đi đến cùng cuộc chơi tốn kém này và HAGL khẳng định được vị trí của mình trong làng bóng Việt Nam như hiện nay.
Đúng thế. Lúc đó trên báo chí cũng có nhiều hoài nghi cách làm ăn của tôi, nhất là cho rằng tôi đã quẳng một số tiền lớn qua cửa sổ. Nhưng bây giờ thì mọi người công nhận với việc mua Kiatisak, tôi đã lãi hơn bất cứ đội bóng nào khác cũng mua cầu thủ nước ngoài như chúng tôi.
____
Nhưng cho đến bây giờ, HAGL vẫn chưa đủ sức xuất hiện trên sân chơi châu Á. Chẳng lẽ cứ quanh quẩn trong nhà?
Tôi đã nghĩ đến chuyện đó. Tôi thấy mình có thể “đứng” được ở sân chơi châu Á nếu có một hướng xây dựng đội nhắm tới hướng này. Mùa tới, chắc chắn HAGL sẽ không đầu hàng dễ dàng ở Cúp C1 châu Á.
Trở lại với bóng đá Việt Nam, sau 3 mùa bóng đá chuyên nghiệp vẫn giẫm chân tại chỗ. Theo tôi LĐBĐVN ít người có đầu óc chuyên nghiệp và tổ chức cao, không thể thúc đẩy giải V.League nói riêng và bóng đá chuyên nghiệp đi lên. Ở các nước có nền bóng đá phát triển như ở Pháp chẳng hạn, bên cạnh LĐBĐ quốc gia, người ta còn tổ chức một hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp để chuyên lo giải chuyên nghiệp như Ligue 1 và Ligue 2 cùng các vấn đề liên quan đến bóng đá chuyên nghiệp. Theo ông, tại Việt Nam có nên tổ chức một hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp nằm trong LĐBĐVN?
Nói theo ý anh thì hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp thực chất là sự mở rộng và nâng cấp ban chuyên nghiệp của LĐBĐVN. Theo tôi, đây là hướng nên làm. Bóng đá chuyên nghiệp trước hết phải là tiếng nói của các CLB chuyên nghiệp. Hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp được 12 CLB chuyên nghiệp và các đội bóng ở hạng Nhất bầu lên. Nhưng người đứng đầu phải ở ngoài các CLB chuyên nghiệp để bảo đảm tính khách quan cho hiệp hội – hiệp hội này sẽ trực tiếp tổ chức giải chuyên nghiệp, điều hành các vấn đề liên quan của bóng đá chuyên nghiệp dưới sự giám sát của LĐBĐVN. Như thế, LĐBĐVN được giải phóng bớt khối lượng công việc, có thể tập trung đầu tư cho các vấn đề chung phát triển bóng đá từ đào tạo, định hướng phát triển bóng đá chuyên nghiệp lại có đủ người và điều kiện để tổ chức và thúc đẩy các giải chuyên nghiệp và bóng đá chuyên nghiệp.
Câu chuyện về bóng đá của chúng tôi còn dài lắm, nhưng tôi phải chuyển hướng sang chuyện làm ăn. Trong lĩnh vực này, có vô số điều thú vị liên quan đến ông. Nhiều khi tôi vẫn nghĩ, động lực và sức mạnh nào đã thúc đẩy một thanh niên tay không, nghề mộc thô sơ trở thành doanh nhân số 1 vùng Cao nguyên và một tên tuổi cả nước đều biết? Ông tâm tình: “Hồi nhỏ tôi có mỗi một ước mơ được vào đại học. Nhưng thi cả ba lần đều rớt, một lần thi trường Y dược và hai lần thi vào Nông nghiệp 1 (các năm 1982 – 1983 – 1984). Quá thất vọng, tôi tự nghĩ: Đời người chỉ có hai con đường, hoặc vào đại học, không được thì đi làm kinh tế. Nôm na là đi buôn bán, làm ăn. Thế là cùng một số bạn đồng lứa, tôi mở một tổ làm đồ mộc. Ai đặt gì làm nấy…”.
____
Chuyện của ông cứ như thần thoại. Hai mươi năm nhìn lại con đường đã trải qua, nhớ lại cái tổ mộc thời đó, cảm tưởng của ông ra sao?
Tôi tưởng hôm nay không phải là tôi. Như nằm mơ.
____
Nhưng làm thế nào từ đóng tủ, bàn ghế học trò lại vươn lên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu?
Khoảng năm 1988-1989, có người Đài Loan sang hợp tác. Tôi học nghề chế biến gỗ với họ. Họ đưa sang máy móc và chuyên gia. Tôi mua máy trả bằng sản phẩm. Sản phẩm họ bán cho nước thứ ba. Mãi ba năm sau, tôi mới tìm ra đường xuất trực tiếp sang châu Âu.
____
Ông đã phất lên như thế nào?
Trước hết do tôi tính toán đúng. Năm 1997, Chính phủ mình cấm xuất khẩu gỗ, kể cả sản phẩm gỗ chế biến. Nhưng tôi nghĩ chẳng lẽ cấm cả sản phẩm gỗ chế biến từ nguyên liệu nhập. Vào thời điểm mà nhiều người ngưng hoạt động, tôi xây dựng lên hai nhà máy sản xuất đồ gỗ tại Qui Nhơn và TP.HCM rồi nhập gỗ từ Myanmar về. Quả thật tính toán của tôi không sai. Và tôi đã trúng lớn. Có thể nói tôi là một trong những người đầu tiên đi vào công nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Lúc tôi xây nhà máy, nhiều người trong nghề cho rằng tôi điên.
____
Chắc chắn ông không điên rồi. Nhưng sao từ gỗ lại chuyển sang mủ cao su và đá granit?
Đó là những thứ mà Gia Lai và miền Trung có. Tôi cũng là một trong những người đầu tiên sản xuất đá granit chế biến. Đá granit lấy ở Gia Lai và các tỉnh lân cận. Ngành này mới xuất hiện tại Việt Nam khoảng 5 năm. Hiện cả nước có khoảng 15 nhà máy, tập trung ở miền Trung. Ở TP.HCM cũng có nhà máy chế biến đá granit nhưng nguyên liệu cũng từ miền Trung.
____
Đá granit ở Việt Nam chất lượng ra sao?
Thuộc loại tốt. Tốt nhất thế giới vẫn là granit ở Ý, kể cả công nghiệp chế biến tại đây.
Có hai con đường sập tiệm: Với quốc doanh là lạm dụng, tham ô, lợi dụng tư cách đặc biệt để vay bừa bãi, còn doanh nghiệp tư nhân thì do lòng tham, trốn thuế, buôn lậu.
____
Lý do nào khiến ông lại đầu tư vào ngành khách sạn?
Có nhiều lý do nhưng lý do lớn nhất là vì lĩnh vực kinh doanh này lãi đến hai đầu: lãi thu từ cho thuê phòng và lãi cả bất động sản. Ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới càng phát triển mạnh hơn nữa, bởi Việt Nam là điểm đến an toàn. Hơn nữa, tôi cũng tính làm sao vài năm nữa bắt đầu có thể nghỉ ngơi. Làm khách sạn để bớt dần đi các cuộc làm ăn bận rộn khác.
____
Kinh doanh khách sạn lại khỏe hơn sao?
Bạn bè cũng thắc mắc như thế. Họ bảo: “Mày làm đủ thứ, bây giờ lại thêm khách sạn. Thời giờ đâu mà mày trông coi?”. Thật sự ngành khách sạn hiện đại mình đâu có quản lý. Mình chỉ đầu tư, còn quản lý tôi mướn ê kíp điều hành bên Singapore sang quản lý như trường hợp Qui Nhơn Resort sẽ khai trương vào tháng 8 này.
____
Hiện ông dự định đầu tư bao nhiêu khách sạn?
Ngoài Qui Nhơn Resort rộng 5 ha ở Ghềnh Ráng, nằm ngay dưới chân núi có mộ Hàn Mặc Tử, tôi đã cho khởi công xây một khách sạn 14 tầng tại Pleiku. Cho đến nay, ở đây không có một khách sạn nào… ở được. Chất lượng rất kém. Tỉnh phát triển mà không có khách sạn tiêu chuẩn ít nhất 4 sao là một thiệt thòi. Đầu năm sẽ khởi công xây một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng. Tôi đã đến thầu và sẽ cải tạo tại Đà Lạt một khu gồm 36 biệt thự, ngang đường Nguyễn Du. Các biệt thự đều được sửa sang, nâng cấp. Khu biệt thự sẽ có vườn lan, sân tennis, hồ bơi nước nóng, hội trường phục vụ cho hội nghị v.v…
____
Cho tôi hỏi thật, ngồi trên cao sự thành công, ông có âu lo lúc nào đó cơ đồ của mình bị đe dọa?
Có chứ. Trong đầu của tôi luôn luôn nghĩ đến nguy cơ nào đó có thể xảy ra. Có quá nhiều đại gia sập tiệm. Khi mình không tính toán kỹ, làm quá sức mình dẫn đến thất bại thì lúc đó mình khốn đốn hơn cả cái anh chạy xe ôm. Theo tôi nhận định, có hai con đường sập tiệm: Với quốc doanh là lạm dụng, tham ô, lợi dụng tư cách đặc biệt để vay bừa bãi, không kiểm soát được trong kinh doanh, đi đến đổ vỡ như Epco. Còn doanh nghiệp tư nhân thì do lòng tham, trốn thuế, buôn lậu, làm những điều phi pháp như Tân Trường Sanh. Nếu tránh được những bê bối kể trên thì khả năng giữ được cho doanh nghiệp mình bền vững là rất cao. Muốn bền vững, không nên làm quá sức mình. Có người vẫn quan niệm dựa vào ngân hàng gần như tuyệt đối để đầu tư nhưng riêng tôi rất dè dặt, vay ngân hàng không quá 30% tổng tài sản tôi có. Trong Qui Nhơn Resort đầu tư lên 120 tỉ, có đến 70% là tiền của tôi bỏ ra.
____
Với ông, đồng tiền có ý nghĩa gì?
Nói rằng đồng tiền mang lại hạnh phúc không đúng nhưng cũng thật khó cho hạnh phúc nếu không có tiền. Tôi xuất phát từ nghèo khó nên tôi rất quý trọng đồng tiền làm ra. Làm ra tiền đã khó mà giữ đồng tiền có được càng khó hơn. Từ khi vươn lên, 20 năm qua tôi cố gắng không để một lần thất bại.
____
Cuộc đời ông như thế là may mắn…
Theo tôi, để thành công không thể dựa vào may mắn. Trong bóng đá cũng thế, không thể chờ đợi, thắng bằng may mắn. Hai mươi năm của tôi là ý chí và quyết tâm không ngơi nghỉ. Tôi nói nhưng không ai tin: tôi không có một tuần lễ nào nghỉ ngơi hay đưa vợ con đi chơi. Tôi là người say mê công việc không kể giờ giấc. Mỗi ngày tôi làm việc từ 15-18 tiếng.
Hai mươi năm của tôi là ý chí và quyết tâm không ngơi nghỉ. Tôi nói nhưng không ai tin: tôi không có một tuần lễ nào nghỉ ngơi hay đưa vợ con đi chơi.
____
Trong vấn đề quản lý, ông là người được tiếng trọng người tài, dám tin và trao trách nhiệm cho những người cộng sự với mình. Ông có cách cử xử đặc biệt nào với họ không?
Tôi rất ý thức sự nghiệp hôm nay của tôi không do một mình tôi dựng xây lên. Đây là kết quả của nhiều người, của tất cả các cộng sự. Một nguyên tắc tôi đặt ra trong sự xử sự với các người cộng sự của mình: không bao giờ để xảy ra tình trạng “đứng núi này trông núi nọ”. Đồng lương phải xứng đáng lẽ đương nhiên mà còn cách đối xử đàng hoàng và xứng đáng.
____
Phải quản lý một số lượng lớn lao động của nhiều ngành khác nhau như thế, lại còn quản lý một đội bóng nữa, anh có thấy vất vả không?
Vất vả chứ. Chính vì quản lý lao động vất vả nên chuyển dần sang khách sạn đấy chứ. Anh cứ tưởng tượng phải quản lý 5.000 con người thì phức tạp như thế nào. Khách sạn thì tôi giao cho tập đoàn quản lý Singapore tính toán thay mình. Còn quản lý đội bóng? Theo tôi, quản lý lao động đã mệt, quản lý đội bóng vất vả không kém. Khi HAGL xuống TP.HCM thi đấu với NHĐA, tôi cho tịch thu tất cả điện thoại di động. Tôi nói trước, bắt gặp bất cứ cậu nào đang sử dụng điện thoại thì coi như có tiêu cực và bị xử lý ngay, không cần biết gọi điện cho ai và nội dung là gì. Có người theo dõi sát các cầu thủ, nhất là những cầu thủ từng có vấn đề trước đây. Cổng ra vào cũng có người canh giữ.
Còn một chuyện cực lòng nữa đó là bị đối phương xin điểm. Xin ở ngoài sân và cả trong sân. Trong lúc thi đấu, cầu thủ đội yếu không ngớt nài nỉ cầu thủ mình…
____
Câu hỏi cuối cùng: HAGL sẽ vô địch mùa này?
Anh em đều quyết tâm như thế.