Nguyễn Vĩnh Nghiệp – Anh hùng lao động, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, thường thức dậy từ bốn giờ sáng, đi bộ và bắt đầu công việc của mình ngay buổi ăn sáng vào lúc bảy giờ. Kéo dài cho tới đêm khuya là những chuyến đi xa, những buổi thuyết khách, thương thảo, “xin xỏ và năn nỉ”…
Áo sơ mi trắng và chiếc cà vạt nâu thanh lịch, trông ông trẻ và nhanh nhẹn hơn so với tuổi 70 rất nhiều, dù đã từng trải qua bệnh tật. Ông thuộc làu những con số, những khoản tiền, những tên người. Dường như tất cả đã ăn vào máu của ông. Đó là 130 ngàn ca mổ sáng mắt miễn phí cho người mù nghèo, 62 tỉ đồng tình nghĩa mà Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đã quyên góp được suốt 10 năm qua, và những con người đã cùng ông làm nên biết bao chuyện cổ tích đời thường.
Vừa đi “xóa mù” ở Cà Mau trở về, ông lại chuẩn bị lên đường “xóa mù” ở Cần Thơ. Buổi nói chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng liên tục bởi những cuộc tiếp Hội Từ thiện Mỹ, Pháp. Người đại diện Tổ chức từ thiện Fred Hollows, nơi cung cấp thủy tinh thể cùng nhiều tiến bộ kỹ thuật cho Hội qua chương trình Đem ánh sáng cho người mù nghèo, xúc động phát biểu :“Tổ chức chúng tôi đã đồng hành cùng Hội của ông Nghiệp trong 10 năm nay, và không biết dùng từ gì cao hơn để nói về ông là sự ngưỡng mộ, cảm phục. Tại sao ông làm từ thiện y tế thành công đến vậy? Khi trong tay không có một đồng xu, không có lực lượng chuyên môn, không có kỹ thuật? Chính là nhờ ông đã biết tổ chức một cách rất hệ thống, phối hợp nhịp nhàng mọi giới, mọi cấp và nhất là vượt qua cơ chế. Thực sự để tự chúng tôi làm thì chuyện xin giấy phép thôi cũng vô cùng mệt nhọc. Có khi cho tiền mà họ còn không dám nhận. Nhưng với ông, chỉ mất một ngày. Qua ông, mọi việc đều được “đóng dấu”, đó là sự tin tưởng. Ông sử dụng rất giỏi bộ máy vận hành công việc từ thiện trên toàn đất nước qua các vị chủ tịch tỉnh, huyện, xã. Nếu không qua hệ thống này, việc xóa mù cứ giẫm chân tại chỗ. Bản thân tôi đã đi nhiều và hiểu rất rõ điều ấy. Chỉ cần báo trước hai ngày, ông có thể huy động hơn 500 giáo sư, bác sĩ khắp các tỉnh thành, đi bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Trao thẳng tiền cho ông, mọi việc đi rất nhanh, hiệu quả”.
Khác với nơi xưa ông thường ngồi trong một căn phòng sang trọng và rộng mênh mang, giờ là một góc phòng nhỏ xíu. Chỉ có hai chiếc ghế xếp, giấy tờ ngổn ngang và ba chiếc điện thoại, của ông, của Hội và chiếc di động đời cũ reo liên tục… Lạ một điều là ai cũng đòi phải gặp bằng được, phải trao bằng được tiền vào chính tay ông. Ông cười xòa bảo tôi, nụ cười thật hiền: “Vào đây cho ấm, cho yên, nói chuyện mới được”.
____
Không phải người làm từ thiện nào cũng may mắn như ông, bởi làm từ thiện đâu có dễ. Theo ông, may mắn đó do đâu mà có?
Tôi cũng thấy mình làm từ thiện có may mắn hơn nhiều anh em khác. May mắn này theo ý chủ quan của tôi có lẽ là do được người ta thương. Ai cũng nói sở dĩ tôi làm từ thiện có kết quả, doanh nghiệp ủng hộ tích cực, cũng là nhờ hồi còn làm Chủ tịch Thành phố, tôi gieo trồng, bây giờ gặt hái. Còn anh Dương Đình Thảo (nguyên Giám đốc Sở VHTT) thì đùa: “Ngày đó ông bỏ ống, giờ ông đập heo”. May mắn nữa là cuộc đời tôi không có rắc rối gì nhiều. Tôi nghĩ đơn giản vậy thôi, không biết có đúng không.
____
Theo ông, khả năng tập hợp và uy tín cá nhân có phải là điều quyết định của công việc từ thiện? Làm cách nào ông có thể vận động được những khoản tiền rất lớn như vậy?
Bây giờ, sau 10 năm vất vả, nhiều lúc tôi cũng muốn xin nghỉ để dưỡng bệnh và viết hồi ký, nhưng anh em không cho: “Nếu chú nghỉ, Hội sẽ sụp đổ. Thành ủy có thể kiếm người giúp chú, nhưng rất khó có người thay thế”. Tôi cứ cố làm là vì thế. Làm công tác Hội mà không có uy tín, không tâm huyết, không được người ta thương, thì làm sao có kết quả. Khi người ta đã tin, đã thương, thì sẽ ủng hộ rất lớn, còn không thì chỉ là lấy lệ. Ban đầu khi mới thành lập Hội, tôi cũng rất lo, vì tình hình cơ chế còn rất khó khăn.
Nhưng may mắn là năm nào chúng tôi cũng vượt kế hoạch. Đầu tiên mỗi năm trên dưới 5 tỉ đồng. Năm năm nay, mỗi năm khoảng 10 tỉ. Riêng năm 2002 là 20 tỉ, 2003 là 30 tỉ… Thành công ấy là nhờ uy tín của Hội TP.HCM và các hội địa phương ngày càng nâng cao. Làm công tác Hội suốt 10 năm nay, tôi thấy rất rõ điều ấy. Người chủ tịch mỗi chi hội trước hết phải có uy tín, có tấm lòng, chịu thương chịu khó, nhẫn nại, không sĩ diện, không tự ái, như các chủ tịch hội ở Bình Phước, Bến Tre, Kiên Giang chẳng hạn.
Có lần anh em chúng tôi gặp một bà giám đốc mặt lạnh như tiền, mình nói chưa hết câu bà đã bỏ đi, anh em nói: Thôi mình về đi chú, họ khi dễ mình quá. Tôi bảo, cứ nhẫn nại chờ. Sau đó bà ấy cử nhân viên thảy ra 5 triệu đồng. Anh em bảo tôi: “Chú đừng nhận”. Tôi nói: “Mình xin đâu phải cho mình, mà cho những trẻ em bất hạnh, người ta có nói nặng nói nhẹ mình cũng ráng chịu đựng”. Thậm chí có người ngày xưa năn nỉ được gặp tôi khi tôi còn tại chức, giờ tôi điện thoại năm lần bảy lượt họ không nhấc máy, hoặc tránh mặt, chỉ cho nhân viên ra tiếp…
Nhưng số đó ít thôi, còn đa số là người tốt, nhiệt tình. Chị Thu Ba – Giám đốc Xí nghiệp Cầu Tre giúp cho Hội năm năm liền, mỗi năm 150 triệu đồng. Chị nói với tôi: “Anh Sáu lớn tuổi, về hưu đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, nhưng vẫn đi làm từ thiện giúp cho trẻ em bất hạnh, tụi em rất cảm phục. Nhưng tới giờ tụi em mới giúp được, thật là có lỗi”. Người ta giúp nhiều như vậy, mà vẫn cảm thấy có lỗi, thật hết sức cảm động. Trong cả trăm người, thì cũng có năm, sáu người làm mình đau buồn, thậm chí cay đắng. Tối nằm nghĩ lại, nhiều khi buồn quá, rớt nước mắt lúc nào không hay. Nhưng cứ nghĩ đến trẻ em bất hạnh cần mình, thôi lại dẹp bỏ tự ái, sĩ diện.
Nhưng có uy tín, có tâm huyết thôi chưa đủ, mà còn phải biết cách làm, mới có được sự ủng hộ lớn…
Mình xin đâu phải cho mình, mà cho những trẻ em bất hạnh, người ta có nói nặng nói nhẹ mình cũng ráng chịu đựng.
____
Ông có thể cho biết rõ hơn về những cách làm đầy sáng tạo của mình?
Ngoài việc vận động lớn, tôi rất coi trọng vận động nhỏ. Mỗi lần đến các doanh nghiệp, tôi không chỉ vận động doanh nghiệp, mà vận động giám đốc, công đoàn, công nhân, mỗi người bớt ra hai ngày lương chẳng hạn. Ở chợ thì vận động chị em tiểu thương nhịn ăn quà sáng mỗi tháng hai lần… Hay như phát động phong trào nuôi heo đất ở Sài Gòn Co.op, trong học sinh, sinh viên… Vừa giáo dục lòng nhân ái, lá lành đùm lá rách, vừa góp gió thành bão. Mỗi lần đề ra một phương thức mới, phải suy nghĩ cách làm thế nào phù hợp với tình cảm, tâm lý, hoàn cảnh từng giới, từng người.
Văn nghệ sĩ thì hoạt động nghệ thuật từ thiện, kể cả hoa hậu từ thiện. Đối với Phật giáo làm hai hình thức: dâng hoa cúng dường và trai đàn. Đối với Công giáo thì phát động phong trào các cha làm từ thiện. Với doanh nghiệp thì làm bằng nhiều cách, gắn doanh nghiệp với các tỉnh có nhà máy, để có lợi cho việc làm ăn của doanh nghiệp. Hoặc gắn với sản phẩm của doanh nghiệp như: “Mỗi hộp bánh trung thu của Kinh Đô trích 1 ngàn đồng từ thiện” năm 2003 thu được 50 triệu, hay “Uống một chai Pepsi là bạn đã dành 100 đồng để đem lại ánh sáng cho người mù nghèo” thu được cả tỉ bạc trong 1 tháng 10 ngày.
Nếu một lúc bỏ ra một số tiền lớn có thể không được, nhưng làm bằng hình thức này họ ủng hộ được, vì có lợi cho sản phẩm của mình. Hay như việc tổ chức hội chợ từ thiện của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản chẳng hạn, một buổi thu được 25 đến 30 ngàn USD, trong khi mình làm hội chợ có khi còn bị lỗ. Ngoài ra, còn có rất nhiều hình thức như giải Golf từ thiện, đi bộ từ thiện, bóng đá từ thiện, bán đấu giá từ thiện… Ngay như việc tang lễ từ thiện, đám cưới từ thiện, ban đầu khi tôi đề ra không ai tin, nhưng đến giờ hiệu quả rất lớn.
____
Hiện nay ở các nước, khi doanh nghiệp làm từ thiện thì khoản tiền đó được đưa ra khỏi thu nhập tính thuế, nhưng ở Việt Nam thì khác, điều đó theo ông có hạn chế mức tham gia của doanh nghiệp vào phong trào từ thiện? Theo ông, còn những khó khăn nào nữa về cơ chế?
Công việc từ thiện lẽ ra là trách nhiệm của Nhà nước, khi doanh nghiệp có tâm huyết cùng chia sẻ với Nhà nước trọng trách này, thì phải được khuyến khích. Tôi đã đấu tranh về việc này cả chục năm nay, nhưng vẫn chưa thấy được giải quyết. Cơ chế thủ tục nhận viện trợ cũng rất khó khăn, kiến nghị nhiều năm nay thì được Nhà nước hứa sẽ phân cấp cho thành phố, nhưng vẫn chưa thực hiện. Nhiều tổ chức từ thiện nước ngoài thấy khó quá, nên đã bỏ đi sang nước khác.
Lô thuốc quý của Hàn Quốc đã vấp phải bộ máy độc quyền của Bộ Y tế, hay lô máy móc về nha của Nhật Bản chạy quá trời vẫn không có cơ quan nào giám định để cho nhập… Ấy là chưa kể những khó khăn trong nội bộ. Khi xét giúp, tôi không phân biệt người của địa phương nào, trẻ em khuyết tật nào cũng là người Việt Nam, nhưng cơ chế thì còn phân biệt lắm. Riêng chuyện chầu chực đi xin cơ chế Nhà nước nhiều lúc làm tôi hết sức buồn, bị nói nặng nói nhẹ đủ điều, nếu không tâm huyết, nhẫn nại dẹp bỏ, không thể làm được như hôm nay.
Công việc từ thiện lẽ ra là trách nhiệm của Nhà nước, khi doanh nghiệp có tâm huyết cùng chia sẻ với Nhà nước trọng trách này, thì phải được khuyến khích.
____
Ông đã trải qua những cú sốc lớn về tinh thần. Là người lãnh đạo dám nói, dám chịu, dám kiến nghị với Trung ương nhiều chính sách cải cách cho thời đổi mới của thành phố, và cũng từng bị hiểu lầm… Sau đó lại là căn bệnh viêm thanh quản nặng đã làm ông mất hẳn tiếng nói… Ông đã vượt qua những cơn sóng dữ ấy như thế nào, để vẫn là người sống khỏe, sống có ích?
Ngày tôi xin thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng có nhiều anh em phản đối, vì yêu thương quý mến, thậm chí Bộ Chính trị cũng không đồng ý. Tôi nghĩ khi nhân dân tín nhiệm, thương mến, tin tưởng mình, tôi rất cảm ơn, nhưng tôi phải có lòng tự trọng. Căn bệnh quái ác đã ảnh hưởng đến tiếng nói của tôi. Làm chủ tịch thành phố, phải tiếp khách, phải nói trước nhân dân, mà tiếng nói như vậy thì không thể… Tôi đã xin nghỉ hưu. Đến khi nằm viện, tôi thấy quá xót xa đau lòng.
Mình làm cách mạng bao nhiêu năm với lý tưởng đấu tranh giành độc lập, cho dân giàu nước mạnh, mà thấy dân còn khổ quá, còn nhiều bất hạnh quá… Nhìn các bé sứt môi, hở miệng, tôi tự thấy mình còn nợ với nhân dân. Tôi đã quyết tâm lấy lại sức khỏe, tập nói từ từ, từng tiếng một như trẻ thơ, và dần dần nói được trở lại, tuy còn rất khó nghe.
Nhiều khi thấy tôi đi nhiều, làm nhiều, con cái nóng ruột, nhưng anh em bảo: “Chú Sáu còn khỏe hơn tuổi 70 của mình rất nhiều là nhờ làm từ thiện”. Anh Mười Hải, Phó chủ tịch hội bị ung thư phổi cũng qua được, ai cũng nói đó là điều kỳ diệu do làm từ thiện… Riêng tôi nghĩ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác đã giúp tôi lấy lại sức khỏe.
____
Ông còn có một người mẹ, người vợ rất tuyệt vời, ông có thể nói một chút về hai điểm tựa của đời mình? Điều gì lớn nhất ông muốn giáo dục cho các con?
(Cười rạng rỡ) Thực sự là một cán bộ lãnh đạo, nhưng lúc nào tôi cũng phải đi thưa về trình với má tôi. Mỗi bữa ăn phải có tôi bên cạnh gắp đồ ăn, má mới ăn ngon miệng. Nhà có mình tôi là con trai, nên má thương lắm. Má là người mẹ Việt Nam tuyệt vời, cả đời lo cho chồng con, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Các con của tôi đối xử với cha mẹ cũng như tôi đối xử với má vậy. Những ngày chiến tranh, vợ tôi vừa hoạt động, vừa làm việc nuôi con, bây giờ lại để thời gian rảnh rỗi cho tôi làm từ thiện. Bà ấy luôn an ủi các con: “Hãy yên tâm, ba khỏe, ba làm được, đi được”. Trong gia đình tôi, giáo dục lòng nhân ái cho con là quan trọng nhất. Tôi làm việc ở Hội hoàn toàn không có lương, các cháu mỗi đứa góp một chút nuôi cha, nuôi mẹ và cùng làm từ thiện với cha rất tích cực.
Làm Chủ tịch UBND được ra chỉ thị, được ra lệnh, còn giờ thì phải thuyết phục và năn nỉ thôi.
____
Khi nào ông mới bắt đầu viết hồi ký? Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông suy nghĩ thế nào về tình đời, tình người?
Anh em cũng nhắc tôi viết hồi ký hoài. Biết bao điều về thời kỳ chống Mỹ, mối quan hệ giữa thành phố và Trung ương, cái chung và cái riêng… Rất khó để có thể nói thẳng, nói thật, dễ va chạm lắm. Nhưng đã viết thì phải trung thực, khách quan. Đến một lúc nào đó có thể, tôi sẽ viết, để lại cho con cháu, cho thế hệ sau thấy được.
Có nhiều chuyện không ai biết sẽ mai một đi… Tu dưỡng từ nhỏ, tôi nhận thấy trong đối nhân xử thế, muốn có nhiều bạn, muốn đoàn kết được, phải rộng rãi với mọi người, và nghiêm khắc với chính mình. Làm gì đem lại lợi ích cho dân cho nước là sung sướng, hạnh phúc. Nhiều người hỏi tôi làm Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hội, chức vụ nào thích hơn? Tôi nói: “Tôi không ham chức chủ tịch, làm gì có lợi cho dân cho nước là thích thôi.
Như chuyện làm cầu đường cho Nhà Bè, Duyên Hải, hay chuyện thành lập Viện Tim, cứu sống hàng chục ngàn người. Tuy vậy, làm Chủ tịch UBND cũng có khác, là được ra chỉ thị, được ra lệnh (cười), còn giờ thì phải thuyết phục và năn nỉ thôi. Đôi khi tôi cảm thấy mệnh lệnh từ trái tim mạnh hơn tất cả. Có thể nói, tôi là một người đầy tham vọng, đó là tham vọng mang lại hạnh phúc cho người khác.