Nơi GS.TS. Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường Đại học An Giang đang ở là một ngôi nhà trệt khiêm tốn nằm sát rào Trường Đại học An Giang, giữa bốn bề là cỏ và tiếng côn trùng nỉ non. Ngôi nhà này cũng giống ngôi nhà nằm trong khu tập thể của Trường Đại học Cần Thơ cấp cho gia đình ông từ những ngày đầu tiếp quản.
Ông bắc sẵn cái bàn xếp với mấy cái ghế nhựa ngoài sân. Khi có tiếng chân người, ông vội vã chạy ra, trên tay còn cầm cái dĩa tráng đáy một ít thức ăn. Một người học trò cũ và cũng là đồng nghiệp của tôi nói nhỏ: “Thầy đang cho cô ăn đó”. Ông bước đến kéo ghế mời khách, và nói như phân bua: “Mấy ông khách Tây mới vừa đi. Bạn bè lâu lâu đến làm việc, nên phải mời cơm. Chứ hoàn cảnh tôi bây giờ đơn chiếc quá…”.
____
Cả nước biết đến ông vì ông là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng hiệu quả vào công việc sản xuất của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng những năm gần đây, hoạt động của ông hướng theo cái nghiệp quản lý giáo dục?
Sau khi hoàn tất công trình bảo vệ luận án tiến sĩ nông học ở Nhật, về nước, tôi bắt đầu sự nghiệp của mình từ vị trí của một nhà giáo và sự đam mê nghiên cứu khoa học. Nhưng tựu trung vẫn là vì những người nông dân chân lấm tay bùn và sự phát triển của đồng đất quê mình. Tính đến nay, tôi đã có trên 30 năm làm nhà giáo và cũng có nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng vào đồng ruộng nông thôn Việt Nam. Bây giờ công việc của tôi vẫn được tiếp tục, với một trách nhiệm mới hơn nữa: đó là xây dựng Trường Đại học An Giang, một ngôi trường vừa tròn 4 tuổi, mọi thứ còn mới mẻ quá, còn biết bao điều đang cần được tiếp tục hoàn thiện, buộc phải tập trung cho nó nhiều hơn.
____
Đứng trước xu thế hội nhập thế giới, giáo dục Việt Nam cần có sự chuyển đổi cơ bản. Hình như ai cũng nói như vậy, nhưng vì sao chất lượng giáo dục ở nước ta vẫn bị dư luận xã hội ca thán. Theo ông là do đâu?
Tôi cho rằng, tựu trung là từ sự khác biệt giữa năng lực và đào tạo. Và nguyên nhân sâu xa chính là những bất cập trong quy trình đào tạo, nội dung giảng dạy, quy chế ưu tiên tuyển theo diện lý lịch, và nhất là trong đầu tư trang thiết bị… của ngành giáo dục từ các cấp phổ thông đến đại học (ĐH) đã tạo kẽ hở cho học sinh, sinh viên ra trường với chất lượng không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thật tình mà nói, chúng ta đang trên tư thế chạy đua mà lại không được trang bị đủ thể lực. So với Thái Lan, quốc gia có diện tích lớn hơn gấp 3 lần Việt Nam, chỉ có 40 trường đại học, mà trong đó gần phân nửa là trường tư, còn lại hơn 20 trường công lập, trường nào cũng được đầu tư đồng bộ và đầy đủ trang thiết bị. Trong khi đó chúng ta lại có số lượng trường đại học cao hơn họ đến 3 lần (120/40), bộ nào cũng có trường, mà rất ít trường được đầu tư đồng bộ.
Trong khi đó sách giáo khoa, giáo trình và chương trình học của ta lại rất nặng nề với nhiều môn học chưa cần thiết, không chừa thời gian cho sinh viên tự tìm tòi học hỏi, phát triển tư duy. Mặt khác, hệ thống đào tạo của ta lại phân tán, trường nào cũng có một số ngành giống nhau, dẫn đến chồng chéo lên nhau. Đó là chưa kể đến việc phân phối một số môn học không hợp lý. Trong khi đó, ở các nước, người ta xây dựng quy trình học rất tinh gọn và dành thời gian thực hành và tự học nhiều gấp đôi giờ học lý thuyết. Thái Lan đang chuẩn bị cải tiến giáo dục phổ thông bằng biện pháp nâng cấp trình độ giáo viên tiểu học. Năm 2005 này, tất cả giáo viên tiểu học phải có bằng thạc sĩ giáo dục. So với ta, nhất là ở vùng ĐBSCL, giáo viên tiểu học vẫn còn nhiều người mới có trình độ lớp 9+3. Nhiều thầy cô giáo này qua thi tuyển, để học lớp cao đẳng ngành tiểu học đã đem “phao” vào phòng thi, trong “phao” có những công thức toán học rất sơ đẳng như “diện tích hình chữ nhật bằng chiều dài nhơn chiều rộng”! Do đó, có thể suy ra các cháu học phổ thông của ta trình độ cỡ nào.
Nhiều nhà mô phạm tâm huyết đã lên tiếng, chúng ta cũng nhận thức được vấn đề. Cần phải thay đổi hiện trạng giáo dục Việt Nam một cách cơ bản và toàn diện như Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng nêu ra, mới mong có được nguồn nhân lực thật sự đủ sức đảm đương trọng trách hội nhập kinh tế thế giới. Nhưng tôi nghĩ chắc đâu rồi lại vào đó, vì đổi mới bằng những con người cũ thì cuối cùng vẫn theo vết cũ.
Cần phải thay đổi hiện trạng giáo dục Việt Nam một cách cơ bản và toàn diện vì đổi mới bằng những con người cũ thì cuối cùng vẫn theo vết cũ.
____
Hiện nay, công trình khoa học ứng dụng thiết thực vào đời sống quá hiếm hoi trong khi đất nước ta có hàng ngàn tiến sĩ, giáo sư. Cầu treo bắc qua kinh mương, máy gặt đập liên hợp, dời nhà cao tầng, thậm chí cả chế tạo máy bay… đều từ sự sáng tạo của những nông dân. Sao vậy, thưa ông?
Tham gia Hội đồng Giáo sư xét duyệt chức danh phó giáo sư và giáo sư, tôi thấy giáo sư và phó giáo sư ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản… được công nhận mỗi năm chỉ có vài ba chục người, còn ở lĩnh vực kinh tế và y dược thì có đến hàng trăm. Hai ngành đào tạo về kinh tế và y dược cả nước mỗi năm có gần 100.000 sinh viên theo học, họ phải làm nghiên cứu cho công trình tốt nghiệp, do đó thầy cô dạy kinh tế và y dược có được nhiều công trình để đủ điều kiện được công nhận học hàm cao, cho dù giá trị và chất lượng của những công trình ấy chưa biết có đáp ứng được yêu cầu thiết thực cho sự phát triển tích cực của đất nước hay không. Trong khi đó, việc “phiên ngang” bằng cấp phó tiến sĩ trở thành tiến sĩ đã làm cho số người có bằng tiến sĩ của ta tăng rất nhanh, với chất lượng chuyên môn rất khác nhau nên năng lực cống hiến chuyên môn cho xã hội cũng rất khác nhau. Còn nếu hỏi sao không đặt ra yêu cầu công trình nghiên cứu phải được ứng dụng vào thực tiễn, được cuộc sống thừa nhận song song với công trình được đăng tải trên một tạp chí khoa học uy tín mới tiến hành xét duyệt học hàm, học vị… thì lại làm xáo trộn quy trình đã được thiết lập. Chính vì vậy mà trong khi cuộc sống cứ mãi khát khao sự cống hiến của khoa học, thì trên kệ sách lại tiếp tục chen chúc quá nhiều công trình chưa sử dụng đến.
Đó chính là nguyên nhân cơ bản khiến các nhà khoa học được đào tạo trong nước có sự khác biệt quá lớn giữa bằng cấp và năng lực, tạo kẽ hở cho nhiều người sính bằng cấp có được bằng mà không phải qua quá trình học tập nghiêm túc và đầy đủ.
Chúng ta rất tự hào vì chẳng những có rất nhiều người có học hàm, học vị đang làm việc trong nước mà còn có một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới. Nhưng sở dĩ nhiều người có thực tài trong số họ chưa đóng góp đáng kể vào sự phồn vinh của đất nước vì chính sách đào tạo và sử dụng người của chúng ta chưa hợp lý. Nói cách khác, chúng ta đã hoang phí nhân tài: Cấp bằng và dành nhiều đất tốt cho người “học giả”, trong khi đó lại thiếu chính sách chiêu hiền với người học thật.
____
Với cương vị là hiệu trưởng của một trường đại học, những bất cập mà ông vừa nêu được khắc phục như thế nào? Trường Đại học An Giang vừa công bố giữ lại hơn 50% số sinh viên không đủ chuẩn tốt nghiệp để đào tạo lại năm cuối, đó phải chăng là một trong những cố gắng của ĐHAG? Trước xu hướng chạy theo thành tích và chuộng bằng cấp, ông có thấy đi đến quyết định đó là hút về mình nhiều điều bất lợi?
Quả là trước đó, tôi có phân vân. Một là chấp nhận cho các em theo thói thường, nghĩa là có đi học đủ 4 năm đại học thì được ra trường với mảnh bằng tốt nghiệp trong tay. Hai là phải siết mạnh về chất lượng để sản phẩm đào tạo từ ĐHAG thật sự có đủ năng lực đảm đương công việc đúng với sở học. Tôi chọn hướng đi thứ hai là vì thà ít mà đúng chuẩn chất còn hơn nhiều mà kém cỏi. Có thể sinh viên và phụ huynh ban đầu sẽ bị sốc, nhưng dần rồi họ cũng sẽ nhận ra. Và khi đó, thương hiệu ĐHAG mới thật sự tạo được niềm tin với xã hội.
____
Ông vừa đề cập đến thương hiệu, nghĩa là hoạt động ở đây rồi sẽ phải thu đủ bù cho chi và có ít tích lũy để phát triển, ĐHAG sẽ làm được điều đó?
Chưa được… và chắc là không nổi. Đây là trường đại học thuộc vùng sâu, vùng xa, phần lớn phụ huynh thuộc diện hộ nghèo. Không thể động viên đóng góp thêm được nữa. Hiện nay, tính bình quân, một sinh viên theo học tại trường mỗi năm phải đóng học phí là 1,5 triệu đồng và Nhà nước phải bổ sung thêm 5 triệu đồng/sinh viên thì mới đủ chi phí đào tạo. Đó là chưa kể ngành học sư phạm là miễn phí hoàn toàn. Mỗi năm, Thủ tướng chi cho trường 4 tỉ đồng, cá nhân tôi vận động một số tổ chức quốc tế tài trợ từ 300.000 – 350.000USD. Còn lại, hầu như tỉnh An Giang phải cáng đáng, 24 tỉ đồng cho chi phí sự nghiệp và xây dựng cơ bản. Tôi nghĩ, dù trong hoàn cảnh nào, Nhà nước cũng phải bao cấp cho hoạt động giáo dục, đào tạo. Bởi như vậy, ngoài việc nâng cao được mặt bằng dân trí, còn tạo được động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Người nghèo được đến trường học tập, có được kiến thức, tay nghề họ sẽ không những tự lo được cho cuộc sống riêng mà còn tham gia vào sự phát triển chung. Xã hội càng phát triển thì nguồn thu về cho ngân sách quốc gia càng lớn. Nói chung, đầu tư cho giáo dục chỉ được chớ không mất. Vấn đề quan trọng còn lại chính là chất lượng đào tạo của ngành giáo dục phải đảm bảo hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của toàn xã hội.
Chúng ta đã hoang phí nhân tài: Cấp bằng và dành nhiều đất tốt cho người “học giả”, trong khi đó lại thiếu chính sách chiêu hiền với người học thật.
____
Và có phải chính vì vậy mà ĐHAG có chuyên ngành Phát triển nông thôn – một ngành học không nằm trong chương trình đào tạo chính thống của cấp đại học quốc gia – và Chương trình nối Internet với nông thôn?
Đúng rồi, gắn nội dung đào tạo sát với những nhu cầu bức thiết của thực tiễn đời sống được xem là tiêu chí chủ đạo trong hoạt động đào tạo của ĐHAG. Chuyên ngành Phát triển nông thôn có từ khi trường mới thành lập. Thật ra, phát triển nông thôn có trong chương trình đào tạo cử nhân kinh tế, nhưng cũng chỉ là một môn học hỗ trợ. ĐHAG đã bóc tách ra để trở thành một ngành học chuyên biệt. Sinh viên ở ngành học này khi ra trường sẽ trở thành một cán bộ phát triển nông thôn có đủ kiến thức và năng lực để tham gia hữu hiệu vào tiến trình xây dựng và phát triển trên từng vùng nông thôn của ĐBSCL. Họ không chỉ vừa là cố vấn đắc lực cho chính quyền tại chỗ trong xây dựng kế hoạch phát triển trên địa bàn, mà còn giúp đỡ cho nông dân trong việc nâng cao lợi nhuận trên mảnh đất của mình.
Còn đối với việc đưa Internet về nông thôn, chúng tôi có tham vọng lớn là rút ngắn khoảng cách thông tin giữa nông thôn với thành thị. Cái khó lớn nhất hiện nay trong khai thác mạng thông tin toàn cầu này chính là sự hạn chế khả năng tiếp cận bằng ngoại ngữ của cán bộ và nông dân. Để khắc phục, lãnh đạo tỉnh An Giang yểm trợ tối đa về tài chính và cơ chế. Còn phía ĐHAG sẽ nhanh chóng hoàn thành trang web riêng của trường. Trang web này như là một ngân hàng thông tin chuyên về nông thôn. Đứng sau lưng hỗ trợ cho việc khai thác là số kỹ sư phát triển nông thôn. Họ không chỉ là người hướng dẫn mà còn được thụ hưởng từ tài nguyên trong trang web, bởi có cả giáo trình mà họ từng được tiếp cận ở nhà trường, các giải pháp chuyên ngành, địa chỉ liên kết với những trang web trong và ngoài nước liên quan đến công việc của họ… Nói chung, có được ngân hàng thông tin này, chúng tôi tạo được sự liên thông bền vững giữa trung tâm đào tạo-nông thôn-nhân lực để cung ứng cho xã hội. Chúng tôi sốt ruột lắm, phấn đấu đến năm 2005, khóa kỹ sư phát triển nông thôn đợt đầu tiên ra trường, cũng là lúc trang web được hoàn thành. Với sự nối tiếp mang tính đồng bộ này, chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn cho một bài toán nhân hơn là bài toán cộng ở sản phẩm từ ĐHAG.
____
Theo thói thường, những trường học nổi tiếng trên thế giới luôn là nơi của những con nhà giàu có, quyền thế. ĐHAG chọn đối tượng con em nông dân, tầng lớp có thu nhập bình quân thấp nhất trong xã hội, liệu ĐHAG có đủ sức để vươn lên tầm vóc “chất lượng quốc tế” như ước nguyện của ông, tập thể trường đại học và cả với tỉnh An Giang?
Chỉ có tôi và anh chị em ở ĐHAG, hay có thêm sự đỡ đầu, hỗ trợ hết mực của tỉnh An Giang, và một phần chi của Chính phủ như đã từng cũng không kham xuể, mà phải có sự hỗ trợ từ chính sách quan tâm đặc biệt vùng nông thôn sâu, xa của Nhà nước, Trung ương. Tôi cũng cố gắng chạy vạy thêm nguồn tài trợ từ bên ngoài, mỗi năm một ít. Như hiện nay, kế hoạch dự kiến sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường với tổng kinh phí 550 tỉ đồng, nếu theo chỉ tiêu phân bổ 25 tỉ đồng/năm, phải mất 25 năm nữa. Bởi vậy tôi cứ viết đề án, tranh thủ gởi đi khắp nơi, mong có được thêm khoản giúp đỡ nào khác để rút ngắn kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho trường…
Ở đời ai cũng chọn cho mình cái khoái để sống. Người thì khoái đi làm có xe ô tô đưa rước, chiều hết giờ về có nhà cao cửa rộng, có vợ con đề huề, tối đi lai rai đâu đó vài chai bia; cũng có người xem việc làm có ích cho người xung quanh thì khoái hơn
____
Tại sao ông lại tự gồng lên vai mình đôi quang gánh nặng nề như vậy? Đã có ít nhất hai lần ông có cơ hội để sóng đôi cùng với người sang trọng, giàu có. Lần học xong tiến sĩ ở Nhật và lần chính thức hoạt động chuyên gia cho IRRI (Viện Lúa quốc tế). Ngay cả bây giờ, ông cũng có điều kiện mà. Vậy mà ông vẫn quay trở về để đi cùng với người nông dân một nắng hai sương của đồng đất này.
Biết sao bây giờ, ở đời ai cũng chọn cho mình cái khoái để sống. Người thì khoái đi làm có xe ô tô đưa rước, chiều hết giờ về có nhà cao cửa rộng, có vợ con đề huề, tối đi lai rai đâu đó vài chai bia, rồi nằm xem ti vi giải trí; cũng có người xem việc làm có ích cho người xung quanh thì khoái hơn… Đi theo con đường CNXH, tôi biết rằng lại phải sát cánh với người nghèo để cùng lo cho tương lai. Chấp nhận sự hy sinh vì đó là lý tưởng tôi đã chọn. Và ở đó tôi tìm thấy hạnh phúc.
Tôi định đề cập đến một điều mà suốt buổi nói chuyện ông không hề nhắc đến. Đó là góc sống riêng tư không ít nỗi nghiệt ngã của gia đình ông. Vợ chồng ông có ba đứa con, tất cả đã thành gia thất và đã sống riêng. Người vợ thân yêu vốn là điểm tựa thực sự trên bước đường thành danh của ông suốt hơn ba năm nay lâm trọng bệnh sau một cơn đột quỵ. Không thể để vợ ở một mình trong ngôi nhà tại Cần Thơ, ông đưa bà về sống với ông trong ngôi nhà nhỏ nằm cạnh nhà gửi xe của trường. Những lúc có mặt ở trường, ngoài giờ làm việc, ông luôn ở cạnh người vợ của mình, khi thì chăm miếng cơm, lúc thì lo cho giấc ngủ, hàn huyên, tâm sự… Cảm thông với hoàn cảnh của ông, lãnh đạo tỉnh An Giang cho ông một nền nhà ở mặt tiền lộ lớn. Ông lại bán lấy gần 1 tỉ đồng góp vốn với cán bộ của trường mua một khu đất rộng 13 hecta để xây làng giáo viên ĐHAG… Ngay khi vừa gặp, ông buột miệng nói đến hai chữ “đơn chiếc” nghe chừng đơn giản mà bên trong lại âm ỉ biết bao điều. Có mấy ai biết được, ông, một giáo sư tiến sĩ vang danh cả thế giới về khoa học nông nghiệp và giáo dục, từng có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước, lại có cái góc riêng éo le đến như vậy. Và ngay cả lúc gia cảnh khó khăn nhất, ông cũng chọn sự hy sinh để được chăm lo cho những đồng sự của mình.
Lúc ông tiễn khách ra cửa, tôi quay lại đọc tặng ông hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ “Làm trai sống ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”. Ông cười rồi nói nho nhỏ: “Cái “danh gì” đó bây giờ được hiểu theo nhiều cách lắm…”. Vâng, “danh gì” đang được không ít người hiểu là lớp vỏ hào quang địa vị, quyền lực cố giành lấy bằng được, dù phải đạp lên mọi chuẩn mực. Nhưng tôi biết, với ông cái “danh gì” đó được nhìn nhận như sự trả lại tương xứng với những gì mà cuộc đời đã ban tặng. Và ông đã sống hết mình với những điều mà mình tâm niệm…