Thuộc hàng sinh sau đẻ muộn của mô hình quán cơm 2.000 đồng tại Sài Gòn, thế nhưng chuỗi quán cơm “Nụ Cười” đã nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu trong lòng người thành phố chỉ sau tám tháng hoạt động. Tiếp theo Nụ Cười 1 ra mắt vào đầu tháng 10-2012 tại quận 1 và Nụ Cười 2 vào đầu tháng 3 tại quận Tân Phú, mới đây Quán cơm xã hội Nụ Cười 3 vừa chính thức khai trương hôm 11-5 tại số 298A Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Bước đầu quán phục vụ 300 suất cơm vào các trưa thứ 3, 5, 7 dành cho công nhân, lao động nghèo và sinh viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cơm không hạn chế, ba món mặn-xào-canh, tráng miệng và nước uống miễn phí.
Xã hội không vô cảm
Có người khi đọc qua các bài viết về mô hình quán cơm 2.000 đồng tại TP.HCM đã ngạc nhiên nói rằng: “Đây là nét lạ trong một xã hội vốn đang bị cho là vô cảm”.
Nhận xét này quả không sai trong thời buổi những tin tức báo chí hằng ngày dày đặc chuyện nhức nhối và nặng nề, nhưng rõ ràng những người đang tham gia quán cơm Nụ Cười 3 vẫn tràn đầy niềm tin về lòng nhân ái trong xã hội.
Các tình nguyện viên đang chuẩn bị đón khách
Từ rất sớm, nhóm điều hành, nhân viên nhà bếp và gần 30 tình nguyện viên đã có mặt tại “Nụ Cười 3” để tất bật chuẩn bị mọi việc cho ngày khai trương chính thức.
Các thành viên sáng lập cho biết, chỉ sau một thời gian ngắn thông tin mở quán được truyền miệng và lan tỏa trên mạng xã hội, số lượng người nhiệt tình tìm đến quán cơm hỗ trợ về tiền bạc, hiện vật và công sức khiến ai nấy đều bất ngờ và xúc động. Bảng quy tắc ứng xử dán trong phòng ăn ghi rõ: “Các đóng góp của nhà hảo tâm xuất phát từ lòng hướng thiện nên chúng ta gọi là tiền thiêng liêng, phải được trân trọng chuyển hết cho người thụ hưởng”.
Khách ăn cơm thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau
Điều này cho thấy, chỉ cần một đốm lửa thiện nguyện đốt lên đã đủ sức lay động tấm lòng của mọi tầng lớp người cùng chung tay tiếp sức.
Đặc biệt là các tình nguyện viên, nhiều người ở các quận xa như Tân Bình chịu khó lặn lội đến đây, thậm chí có người mất tới hơn hai giờ đi hai tuyến xe buýt từ quận 12 đến quận 7 để góp công sức. Một chị đứng tuổi xin được giúp việc thường xuyên trong nhà bếp, nói rõ rằng mình không nhận tiền công mà “chỉ khi nào xe đạp cũ của em bị hư thình lình thì mấy chị giúp sửa là cảm ơn lắm rồi”.
Thực khách vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả trong không khí mát mẻ của quán
Không chỉ các sinh viên tranh thủ giờ rảnh đến góp công sức mà có cả những bạn trẻ thành đạt cũng dành ngày cuối tuần cho công việc thiện nguyện. Nếu có dịp quan sát thái độ phục vụ nhiệt tình của các bạn ấy, biết đâu chúng ta sẽ thay đổi phần nào định kiến về các “cậu ấm cô chiêu”.