Về miền…. cực lạc
Tuy là mô hình tương trợ nhưng quán cơm được tổ chức quy củ và các thành viên tham gia đều cam kết làm việc theo đúng quy trình chặt chẽ, hướng đến một bộ máy chuyên nghiệp và hiệu quả.
Tuân thủ quan điểm “Khách hàng mua chứ không xin, người bán phục vụ chứ không ban phát”, mỗi thành viên của Nụ Cười 3 đều luôn giữ thái độ hòa nhã và tôn trọng thực khách.
Mọi người xếp hàng để chờ mua phiếu ăn
Tuyết Minh, một tình nguyện viên đến từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở quận 7, xởi lởi – sáng nay nghe mấy cô nói đùa nơi đây là miền “cực lạc”, em còn ngờ ngợ, giờ thì hiểu rồi: làm chuyện này ai nấy đều cực nhưng người nào cũng rất vui.
Sau suất ăn trưa vừa miệng, nhiều người tụ tập quanh quầy sách đồng giá 2.000 đồng/cuốn được đặt ngay trong khuôn viên quán để phục vụ món ăn tinh thần cho khách.
Sau suất cơm trưa vừa miệng, nhiều người tụ tập quanh quầy sách 2.000 đồng
Tâm sự về việc xây dựng quầy sách đồng giá 2.000, một điều phối viên trong nhóm điều hành cho biết:
– Có lần, một cô làm tạp dịch tại chung cư tôi ở than thở “mấy đứa nhỏ con em cứ nằn nì đòi mua sách, nhưng khổ quá cô ơi, nhà mình ăn bữa hôm lo bữa mai, tiền dư đâu mà mua sách”. Tôi bần thần nhận ra có biết bao nhiêu đứa trẻ đã không được thỏa mãn nhu cầu tinh thần chính đáng ấy chỉ vì cha mẹ quá nghèo. Rồi lại liên tưởng đến hoàn cảnh các sinh viên học sinh xa nhà, tiền ăn tiền học còn chưa đủ nói chi tiền mua sách! Từ đó mà nảy ra ý tưởng lập quầy sách này.
Quán hiện đã quyên góp được mấy trăm đầu sách thuộc nhiều đề tài phong phú do các nhà xuất bản, công ty kinh doanh văn hóa phẩm và cá nhân đóng góp.
Các em nhỏ hớn hở khi được cầm trên tay những cuốn sách mới tinh
Nhìn thấy sự hồ hởi của Mạnh Tiến, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, khi cầm trên tay cuốn “Luật Thương mại” mới tinh, hay nụ cười rạng rỡ của đứa con trai chị Hạnh bán hàng rong, khi được mẹ mua cho quyển sách tô màu, đó quả là phần thưởng quý giá cho những tấm lòng hảo tâm mong muốn đem văn hóa đọc đến với người nghèo.
Còn đó nỗi lo
Cơ ngơi khang trang nhờ Ngân hàng Eximbank hào phóng hỗ trợ, đông đảo tình nguyện viên sẵn lòng chung tay giúp sức, thực khách nườm nượp đến ăn với vẻ hài lòng, nhưng xem ra anh chủ nhiệm vẫn canh cánh âu lo.
Anh cho biết, đưa quán vào hoạt động mới chỉ là cố gắng bước đầu, vấn đề đặt ra là phải duy trì được quán ăn lâu dài. Bài toán tài chính đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Ngoài việc chia nhau đi vận động các thân hữu gần xa cũng như kêu gọi các doanh nghiệp thường xuyên làm từ thiện cùng tiếp sức, tại quán Nụ Cười 3 còn có một phòng mang tên “Hảo tâm”. Đây là nơi dành cho các mạnh thường quân đến dùng bữa trưa, để có cái nhìn thực tế về quán cơm xã hội này và biết đâu Nụ Cười 3 lại bổ sung được nhân sự trong “Nhóm bảo trợ” quán cơm xã hội.
Thanh Đức