Theo công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Tổng cục Thống kê, trong quý IV-2013, cả nước có 900 ngàn người thất nghiệp, trong đó có tới 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ. Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20 đến 24 tuổi mới tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%. Điều trái khoáy hơn là tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật lại cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật (54,4% so với 39,6%). Dự báo trong năm nay, tăng trưởng GDP đạt 5,8%, lực lượng lao động khoảng 54,87 triệu người, nhưng tình trạng thất nghiệp chưa thể được cải thiện.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, mà quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng chưa cao nên đa số sinh viên mới tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi khá nhanh, trong khi đó, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các trường lại chưa khảo sát tổng thể trên phạm vi cả nước để biết ngành nào thừa, ngành nào thiếu nhằm định hướng đào tạo, bắt kịp được xu thế của thị trường lao động. Bên cạnh đó, sự thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng cũng hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này. Ý kiến tổng kết của GS-TSKH Nguyễn Minh Đường – ủy viên Hội đồng Giáo dục và phát triển nhân lực quốc gia “Có ba sai lầm dẫn đến cử nhân thất nghiệp là nhà trường chạy theo lợi nhuận, không biết về nhu cầu; Nhà nước đầu tư không cân đối, không sát thực tế ngành nghề đào tạo và mất cân đối nguồn nhân lực” đáng để các cơ quan có trách nhiệm sớm đề ra những quyết sách sửa sai. Nhìn lên cao hơn chút nữa, được biết nước ta hiện có tới 24.300 tiến sĩ, nhưng chỉ có 9.152 người đang giảng dạy đại học và cao đẳng, vậy hơn 15 ngàn tiến sĩ còn lại có đang làm những việc gì, có phát huy được trình độ, năng lực chuyên môn không hay là…
Nguyễn Thắng