Bạn không chắc rằng đôi giày size 10 mà bạn vừa đặt hàng trên mạng có phải là size 10 giống như những đôi giày khác mà bạn đã mua? Rồi “cỡ vừa” của nhà sản xuất này có khi lại là “cỡ cực lớn” của nhà sản xuất khác? Liệu chiếc váy mà bạn vừa mua có thể hơi nhỏ với bạn? Đó là những rắc rối thường gặp với người mua sắm hàng thời trang trên mạng.
Pixibo, một startup của Singapore muốn thay đổi thực tế này với công cụ đưa ra lời khuyên về kích cỡ trang phục có tên gọi là Pi, được tích hợp vào các cửa hàng trực tuyến.
Rohit Kumar, nhà sáng lập và CEO của Pixibo là một cựu nhân viên của Google. Anh từng là một chuyên gia phân tích của Google châu Âu và Ấn Độ trước khi đến Singpapore làm việc cho một công ty quảng cáo trong lĩnh vực thương mại điện tử vào năm 2013. Trong thời gian này, Kumar để ý thấy rằng “rất nhiều người tìm kiếm quần áo trên các trang thương mại điện tử, nhưng rất ít người trong số này trở thành người mua hàng thật sự”.
Tỷ lệ người mua hàng so với lượng truy cập vào web trung bình là 1,5 %. “Điều đó có nghĩa là 98 trong 100 người rời trang mà không mua gì cả”, Kumar nói. Theo tìm hiểu của Kumar và nhóm của anh thì nguyên nhân hàng đầu là do người mua sắm không chắc chắn về kích cỡ và sự vừa vặn của những mẫu hàng mà họ chọn trên mạng. Nhiều trang web cung cấp bảng thông số kích cỡ và hướng dẫn chọn cỡ nhưng thường thì khách hàng vẫn thấy chưa đủ.
“Nếu không thử thì tôi không thể biết được nó có vừa với tôi hay không”. Đây là suy nghĩ phổ biến của người mua sắm trước khi quyết định rời trang mà không mua gì. “Tôi gọi đó là vấn đề xưa cũ nhất của thời trang trực tuyến”, Kumar giải thích. “Chúng tôi nhận ra rằng các quý ông và quý bà thật ra không biết rõ lắm về cơ thể của họ. Thông tin mà họ biết là những thứ cơ bản như chiều cao, cân nặng và cỡ áo ngực”.
Dữ liệu là điểm cốt lõi của Pi và nó xuất hiện như một tính năng “chatbot” trên các trang thương mại điện tử, đưa ra lời khuyên giúp người mua chọn cỡ. Dữ liệu này bao gồm thông tin kích cỡ của các thương hiệu, ngân hàng thông tin về kích thước chuẩn, xu hướng khách hàng, thuộc tính của các loại vải, chất liệu khác nhau từ các nhà sản xuất và bán lẻ trên khắp thế giới.
Kích cỡ có thể khác nhau nhiều tùy theo khu vực và thậm chí tùy theo thương hiệu. Cỡ “nhỏ” ở các nước Bắc Âu chắc hẳn lớn hơn đáng kể so với cỡ “nhỏ” ở châu Á. Một số thương hiệu còn có xu hướng làm kích cỡ danh nghĩa – size có thể lớn hoặc nhỏ hơn tùy thời điểm, phụ thuộc vào cảm xúc và xu hướng tiêu dùng. Vì những rắc rối này mà người tiêu dùng trực tuyến thường mua bằng trực giác, nhận hàng, thử rồi trả lại nếu không vừa. “Đó là lý do vì sao ngành thời trang trực tuyến có tỷ lệ trả hàng rất cao”, Kumar nói.
“Các thương hiệu khác nhau có những chi tiết sai số của riêng họ. Chúng tôi thường nhận 18-19 chi tiết dữ liệu cho mỗi sản phẩm và chuyển chúng thành lời khuyên cụ thể cho người mua”. Chẳng hạn, Pi có thể dùng hệ số co giãn của một loại vải nào đó để đưa ra một lời khuyên chính xác hơn về kích cỡ. Có nghĩa là những người đến cửa hàng quần áo trực tuyến sẽ chọn mẫu đồ, đưa ra thông số về kích cỡ, hình thể và nhận thông tin tư vấn của Pi cho dù họ thích kiểu đồ rộng rãi hay bó sát và chọn chất liệu nào đi nữa.
Pixibo (wearepixibo.com) không phải là công ty đầu tiên nỗ lực giải quyết vấn đề này của ngành thời trang trực tuyến. True Fit của Mỹ, Fit Analytics của Đức và Fits.Me của Estonia là những cái tên có thể kể đến. Tuy nhiên, nhà sáng lập của Pixibo cho rằng họ có thể mang lại điều gì đó khác biệt cho các công ty thương mại điện tử. “Câu hỏi tôi tự đặt ra là: Vấn đề này là có thật, các nhà quản trị trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử đều đồng ý là tỷ lệ trả hàng là rất cao, vậy tại sao họ lại chưa đón nhận rộng rãi các giải pháp hiện có?”.
Theo lý giải của Kumar, các công ty thương mại điện tử không thể hoặc không sẵn sàng tích hợp công nghệ tư vấn kích cỡ từ bên thứ ba vì phải mất nhiều tuần, hoặc thậm chí nhiều tháng để phát triển và có thể sẵn sàng triển khai trên trang bán hàng. Kumar cho biết Pi có thể được thiết lập trong một khung thời gian ngắn hơn nhiều, thậm chí chỉ trong 20 phút. Pixibo có thể cấp bản quyền công nghệ và API (giao diện lập trình ứng dụng) cho các nhà bán lẻ thương mại điện tử để họ có thể tùy chỉnh tiện ích này.
Hoạt động theo mô hình SaaS (phần mềm dịch vụ), Pixibo ký với khách hàng hợp đồng 12 tháng và tính phí bản quyền hằng tháng thay vì tính phí dựa trên theo doanh số bán hàng. Trong số khách hàng của họ, có thể kể đến những cái tên như Grana của Hongkong, Pomelo của Thái Lan và Abof của Ấn Độ.
– Theo Tech in Asia