Mối quan hệ có chiều hướng khăng khít hơn giữa Nga và Cyprus là dấu hiệu cho thấy EU đang bị chia rẽ, tình đoàn kết trong khối đang rạn nứt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm tuần trước tiếp Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades và đôi bên đạt được một số thỏa thuận có ý nghĩa về quốc phòng, quân sự.
Cyprus cho phép các tàu chiến Nga tham gia nỗ lực chống khủng bố quốc tế và hải tặc, ra vào các quân cảng của Cyprus theo thủ tục được đơn giản hóa. Ngoài ra, có khả năng Nga sẽ sử dụng một căn cứ không quân tại Cyprus để phục vụ các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Sự kiện này thu hút nhiều dư luận quốc tế trong tình hình căng thẳng giữa Nga và NATO hiện nay.
Cyprus nằm tại vị trí chiến lược ở phía đông Địa Trung Hải, từ lâu đã là nguồn cơn của xung đột giữa phương Đông và phương Tây. Vị trí đặc biệt của hòn đảo khiến nó trở thành một phần trọng yếu của bất kỳ động thái an ninh nào trong khu vực.
Cyprus không phải là thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng lại là nhân tố có tính chất quyết định trong các hoạt động của liên minh Địa Trung Hải. Nó đóng vai trò trung tâm đối với các chiến lược can thiệp tại ngã tư giữa Tây Á, Đông Địa Trung Hải và Đông Bắc Phi của NATO.
Timothy Ash, nhà phân tích các thị trường mới nổi của Ngân hàng Standard, đánh giá cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ Nga và Cyprus là “rất đáng chú ý” đồng thời cảnh báo bước biến chuyển này sẽ gây ra không ít khó khăn cũng như rủi ro cho châu Âu và Mỹ.
Tướng Chuck Wald, cựu phó chỉ huy Không quân Mỹ, cho rằng việc tàu Nga có thể dễ dàng ra vào các quân cảng ở Cyprus sẽ giúp Tổng thống Putin thu thập nhiều thông tin tình báo giá trị. Moscow sẽ “quan sát mọi động thái của Anh”, ông nhấn mạnh, liên hệ tới Akrotiri và Dhekelia, hai vùng căn cứ thuộc chủ quyền Anh với 8.000 quân, chiếm 3% diện tích đảo Cyprus.
Gần đây, mối quan tâm về lợi ích an ninh của Moscow đối với Cyprus ngày càng tăng bởi những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ở Syria có thể sẽ đe dọa tới sự an toàn của Tartus, cảng biển duy nhất Nga sở hữu ở Địa Trung Hải.
Nga luôn mong muốn được tiếp cận các cơ sở hạ tầng không quân và hải quân của Cyprus nhưng đảo quốc này hiểu rằng việc cho phép Moscow toàn quyền sử dụng các cơ sở quân sự của họ sẽ khiến mối quan hệ với các đồng minh phương Tây gặp rắc rối. Vì thế, Cyprus chỉ đồng ý để Nga sử dụng những phương tiện của mình trong các trường hợp khẩn cấp.
Đ.N (DNSGCT)