Trong những ngày từ 9-3 đến 20-3-2015, hội nghị thường niên do Ủy ban về địa vị người phụ nữ (CSW) tổ chức đang diễn ra với sự tham dự của trên 1.100 tổ chức phi chính phủ và hơn 8.600 đại biểu. Ngoài hội nghị chính, còn có hàng trăm cuộc gặp gỡ khác bên lề để bàn thảo những vấn đề tồn tại trong 20 năm thực hiện Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị phụ nữ Bắc Kinh năm 1995.
Những tổng kết ban đầu cho thấy dù có nhiều nỗ lực trong thời gian qua, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phụ nữ quốc tế vẫn không mang lại cho người phụ nữ một địa vị xứng đáng với khả năng đóng góp của họ trong đời sống cộng đồng. Theo tổ chức UN Women của LHQ hoạt động vì sự bình đẳng giới và trao quyền hạn cho người phụ nữ, hiện trên thế giới, cứ năm đại biểu quốc hội thì mới có một phụ nữ. Gần 50% phụ nữ trong độ tuổi lao động có việc làm được trả lương, tăng 10% so với cách đây hơn 20 năm, nhưng đồng lương của họ vẫn không ngang bằng với nam giới làm cùng một loại công việc. Trong tình trạng hiện nay, UN Women cho rằng phải cần đến 81 năm để phụ nữ được hưởng quyền lợi ngang bằng với nam giới trong lao động.
Cần nhắc lại là vào năm 2000, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh, khẳng định nhu cầu tăng cường vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng hòa bình tại những đất nước vừa trải qua chiến tranh. Vậy mà trong suốt 20 năm, từ năm 1992 đến năm 2011, phụ nữ chỉ chiếm 4% chữ ký trong những thỏa thuận hòa bình và chiếm 9% số người tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Trong đời sống xã hội, tại nhiều quốc gia trên thế giới, phụ nữ không được đối xử ngang bằng nam giới về kinh tế (không có nhiều quyền sở hữu tài sản hay thừa kế di sản, bị hạn chế lao động…) và nhiều điều luật vô tình cổ xúy cho việc bạo hành phụ nữ như cho phép người đàn ông có quyền cưỡng dâm vợ, đe dọa, ép buộc người phụ nữ lấy họ, không có biện pháp trừng phạt thích đáng với những người chồng, người bạn tình cố tình đánh đập phụ nữ… Về phần mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra những số liệu cụ thể cho thấy 35% phụ nữ trên toàn cầu đang trải qua bạo lực gia đình hoặc bạo lực tình dục của người ngoài gia đình. Mặt khác, trong số những vụ giết người mà nạn nhân là phụ nữ thì 38% do chính những người thân trong gia đình họ gây ra. Đại diện tổ chức CSW dự báo rằng trong thời gian tới, những vấn đề như sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, các quyền chính đáng của người phụ nữ như quyền được đồng tính, lưỡng tính hay chuyển giới vẫn sẽ là những đề tài mà tổ chức này phải tiếp tục đặt lên bàn nghị sự. Lời cảnh báo của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon: “Chúng ta không thể làm hết 100% khả năng bằng cách loại bỏ ra ngoài 50% nhân loại” phản ánh phần nào sự thất bại trong các nỗ lực của LHQ nhằm mang lại quyền bình đẳng cho mọi người đang sống trên hành tinh này.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)