Lần đầu tiên đem tranh vào miền Nam triển lãm (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, 97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 1-3 đến 16-3-2014), họa sĩ Dương Việt Nam đã mang đến phòng tranh một không khí đậm đặc chất Hà Nội thể hiện qua các tác phẩm của ông.
Gần như toàn bộ khoảng 30 bức tranh được trưng bày đều vẽ về Hà Nội với cảnh phố xá, con người đất Tràng An xưa và nay hòa quyện vào nhau. Ai đã từng gắn bó hoặc yêu mến những phố cổ Hà Nội hẳn sẽ phải dừng lại lâu trước những mô tả cụ thể nhưGóc chợ Hàng Bè, Phố Hàng Bạc, Phố Hàng Da, Phố Hàng Thiếc, Phố cổ Tạ Hiền, Đêm (giờ Trái đất) trên phố Hàng Thiếc, Chợ Đồng Xuân, Chợ Hàng Chiếu… hay những Du lịch trên phố cổ Hà Nội, Mùa thu vàng, Chợ hoa xuân, Chợ, Chùa, Buổi trưa, Trời vừa mưa xong… bởi hình ảnh trong tranh gần gũi quá, thân thương quá, gợi những tình cảm êm đềm của một thời Hà Nội còn yên bình, chưa sống vội sống vàng, chưa mất đi những nét “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, lại được vẽ với một bảng màu gợi cảm, một kỹ thuật chắc tay về hình họa, bố cục.
Nét đáng chú ý tại triển lãm là cách tác giả sử dụng màu acrylic để vẽ trên giấy dó truyền thống Việt – một tìm tòi được ông chia sẻ: “Cùng với sơn ta và lụa, tranh giấy dó là mảng hội họa thuần Việt, hiện được nhiều họa sĩ khai thác trong khi tranh lụa thì ngày càng mai một. Tranh giấy dó vẽ bằng thuốc nước cần có khung kính khi trưng bày, khá bất tiện và trong phòng tranh chưa có hệ thống chiếu sáng phù hợp thì khó xem tranh vì mặt kính thường bị lóe sáng.Tranh vẽ bằng acrylic trên giấy dó không cần thiết có khung kính, dễ xem mà vẫn đạt được hiệu quả thẩm mỹ”. Trong phòng tranh, ngoài vài bức sơn dầu khổ lớn, còn lại là những tranh acrylic trên giấy dó mà theo họa sĩ Dương Việt Nam ông “đã nghiên cứu khá lâu” trước khi sử dụng kỹ thuật này.
Sinh năm 1954 tại Hà Nội, Dương Việt Nam tốt nghiệp khoa Hội họa (khóa 1981-1986) Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Lớn lên trong lòng phố cổ, Dương Việt Nam tự bạch rằng ông đã “gắn bó rồi yêu từng góc phố con đường và cả con người nơi đây” để rồi một cách tự nhiên, Hà Nội trở thành một đề tài chủ đạo trong hội họa của ông: “Khi vẽ, tôi thường nghĩ về thời thơấu với những kỷ niệm gắn liền với những khu phố cổ…”.Từ đó, thời thơấu với những ký ức chưa nhạt nhòa về Hà Nội ba mươi sáu phố phường lại tìm vào tranh, sống động và tình cảm.Trong nhiều tác phẩm của ông, dù thể hiện Hà Nội của ngày hôm nay nhưng vẫn thấp thoáng đâu đó những cô gái đất Tràng An xưa trong áo tứ thân hay tà áo dài truyền thống. Cũng đậm đặc trong tranh là những kiến trúc thời hiện đại đan xen những kiến trúc cổ kính và công trình thời thuộc địa còn được lưu giữ, cũng như không thể thiếu một yếu tố đặc trưng khác của Hà Nội: cây xanh bốn mùa thay lá. Điểm đặc biệt là dù tác giả vẽ những phố xá hôm nay ken đặc người và xe cộ nhưng tranh ông vẫn đem đến cho người xem một cảm giác thật êm đềm. Cái cảm giác ấy có được phải chăng từ chính người vẽ tranh khi mà ông “thường ngồi yên lặng nhiều giờ vẽ những ngôi nhà cổ; đối với tôi Hà Nội luôn đẹp đẽ và thiêng liêng”.
Gần mười năm qua Dương Việt Nam không bày tranh ở Hà Nội sau những triển lãm cá nhân vào các năm 1992, 1993, 1995, 1999, 2001, 2002, 2005. Tranh ông có trong sưu tập tư nhân ở Mỹ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong… và tại một vài gallery ở nước ngoài.
- Diên Vỹ